Tại khu vực “phố Tây Bùi Viện” (quận 1), nơi còn được nhiều dân chơi trẻ ngầm gọi là “phố cần sa”, chỉ cần bỏ ra vài chục cho đến vài trăm nghìn là đã mua được.
Nhân (24 tuổi, ngụ quận 5, TP HCM) là một người nghiện cần sa, nói: “Muốn hút cần thì cứ tới phố Tây, mua bao nhiêu có bấy nhiêu, giá nào cũng có”.
Tối 18/10, theo lời hẹn trước, Nhân dẫn tôi ra khu vực ngã tư đường Bùi Viện và Đề Thám để mua cần sa. Theo quan sát, “phố Tây” tầm 8h rất đông người, đặc biệt là những quán cà phê, quán bar mở nhạc xập xình, khách ngồi cả trên vỉa hè.
Dừng chân tại tủ thuốc lá trước một quán bar trên đường Đề Thám, Nhân nháy mắt với người bán hàng rồi nói: “Lấy 3 bi hút chơi”. Người bán hàng nhanh tay kéo hộc tủ bên dưới, lấy ra một bịch nylon đựng trong đó vài mẩu giấy nhỏ với một ít lá khô. Nhân đưa cho người bán 110.000 đồng rồi ra hiệu cho tôi phóng xe theo thật nhanh.
Sau đó, chúng tôi ghé một quán bia trên đường Hoàng Sa, gần bờ kè Thị Nghè (quận 1). Không gian quán nhỏ và đặc khói thuốc. Nhân giới thiệu đây là quán “ruột” của anh, khách đến đây hầu hết là khách quen, ngồi thành từng nhóm và… hút cần sa.
"Cỏ Mỹ" được đóng gói trong bao bì và cuốn vào điếu thuốc lá để sử dụng. |
Khi tôi hỏi về nguồn hàng nhập từ đâu, Nhân trả lời rành mạch: “Hàng này lấy chủ yếu ở Campuchia, Lào. Một lần lấy số lượng lớn rồi về đây chia nhỏ ra bán ở nhiều nơi. Muốn mua phải có người quen dẫn đi, mua nhanh rút gọn.
Mày lạ mặt mà lảng vảng thì tụi nó không bán đâu, sợ công an túm. Tụi nó có bán cỏ nữa, nhưng loại này đắt, hút phê hơn cần sa nhiều”. Một lúc sau, 3 người bạn của Nhân đến, trong đó có 1 nữ. Nhân giới thiệu: “Chị Giang này hút sành lắm, muốn biết cái gì cứ hỏi chỉ”.
“Mới thử hút lần đầu thì cứ hút như hút thuốc lá thôi. Quen rồi thì hút khác. Có thấy người ta hút điếu cày lần nào chưa? Hút cần cũng giống vậy, bỏ vô chai nhựa hút mới phê. Thử luôn không?”, Giang cười lớn.
Trên thực tế, cần sa là một loại thực vật có tên khoa học là Cannabis sativa L; học Cannabinaceae.
Trong cần sa có 3 chất chính đã được tìm thấy là: Cannabinoid, Tetrahydrocannabinol (THC) và Cannabinol. Trong đó, THC là hoạt chất chính gây tác dụng về mặt tâm thần. Hàm lượng THC trong mỗi loại cần sa khác nhau, có loại THC chiếm tỷ lệ rất cao 4 – 6%, nhưng đa số chỉ chứa hàm lượng trung bình 1 – 2%.
Hoạt chất THC trong cần sa được xếp vào nhóm chất gây ảo giác, dễ tan trong chất béo nên khi hút vào, THC nhanh chóng xâm nhập mô phổi, người hút sau vài phút sẽ có những thay đổi về mặt tâm sinh lý.
Đầu tiên là biểu hiện choáng váng, lỗ tai lùng bùng hoặc bị ù đi, đầu nhẹ lâng lâng, tay chân ngược lại có cảm giác nặng hơn, bắt đầu thấy đói và thèm ăn đồ ngọt. Một vài trường hợp bị sốc khi hút cần sa dễn đến tình trạng ói mửa, đau bụng, cay mắt và tim đập rất nhanh.
