Có nhiều lý do khiến một người muốn làm bạn với tình cũ.
Bạn và người kia không phù hợp làm người yêu, nhưng hai người vẫn có thể trò chuyện với nhau về đủ điều trên đời suốt hàng tiếng đồng hồ. Cuộc sống cả hai trông khác biệt, nhưng thực chất lại giao nhau ở những sở thích như đánh tennis hay du lịch.
Tóm lại, bạn hoàn toàn có thể cảm thấy thu hút bởi người cũ ngay cả khi không còn nhiều cảm xúc lãng mạn với họ.
Một nguyên nhân khác là tình bạn giữa hai người nảy sinh trước tới tình yêu. Theo đó, sau một khoảng thời gian bên nhau, dù dài hay ngắn, họ trở thành người có sức ảnh hưởng lớn và bạn không sẵn sàng từ bỏ họ.
Dưới đây, Vox đưa ra phân tích và lời khuyên từ nhiều chuyên gia giúp bạn giữ được tình bạn với người mình từng hẹn hò.
Trước khi quay về làm bạn, bạn và người cũ nên dành thời gian để quên đi cảm xúc cũ. |
Khoảng chờ
Zoe Shaw, nhà trị liệu tâm lý, cho hay trước khi tiến tới làm bạn, hai người nên cho nhau một "khoảng nghỉ".
Quá trình để ai đó hết yêu một người có thể mất nhiều tháng, thậm chí vài năm.
Vì vậy, bạn nên cân nhắc việc hủy theo dõi người cũ trên các trang mạng xã hội, dừng nghe những bài hát gợi nhớ kỷ niệm yêu hay tránh ghé lại những địa điểm hẹn hò thường xuyên của cả hai.
Để sớm quên đi tình cảm với người yêu cũ, bạn có thể tìm kiếm hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hay chuyên gia tâm lý.
Sau khi cảm xúc đã được “thanh lọc”, bạn cùng người kia nên ngồi lại và thống nhất quan điểm của cả hai về tình bạn.
Bạn hãy thử bắt đầu bằng việc tự hỏi mình sẵn sàng thân mật về mặt cảm xúc đến chừng nào? Bạn có chấp nhận việc bạn và người cũ có tiếp xúc khi làm bạn không? Hay tần suất gặp nhau của hai người nên là bao nhiêu?
Bên cạnh đó, đặt ra giới hạn rõ ràng là việc thiết yếu. Bạn có sẵn sàng chia sẻ chuyện tình mới của mình với người cũ không? Bạn ổn với việc gọi điện hay nhắn tin cho nhau hơn?
Marisa G. Franco, chuyên gia tâm lý, khuyên bạn nên yêu cầu người kia không gợi lại những thói quen hay kỷ niệm khi còn yêu đương. Bạn dễ dàng hành xử như cũ khi trở lại những bối cảnh lúc đương “mặn nồng”.
Thay vào đó, bạn và người yêu cũ nên cố gắng tạo những trải nghiệm mới ở những nơi khác trung lập hơn như bảo tàng hay công viên.
Trong trường hợp cái nhìn về tình bạn không giống nhau, hai người nên dành thêm thời gian bàn bạc. Nếu đàm phán vẫn không có kết quả, đây là tín hiệu cho thấy việc làm bạn không phải là phương án khả thi lúc bấy giờ.
Theo Elizabeth Earnshaw, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, khi tranh cãi hay bất kỳ cảm xúc khác lạ nào xen vào quá trình thương lượng, bạn có thể đổi ý bất cứ lúc nào. Bạn nên nhớ sự việc không thành cũng không phải là một điều tồi tệ.
Để làm bạn một cách thoải mái, bạn và tình cũ cần hóa giải những mâu thuẫn thuở còn yêu đương. |
Hòa giải
Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Tâm lý học xã hội (The Journal of Social Psychology) vào năm 2020, bạn dễ làm bạn với tình cũ hơn nếu hai người có cuộc chia tay êm đẹp.
Điều quan trọng cần lưu ý là sự công bằng và thành tâm của mỗi cá nhân khi chấp nhận chấm dứt tình yêu.
Franco cho hay cố gắng sửa chữa sai lầm và hàn gắn vết thương sẽ giúp duy trì được tình bạn với người yêu cũ.
Ngay cả khi chia tay không quá êm đềm, bạn vẫn còn cơ hội nếu nhanh chóng đứng lên chịu trách nhiệm cho những thương tổn bạn có thể đã gây ra cho người kia.
Một vài người cần thêm thời gian để hoàn toàn được chữa lành trước khi bước vào tình bạn, trong khi một số khác mong muốn ổn định và tiến tới mối quan hệ mới nhanh chóng.
Tuy nhiên, bạn không cần cố tỏ ra là mình ổn và có khả năng giải quyết được mọi chuyện. Thực tế, rất có thể bạn mới là người cần được xoa dịu.
