Theo điều 4 luật Trẻ em 2016, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Các hành vi bạo hành đối với trẻ em, dù ở góc độ đạo lý hay pháp lý là không thể chấp nhận được và phải được xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý thế nào?
Tùy vào tính chất, mức độ hành vi mà người thực hiện hành vi bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, chỉ ra: "Về xử phạt hành chính thì theo điều 27 của Nghị định 144/2013 của Chính Phủ, mức phạt tiền là từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm".
Vụ việc bé Trần Thị Kim Ngân bị chính mẹ ruột và cha dượng bạo hành từng gây xôn xao dư luận năm 2014. Ảnh: X.D. |
Nếu hành vi gây tổn hại ở mức độ nghiêm trọng hơn như gây đau đớn về thể xác hoặc đè nén, áp bức về tinh thần người bị lệ thuộc bằng các hành vi: Đánh đập, giam hãm, không cho ra khỏi nhà, bắt nhịn ăn, uống, không cho mặc đủ ấm... thì có thể bị truy tố hình sự về tội hành hạ người khác theo điều 110 Bộ luật hình sự 1999.
"Hành vi ngược đãi trẻ em đến mức cấu thành hành vi phạm tội có thể bị xử lý hình sự về tội hành hạ người khác hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác hoặc thậm chí là tội Giết người, Vô ý làm chết người với tình tiết định khung tăng nặng hoặc tình tiết tăng nặng là phạm tội đối với trẻ em theo từng trường hợp cụ thể", luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích.
Với tình tiết là phạm tội với trẻ em thì mức hình phạt sẽ là bị phạt tù từ một năm đến ba năm theo khoản 2 điều 110 Bộ luật hình sự.
Chế tài chưa đủ nghiêm khắc
Hiện nay, về trách nhiệm hình sự, các hành vi phạm tội đối với trẻ em đều được xem là tình tiết định khung tăng nặng hoặc tình tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Quyền lợi của trẻ em và việc bảo vệ đối với trẻ em cũng rất được quan tâm qua các quy định của pháp luật và chính sách của Nhà nước.
Tuy nhiên, theo luật sư Kiều Anh Vũ, tình trạng bạo hành trẻ em vẫn diễn ra chủ yếu là do ý thức của người chăm sóc trẻ em và cũng có thể một phần là các chế tài chưa đủ nghiêm khắc; việc kiểm tra, xử lý chưa đủ sức răn đe.
Rất nhiều vụ bạo hành đã và đang xảy ra nhưng chế tài xử phạt vẫn chưa nghiêm khắc. Ảnh: Cắt từ clip. |
"Chẳng hạn, quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 5-10 triệu đồng như Nghị định số 144/2013/NĐ-CP là còn quá thấp", luật sư Vũ chỉ ra.
Theo đó, luật sư cho rằng, để góp phần ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em, cần có nhiều giải pháp, trong đó cần phải tăng nặng chế tài xử phạt.
"Rất mong các cơ quan chức năng có sự kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm về quyền của trẻ em, đặc biệt là hành vi bạo lực trẻ em", luật sư Kiều Anh Vũ nêu quan điểm.