‘Chặt chém’ du khách không chỉ có ở Hà Nội
Bạn đọc Zing.vn đã liệt kê hàng loạt các điểm đen du lịch trên cả nước sau khi theo dõi tuyến bài về "Đội quân đánh giày kiểu trấn lột ở phố cổ Hà Nội".
Bạn Nguyễn Huy viết, tại TP HCM, quanh Dinh Độc lập (đường Nguyễn Thị Minh Khai) hàng ngày cũng có nhiều người gánh dừa dụ du khách chụp ảnh lưu niệm rồi vòi tiền. Trường hợp không được, họ chửi hoặc ép mua dừa với giá trên trời. Du khách sợ phiền nên đành mua với giá… 5 USD/quả. Hay luôn có đội thanh niên đánh giày giá cao tập trung khu vực Nhà thờ Đức Bà, khách sạn Metropolitian nhắm vào du khách. Khu Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thường có đội quân bán hàng rong, đồ lưu niệm chuyên đeo bám du khách.
"Tuy nhiên việc triệu tập rồi phạt hành chính họ, thậm chí ở mức phạt cao cũng không hiệu quả. Với du khách, điều đó không khác việc "mất bò mới lo làm chuồng", vì Việt Nam vẫn để lại ấn tượng xấu trong mắt họ".
Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.
Không chỉ thế, các thành phố du lịch như Sa Pa, Vịnh Hạ Long, Nha Trang,… cũng được các độc giả điểm tên về tình trạng đeo bám du khách nước ngoài.
“Đây không chỉ là hành động chặt chém mà còn là hành động ép buộc và xâm phạm tài sản của người khác. Nếu cơ quan hữu quan không sớm dẹp tình trạng này thì thật xấu hổ cho hình ảnh du lịch Việt Nam”, một độc giả lo lắng.
Bạn đọc Trần Thiên Trang đặt vấn đề, không phải bắt, phạt rồi thả họ về. Chúng ta cần có biện pháp răn đe thật nặng, vì những hành động này làm xấu hình ảnh du lịch quốc gia. “Đây đúng là kiểu cướp giật trắng trợn. Không thể xử nhẹ tay với những người này”.Sau bài viết của Zing.vn, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã triệu tập, lấy lời khai 2 người có hành vi đeo bám, chèo kéo khách du lịch nước ngoài để đánh giày, sửa dép với giá cao gấp nhiều lần so với bình thường..
“Cơ quan chức năng phải xử phạt làm sao để họ và những người khác không có những kiểu chặt chém khách du lịch tương tự. Nếu chúng ta phạt kiểu hành chính như hiện nay thì vô cùng nguy hại. Chỉ vì mấy trăm nghìn đồng mà ngành du lịch của đất nước mất đi bao nhiêu thứ: Hình ảnh, danh dự, ngoại tệ,...", độc giả Nguyễn Hòa gợi ý.
Theo người này, cơ quan chức năng nên phạt tội làm mất khách du lịch: Mỗi người không quay lại là mất hơn 15 triệu đồng (mức trung bình mỗi du khách chi tiêu khi đến Việt Nam là 700 USD), cứ thế nhân lên theo thực tế để phạt”.
Một số người khác đề xuất, 2 người trên phải đi lao động công ích, hoặc nặng hơn là tạm giam... Bởi hành vi của họ không chỉ là lừa đảo mà còn dẫn đến thiệt hại nặng nề tới chính sách, chiến lược quảng bá và thu hút khách du lịch đến Việt Nam.
Đánh giày kiểu trấn lột tại phố cổ Hà Nội. Ảnh cắt từ clip. |
Khuyến khích cộng đồng tham gia
Cách “xử” mạnh tay nạn bán hàng rong, đeo bám, chèo kèo khách du lịch xin ăn của TP Đà Nẵng cũng được nhiều người gợi mở. Để dẹp nạn chặt chém du khách, độc giả Duy Nguyễn Đình chia sẻ, ở Đà Nẵng lập đường dây nóng, người dân thấy người nào đánh giày dạo, xin ăn thì báo đường dây nóng được thưởng 500.000 đồng. Hà Nội là thủ đô cũng nên áp dụng như vậy mới đẹp trong mắt khách du lịch.
Ngoài biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nếu ít hiệu quả, cơ quan chức năng cần chụp hình những người chặt chém, đăng những nơi công cộng, trang mạng để người dân và du khách biết cảnh tỉnh, ngăn chặn với loại tội phạm biến tướng này. Hệ thống camera giao thông ở các trung tâm đã được lắp đặt khá nhiều nên có thể ghi hình được, hoặc địa phương có thể lắp bổ sung ở những khu vực quan trọng.
“Câu chuyện của Zing.vn phản ảnh sẽ còn và tái diễn nếu Hà Nội, TP HCM, các thành phố du lịch lớn trong nước vẫn chưa hình thành đội cảnh sát du lịch có chức năng xử lý các trường hợp này. Cảnh sát du lịch sẽ bảo vệ và hướng dẫn du khách, công khai số điện thoại, đường dây nóng để du khách phản ảnh kịp thời. Nếu các địa phương không hành động, du khách thấy không có ai bảo vệ mình thì họ chỉ tới một lần và không bao giờ trở lại. Họ chia sẻ trên các diễn đàn, ngành du lịch thiệt hại”, ý kiến từ bạn Trần Nguyễn Thanh.
Thông tin từ Ban quản lý Chương trình phát triển năng lực lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU), công bố kết quả khảo sát khách du lịch tại năm điểm chính là Sa Pa, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Hội An: lượng khách quốc tế đến Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng nhưng đến 90% lần đầu tiên tới mảnh đất hình chữ S, số du khách quay lại các điểm du lịch rất thấp, chỉ chiếm khoảng 6%.
Cũng theo khảo sát này, khách nội địa có 39% đến thăm lần đầu, 24% đến thăm lần thứ hai và chỉ có 13% đến thăm lần thứ 3.
Nhìn lại năm 2014, Việt Nam mất gần 1,5 triệu lượt khách quốc tế, không đạt mức 8 triệu khách quốc tế như mục tiêu đã đặt ra.