Ngoài ra, bạn lẫn người cũ cần mạnh dạn chia sẻ về cảm nhận và suy nghĩ của mình về mối quan hệ xưa. Cả hai hãy cố gắng thẳng thắn bày tỏ những cảm xúc tiêu cực và tổn thương trong quá khứ. Cách tiếp cận này sẽ giúp bạn nêu ra những mong muốn về nửa kia khi là bạn thuận lợi hơn.
Earnshaw gợi ý trao đổi với người yêu cũ rằng: “Anh biết mình đã làm nhiều điều khiến em buồn. Anh thật sự cảm thấy hối hận về những hành động này của mình. Chúng ta có thể ngồi lại và trao đổi nhiều thêm về vấn đề này được không? Anh mong em có thể hiểu được rằng ý kiến của em rất quan trọng với anh”.
Làm bạn vô tư với người cũ, bạn vẫn cần ưu tiên cảm xúc của người yêu hiện tại. |
Ưu tiên người yêu hiện tại
Nếu bạn và người cũ đều đang có đối tượng yêu đương, hai bên cần nhận thức được người yêu của nhau và thoải mái với việc làm bạn.
Bạn hãy thấu hiểu cho sự lo lắng có thể nảy sinh của người yêu mới. Họ dễ bị tự ti và nổi nóng với việc bạn còn qua lại với tình cũ.
Để giải quyết vấn đề này, thay vì thắc mắc liệu mình còn thể tiếp tục gặp người cũ không, bạn nên chân thành hỏi họ sẽ cảm thấy yên tâm với những hành động và bối cảnh gặp gỡ nào.
Shaw cho hay bạn khó có thể khiến bạn bè và người yêu có mối quan hệ hoàn toàn hòa hảo.
Song, bạn vẫn nên cố gắng cho hai bên quen biết nhau càng sớm càng tốt. Khi yêu nhau, bạn không nên trì hoãn thông báo hay giữ bí mật bất kỳ điều gì với nửa kia.
Thêm vào đó, bạn nên ưu tiên người bạn đời của mình trước. Bạn có thể có được lòng tin của họ bằng cách chứng tỏ mình không thiên vị.
Nếu họ muốn bạn ngừng nói chuyện với người cũ, bạn hãy làm thế. Có như vậy bạn mới cho nửa kia thấy được sự nghiêm túc yêu đương của mình.
Một khi cảm thấy được trân trọng, họ sẽ cân nhắc nới lỏng suy nghĩ tiêu cực với việc làm bạn với người cũ.
Nhiều người cảm thấy lo lắng khi bạn bè mình quay lại làm bạn với tình cũ. |
Tin tưởng gia đình, bạn bè thân thiết
Giữ mối quan hệ bạn bè với người yêu cũ có thể khiến gia đình và bạn bè không thoải mái.
Đối với người chỉ quen biết xã giao, Earnshaw đề xuất phản hồi họ ngắn gọn và xa cách.
Chẳng hạn, bạn có thể nói: “Cảm ơn sự lo lắng của bạn nhưng tôi và người cũ có mối quan hệ bạn bè tốt đẹp. Tôi cũng không gặp vấn đề gì đáng lo ngại khác về chuyện này”.
Tuy nhiên, nếu bạn bè thân thiết tỏ thái độ, bạn nên cân nhắc lắng nghe và xem xét ý kiến của họ.
Bạn hãy tìm hiểu lý do họ không muốn bạn có bất kỳ dính líu gì đến người yêu cũ.
Bạn có thể mở lời như sau: “Mình không đồng tình với bạn lắm. Song, mình rất muốn hiểu thêm về những lo ngại bạn đang có”.
Trong trường hợp bạn vẫn hết mực tin tưởng vào quyết định của mình, Earnshaw đề xuất giãi bày rằng: “Mình hoàn toàn hiểu được lý do bạn lo lắng. Mình cũng nhận thức được là việc duy trì tình bạn với người yêu cũ không được ưa thích cho lắm. Tuy nhiên, mình đảm bảo với bạn là khi có chuyện gì bất ngờ xảy ra mình vẫn có thể ứng phó được”.
Khi mọi nỗ lực kết bạn với tình cũ bất thành, bạn nên chấp nhận sự thật và từ bỏ. |
Từ bỏ
Dù mong muốn được làm bạn với người yêu cũ đến đâu, bạn vẫn có khả năng vượt qua ranh giới vạch ra hay lâm vào buồn bã mỗi lần cả hai đi chơi.
Bạn hãy nhắc nhở bản thân cẩn trọng hơn trước khi ngỏ lời với tình cũ.
Bạn đừng quên rằng hai người chia tay cũng cũng vì những lý do hiện hữu.
Nếu thật sự muốn dừng mối quan hệ kiểu này, bạn có thể nói: “Em biết cả hai đang cố gắng xây dựng tình bạn này. Tuy nhiên, em nghĩ mình không thực sự phù hợp với mối quan hệ như thế này”.
Lifestyle gửi đến độc giả gợi ý về sách hay, phong cách đọc hiện đại của giới trẻ, đặc biệt là Gen Z. Ngoài ra, những người mê đọc sách cũng có thể khám phá thêm góc nhìn của các gương mặt trẻ nổi bật về lựa chọn đọc sách.