Với những người mới thử hút lần đầu, thường có cảm giác lo lắng và bồn chồn, đa số họ đều rơi vào nỗi sợ bị người khác bắt gặp, phát hiện.
Giai đoạn đầu nhanh chóng qua đi, người hút sẽ thấy sảng khoái, thần kinh kích thích, có những rối loạn về trí nhớ, dễ khóc dễ cười, không kiểm soát được hành vi của bản thân và xuất hiện những ảo giác tùy theo tâm trạng lúc đó của người hút. Đã có trường hợp 1 thanh niên say thuốc cần sa nhảy từ lầu cao xuống đất, vì nghĩ mình đang bước xuống cầu thang.
Đáng nói hơn là hoạt chất THC còn gây ra trạng thái có tên gọi là “giải thể nhân cách” (Depersonalization), khiến người hút nghĩ họ là anh hùng và có siêu năng lực.
Thậm chí, âm thanh, tiếng động, màu sắc mà người đang phê thuốc cảm nhận hoàn toàn khác với người bình thường, họ rất dễ bị kích động thực hiện những hành vi như nhảy nhót không ngừng, tự rạch tay chân mình, chỉ cần nghe một lời nói khích hay xúi làm chuyện xấu cũng có thể thực hiện được, kể cả giết người. Năm 2014, đã có một nhóm thanh niên sau khi nhậu, hút cần sa thì bắt đầu đập phá đồ đạc, gây gổ và đâm chém lẫn nhau.
Ngoài những ảo giác nguy hiểm kể trên, hút cần sa còn gây viêm phế quản mạn tính, làm hẹp đường thở, làm cho máu người hút chứa hàm lượng khí độc carbon monoxide (CO) rất cao.
Nam giới hút cần sa lâu ngày sẽ bị giảm lượng Testosrone (nội tiết tố sinh dục nam), giảm sự sinh tinh trùng và khả năng sinh dục. Đối với nữ giới, hút cần sa gây ức chế sự phóng noãn (rụng trứng), kinh nguyệt không đều, dễ gặp vấn đề trong về sinh sản.
Tuy không gây nghiện mạnh như heroin, nhưng việc sử dụng cần sa lâu ngày sẽ tạo thành thói quen và dẫn đến tình trạng muốn hút thường xuyên, hút ngày càng nhiều hơn, một khi đã nghiện kiểu “mưa dầm thấm lâu” thì rất khó bỏ hẳn.
Kiến nghị Bộ Y tế kết luận chất XLR-11 có trong "cỏ Mỹ"
VKSND tối cao đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị nghiên cứu, xem xét và kết luận chất XLR-11 có trong "cỏ Mỹ" có phải là chất ma túy cần kiểm soát theo danh mục các chất ma túy tại Việt Nam hay không?
Nếu là chất ma túy thì đề nghị Bộ Y tế có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung chất này vào trong danh mục các chất ma túy, làm cơ sở cho các cơ quan tiến hành tố tụng đấu tranh, xử lý với các nghi phạm về hành vi tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép "cỏ Mỹ" có chất XLR-11.
Như đã đưa tin, bài báo động về thực trạng sử dụng "cỏ Mỹ" trong giới trẻ hiện nay. Loại "cỏ Mỹ" này qua trưng cầu giám định tại Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an xác định có chứa thành phần XLR-11.
Đây là chất khi sử dụng sẽ gây loạn thần, giãn đồng tử, kích động, căng thẳng, lo lắng, có thể có những tư tưởng cực đoan gây hại cho người dùng. "Cỏ Mỹ" gây nghiện và được đánh giá là nguy hơn cả cần sa. Nhưng do mới xâm nhập vào Việt Nam nên thành phần XLR-11 có trong "cỏ Mỹ" chưa nằm trong danh mục các chất ma túy cần được kiểm soát.