Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cần xóa nghịch lý điểm ưu tiên

Khi còn chênh lệch về điều kiện học tập giữa thành phố, nông thôn, đặc biệt là miền núi, chính sách ưu tiên là cần thiết, nhưng phải có điều chỉnh để bảo đảm công bằng.

Khi kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức ở từng địa phương, mức độ tiếp cận giáo dục ở các tỉnh, thành đã có nhiều đổi khác nên khoảng cách giữa thành phố và vùng nông thôn đang dần thu hẹp, việc tính điểm ưu tiên khu vực cũng cần được xem xét lại.

Điểm chuẩn ĐH lên đến 30,5: Bất hợp lý

Về nguyên tắc, điểm chuẩn chỉ dừng lại ở mức tối đa 30, tức là tổng điểm 3 bài thi (tính hệ số một) nhưng kỳ tuyển sinh ĐH năm 2017 chứng kiến có trường điểm chuẩn lên tới 30,5 điểm. Điều này có nghĩa trường đã cộng gộp điểm ưu tiên vào tổng điểm 3 bài thi để xác định điểm chuẩn.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho biết quy chế của Bộ GD&ĐT ghi điểm ưu tiên là điểm để cộng thêm khi xét tuyển. Ví dụ, điểm chuẩn vào một trường chỉ tối đa ở mức 30. Khi đó, những thí sinh dưới 30 điểm nhưng có điểm ưu tiên cộng thêm bằng hoặc hơn 30 điểm cũng được xem xét. Tuy nhiên, một số trường lại cộng thêm điểm ưu tiên cho các thí sinh, rồi suy ra điểm chuẩn là 30,5.

"Trường hợp lấy điểm chuẩn là 30,25 hay 30,5 như năm nay có thể xảy ra việc thí sinh đạt điểm tối đa nhưng trượt ĐH. Đây là điều bất hợp lý", TS Tùng nói.

Diem uu tien dai hoc anh 1
Thí sinh xét tuyển vào Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Ảnh: Tấn Thạnh /Người Lao Động.

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng cho biết nguyên tắc xét tuyển là xem xét trước tiên điểm thi của 3 bài thi sau đó mới xem xét tiếp đến điểm ưu tiên.

Điểm chuẩn 30,5 đương nhiên là ở đây thí sinh nào cũng đã được cộng điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng). Việc xác định điểm chuẩn trên 30 là trực tiếp loại thẳng thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30 (nếu có) nhưng không thuộc diện được hưởng điểm ưu tiên. Theo TS Lý, thí sinh đạt điểm tuyệt đối mà không trúng tuyển thì phải xem lại chính sách.

Hiệu trưởng một trường ĐH ở TP.HCM cho rằng điều kiện học tập của học sinh ở những địa phương vốn được coi là khó khăn, nhiều hạn chế thì nay đã có sự đổi khác. Nhờ sự phổ biến của mạng Internet, học sinh không chỉ học với giáo viên trên lớp mà còn có thể học qua mạng, học hỏi nhau qua các diễn đàn học tập.

Vì vậy, khoảng cách giữa thành phố và vùng nông thôn đã thu hẹp nhiều so với trước kia. Hơn nữa, kỳ thi THPT quốc gia trong 2 năm qua thí sinh được thi tại địa phương, thậm chí địa phương đóng vai trò chủ trì như kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 thì khó bảo đảm tính công bằng, nghiêm túc như kỳ thi ĐH trước đây.

Điểm ưu tiên, bao nhiêu là vừa?

Hiện tại, công thức của Bộ GD&ĐT là cộng 0,5 điểm với khu vực II, 1 điểm với khu vực II nông thôn và 1,5 điểm với khu vực I. Mức cộng điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng) không quá 3,5 điểm.

TS Trần Đình Lý cho rằng điều kiện học tập giữa các thành phố, vùng nông thôn và đặc biệt là miền núi… còn có sự chênh lệch nên vẫn cần duy trì chính sách ưu tiên để bảo đảm công bằng xã hội. Tuy nhiên, chính sách điểm ưu tiên như hiện nay đang tạo hiệu ứng ngược, cần phải điều chỉnh giảm ít nhất một nửa.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho rằng chính sách cộng điểm ưu tiên khu vực là tạo điều kiện để học sinh ở những vùng này được học ĐH nhằm sau này trở về phục vụ địa phương. Nhưng thực tế, nhiều sinh viên ở những khu vực được hưởng ưu tiên đổ dồn về thành phố học và ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp. Điều này làm cho chính sách cộng điểm ưu tiên không còn nhiều giá trị.

Nên chăng, thí sinh thuộc khu vực ưu tiên sẽ được cộng đầy đủ điểm ưu tiên nếu như học ĐH tại địa phương còn khi ra những trung tâm thành phố lớn học ĐH thì chấp nhận cuộc cạnh tranh bình đẳng, tránh tình trạng học sinh giỏi ở khu vực không được ưu tiên bị đánh bật khỏi những trường ĐH tốp đầu do chính sách cộng điểm ưu tiên quá nhiều.

2 phương án cho điểm ưu tiên

Phó hiệu trưởng một trường ĐH ở TP.HCM cho rằng có 2 phương án cho vấn đề điểm ưu tiên.

Phương án 1, với những trường vốn có điểm chuẩn cao như công an, quân đội, y dược thì trước tiên cần quan tâm đến điểm thi của thí sinh. Phải coi điểm thi thực tế là yếu tố quyết định, sau đó mới xét đến điểm ưu tiên của thí sinh (nếu có).

Phương án 2 là giảm điểm ưu tiên. Cụ thể, hiện nay thí sinh khu vực II được cộng 0,5 điểm ưu tiên, khu vực II nông thôn được cộng 1 điểm và 1,5 điểm ưu tiên cho khu vực I thì nay giảm tương ứng chỉ còn được cộng ưu tiên 0,2 - 0,4 - 0,6 điểm. Theo vị này, trong 2 phương án thì phương án 1 ưu việt hơn.

Tuyển sinh đại học 2018: 8 nhóm ngành cần nguồn nhân lực lớn

Học ngành gì để ra trường có việc làm là băn khoăn của nhiều học sinh khối 12 tại TP.HCM khi đứng trước cơ hội chọn lựa ngành, nghề của cuộc đời.


http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/can-xoa-nghich-ly-diem-uu-tien-20180114212531049.htm

Theo Huy Lân / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm