Cần siết chặt thành lập trường Đại học
Những vụ việc tại ĐH Nguyễn Trãi, Phan Thiết, Hồng Bàng... khiến nhiều người cho rằng Luật giáo dục cần thực thế hơn và quy trình thành lập ĐH cần phải được siết chặt.
Sẽ sửa đổi Luật giáo dục |
ĐH thành lập: quá dễ
Một tháng 5 trường ĐH được nâng cấp từ các trường CĐ, trong khi các vụ việc tại ĐH Nguyễn Trãi, Phan Thiết, Hồng Bàng vẫn tiếp nối những trang dài và chưa có dấu hiệu kết thúc.
Bức xúc trước điều này, GS. Vũ Dương Ninh, ĐH QG Hà Nội cho rằng tình trạng chung hiện nay là các đề án thành lập trường thường “vay, mượn” tên tuổi các giáo sư, tiến sĩ để có đủ số lượng. Phần lớn trong số họ không hề tham gia giảng dạy tại trường đó, thậm chí còn không hề biết về việc ký hợp đồng giảng dạy với trường.
GS Vũ Dương Ninh đưa ví dụ: “Chính tôi cũng đã vài lần phát hiện mình tự nhiên có tên ở một số trường trong khi không hề có liên hệ gì với trường”.
Còn theo GS. Lê Tuấn Hoa, Phó Viện trưởng Viện Toán học, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam: chúng ta mang tiếng mở nhiều trường đại học nhưng lại chưa đủ chỗ cho người học. Nghịch lý ở chỗ quy mô trường đại học còn quá lộn xộn, trường có nhiều chuyên ngành, trường có ít chuyên ngành, có trường 1.000 sinh viên, có trường tới 30.000 sinh viên…
Theo GS Hoa, phải có quy chế ổn định quy mô trường học vì có quy mô thì mới có chất lượng. Nhưng để đảm bảo chất lượng thì phải ổn định về giảng viên cơ hữu, không nên tính giảng viên thỉnh giảng. Khi cho giấy phép thành lập trường phải quy định thời gian xây dựng 3 – 4 năm, số sinh viên/giảng viên.
Không đồng ý để Bộ GD – ĐT có quyền “sinh” trường
Theo Luật sửa đổi bổ sung trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ quyết định đối với thành lập trường đại học. Trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng quyết định chủ trương thành lập trường.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đều phản đối ý kiến này. GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, cho rằng Bộ Giáo dục chỉ nên phụ trách khâu quyết định đào tạo, khi các trường đã đủ điều kiện. Còn quyết định thành lập trường đào tạo thì vẫn phải do Thủ tướng, cơ quan tham mưu cho Thủ tướng chính là Văn phòng Chính phủ.
GS.Thuyết khẳng định: Từ sự kiện Trường ĐH Phan Thiết, tôi thấy không nên giao quyền ra quyết định thành lập trường ĐH cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT như bộ đề nghị trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục. Hiện nay, Bộ GD-ĐT mới chỉ là đầu mối thẩm định đề án, tham mưu cho Chính phủ phê duyệt mà đã để xảy ra tình trạng như thế này, giao hoàn toàn cho bộ sẽ như thế nào?
Ông cũng đề nghị Bộ GD-ĐT nên tổng rà soát các trường ĐH mới được thành lập, nâng cấp trong thời gian vừa qua để chấn chỉnh, xử lý nếu có sai phạm. Sau khi rà soát nếu thấy trường nào không đủ điều kiện thì dừng hoạt động hoặc giảm chỉ tiêu của trường; nếu ngành nào chưa đủ điều kiện đào tạo phải dừng tuyển sinh, thậm chí đóng cửa ngành đó.
Đồng ý kiến với GS Thuyết, GS Trần Xuân Hãn - ĐH Quốc gia Hà Nội - cho rằng tình trạng phát triển ồ ạt các trường đại học không hội đủ điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trong thời gian qua đã và đang làm dư luận xã hội rất lo ngại. Nếu phân cấp mà không có những biện pháp mạnh mẽ, thắt chặt các điều kiện thành lập trường thì e rằng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này. Ông cũng nhận định, đằng sau việc thành lập trường đại học có nhiều tiêu cực, hiện nhiều trường không có học sinh. Nên việc chuyển giao quyền thành lập cần phải xem xét lại.
GS.Trần Đình Long, phó chủ tịch hội điện lực Việt Nam cho rằng: Việc cấp phép mở trường, tôi đề nghị cấp thành hai quyết định khác nhau. Một quyết định mở trường, quyết định này ai cũng có thể có được. Tuy nhiên, trường có được đào tạo không thì phải kiểm tra cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... Sau một thời gian, nếu đoàn kiểm tra của Bộ kiểm tra thấy đạt yêu cầu thì cho phép tuyển sinh. Còn nếu sau vài ba năm sinh viên đã vào học mà kiểm tra không đạt yêu cầu thì sẽ rút giấy phép. Việc cấp phép và thu hồi là một quá trình thuận nghịch không phải cấp xong thì không được rút lại. Nếu nhận được tín hiệu phàn nàn từ phía khách hàng thì phải xuống ngay. |
Tuệ Anh
Theo Bưu điện Việt Nam