Tương lai của ngành du lịch đang ở thế khó khi Bộ Y tế đưa ra những quy định ngặt nghèo. Khi được hỏi về khả năng đón khách quốc tế thành công trong dịp 15/3 tới đây, nhiều doanh nghiệp du lịch chỉ lắc đầu ngao ngán. Nếu không có tiếng nói chung, ngành du lịch đã khổ sẽ càng khổ hơn.
90% không đồng ý
Trả lời Zing, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), cho biết những điều kiện Bộ Y tế đưa ra là rất khó khăn cho khách du lịch. Và nếu đề xuất này được thông qua, 90% người có ý định đi du lịch Việt Nam sẽ chọn ở nhà hoặc tìm một điểm đến khác thoải mái hơn.
"Quan điểm của tôi là ủng hộ đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Những quy định cách ly, xét nghiệm dày đặc như thế này không ổn. Phải thoải mái, khách mới chịu đi du lịch", ông Chính nói.
Từ tháng 2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những đề xuất khá "thông thoáng" tới Chính phủ sau khi lắng nghe góp ý từ cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương...
Bộ Y tế không chấp nhận đề xuất này và đưa ra những quy định như khách quốc tế phải cách ly 3 ngày, nếu cách ly một ngày sẽ phải xét nghiệm liên tục trong 3 ngày...
Du khách quốc tế khó đồng ý đi du lịch Việt Nam nếu vẫn còn những rào cản. Ảnh: Wang Xi. |
Những phản hồi từ Bộ Y tế khiến cộng đồng doanh nghiệp du lịch bức xúc. Đa số gọi đây là hành vi phân biệt đối xử với khách nước ngoài. Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết Bộ Y tế có cơ sở để lo ngại về an toàn trong phòng chống dịch. Tuy nhiên, đó chỉ là khi rủi ro có khách quốc tế mang biến thể virus mới vào Việt Nam khiến ngành y tế khó kiểm soát.
"Số ca mắc trong cộng đồng lớn, trên dưới 100.000 ca mỗi ngày. Khách du lịch trong nước cũng mắc nhưng du lịch nội địa vẫn mở cửa.
Số lượng khách nhập cảnh chắc chắn không nhiều như khách nội địa. Tỷ lệ lây nhiễm từ họ cũng không cao. Do đó, rủi ro nhỏ hơn rất nhiều so với người trong nước", ông Phu nhận xét.
Cũng theo ông Phu, Việt Nam cần tạo điều kiện tốt nhất cho những khách du lịch quốc tế. Bởi thực tế, việc quản lý số ca mắc từ nhóm này cũng không khó như khách nội địa.
Việc phân biệt đối xử như vậy khiến nhiều người làm du lịch không hài lòng. Quan điểm từ đại diện TAB là khách quốc tế hay khách nội địa cũng đều có cùng yếu tố dịch tễ. Vì thế, không thể có chuyện khách nội địa từ Hà Nội đến Phú Quốc (Kiên Giang) lại thoải mái, không cần bắt xét nghiệm hay cách ly, trong khi khách quốc tế lại bị làm khó.
"Nếu chứng minh khách quốc tế đem đến nhiều mầm bệnh thì được. Còn không, tôi thấy sự khác biệt duy nhất giữa khách quốc tế và khách nội địa là điều trị y tế khi mắc Covid-19. Người Việt sẽ được Chính phủ hỗ trợ còn khách quốc tế phải mua bảo hiểm để bù lại chi phí", ông Chính nêu quan điểm.
"Du lịch khổ đủ rồi"
Dù ủng hộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phía TAB cho biết việc cần thiết lúc này là tìm ra tiếng nói chung với Bộ Y tế. Việc thuyết phục Bộ Y tế chấp nhận hoàn toàn đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không phải dễ dàng. Trong trường hợp đôi bên không thể tìm ra tiếng nói chung, Chính phủ có lẽ cần vào cuộc để đưa ra quyết định cuối cùng.
Trả lời phóng viên, ông Chính nhận xét ngành du lịch và hàng không lúc này đã "quá đủ khổ". Giá dầu tăng khiến chi phí vận chuyển cao. Từ đó, giá vé máy bay cũng bị đội lên. Xung đột ở Ukraine cũng gây nên nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến hầu bao của những du khách có tiền đi du lịch.
"Đó là những cản trở không ai mong muốn, tự nhiên xuất hiện thì chúng ta phải chấp nhận. Nhưng với những rào cản tự mình dựng lên, tôi nghĩ nên bỏ đi. Đủ thứ cản trở đã khiến ngành du lịch và hàng không khổ rồi", ông Chính nói.
Ngành du lịch Việt Nam đã gặp quá nhiều thách thức trong thời gian qua. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đại diện TAB nhấn mạnh sự cạnh tranh thu hút khách du lịch trong khu vực rất lớn. Thái Lan thực hiện chương trình Test & Go khá thuận lợi. Khách chỉ cần cách ly một ngày, xét nghiệm âm tính là có thể đi du lịch bình thường. Hay Singapore cũng vừa thông báo từ 16/3, khách Việt Nam sang chỉ cần xét nghiệm âm tính trước khi đi là được.
Bản thân Việt Nam cũng cần nhìn những bài học kinh nghiệm trên thế giới để đưa ra chính sách phù hợp, tiến tới coi Covid-19 như bệnh đặc hữu.
"Tôi đồng ý là chúng ta cần đưa ra những điều kiện thân thiện nhưng phải giữ an toàn cho khách du lịch lẫn người dân địa phương. Cụ thể, tôi đề xuất cần có bộ hướng dẫn đảm bảo an toàn trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch.
Hướng dẫn cần được đăng công khai trên Cổng thông tin Chính phủ để các doanh nghiệp, địa phương, Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, công ty du lịch... giới thiệu cho du khách", ông Chính nói.