Năm 1992, dựa trên truyện ngắn The Forbidden được chấp bút bởi nhà văn Clive Barker, bộ phim Candyman không chỉ thắng lớn tại phòng vé mà còn biến gã sát nhân tay móc Daniel trở thành một trong các biểu tượng kinh dị của màn ảnh Hollywood.
Vì vậy, khi biết tin "Alfred Hitchcock thời hiện đại" Jordan Peele ngồi vào ghế biên kịch kiêm đồng sản xuất cho phần hậu truyện cũng cùng tên Candyman (2021), cộng đồng yêu điện ảnh đã cực kỳ trông đợi, kỳ vọng đây tiếp tục là cú hích lớn tương tự Get Out (2017) và Us (2019).
Cơn ác mộng trỗi dậy sau gần 3 thập niên
Phim đưa chúng ta theo chân Anthony McCoy (Yahya Abdul-Mateen II), chàng nghệ sĩ thị giác vừa chuyển tới khu Cabrini-Green, Chicago cùng bạn gái Brianna Cartwright (Teyonah Parris) với tham vọng gây dựng tên tuổi.
Tại đây, lúc đang tìm kiếm nguồn cảm hứng sáng tác, anh tình cờ nghe được truyền thuyết đô thị về Candyman, một linh hồn đầy uất hận sẽ giết chết bất cứ ai dám gọi tên hắn trước gương 5 lần. Bị câu chuyện trên ám ảnh, Anthony liền tạo nên đứa con tinh thần Say My Name rồi trưng bày nó ở sự kiện triển lãm.
Kể từ đó, hàng loạt vụ án mạng kinh hoàng liên tục xảy ra khắp Chicago. Đáng chú ý, nhóm nạn nhân đều có đặc điểm chung là từng chiêm ngưỡng qua tác phẩm nghệ thuật do chính Anthony nhào nặn. Bản thân anh cũng dần bắt gặp những cơn ác mộng lẫn ảo giác kỳ lạ liên quan đến gã đồ tể tay móc.
Bộ phim xoay quanh chàng họa sĩ Anthony, người từng bị Candyman bắt cóc cách đây gần 3 thập kỷ. |
Mặc dù các nhà sản xuất Hollywood từng “vắt sữa” thêm hai phần hậu truyện khác, ấy vậy, Candyman có Jordan Peele tham gia viết kịch bản chỉ kết nối với phần phim đầu.
Đừng lo lắng nếu bạn chưa hề xem qua tác phẩm xưa cũ này, bởi xuyên suốt 90 phút thời lượng, bản điện ảnh năm 2021 sẽ cung cấp đầy đủ thông tin, giúp khán giả không bị hoang mang hay bỡ ngỡ.
Không khí kinh dị đặc trưng, khó lòng nhầm lẫn
Dễ dàng nhận thấy, Candyman chịu ảnh hưởng khá lớn từ cách xây dựng bầu không khí nơi Get Out và Us. Tiết tấu phim chậm nhưng vẫn tạo đủ sự căng thẳng, ngột ngạt cần thiết. Để làm được điều đó, đạo diễn Nia DaCosta đã sử dụng hai yếu tố chính.
Đầu tiên, bà pha trộn vào đứa con tinh thần nhiều tiểu thể loại kinh dị như siêu nhiên, tâm lý hay chặt chém máu me... khiến người xem vừa phải rợn da gà trước kẻ sát nhân thoắt ẩn thoắt hiện trong gương, vừa hãi hùng lúc chứng kiến tình trạng suy sụp ngày càng trầm trọng của nam chính vì bị hắn ta bạo hành thể xác lẫn tinh thần.
Nỗi sợ thật sự mà bộ phim muốn truyền tải xuất phát từ cảm giác lo âu, bất an về một vấn nạn vẫn gây nhức nhối tới thời điểm hiện nay: Bất bình đẳng xã hội và phân biệt chủng tộc.
Các pha hù dọa xuyên suốt Candyman không sử dụng thủ pháp jumpscare. |
Kỳ thị chủng tộc, bất bình đẳng trong xã hội
Ngoài chuyện là oán linh của một người đàn ông đáng thương, phải hứng chịu cái chết tức tưởi dưới tay những kẻ kỳ thị sắc tộc, tên đồ tể Candyman còn phản ánh quá khứ tàn khốc ở mấy khu ổ chuột dành cho cư dân da màu tại Mỹ hồi thế kỷ 20, nơi sở hữu tỷ lệ tội phạm và tệ nạn xã hội cao ngất ngưởng.
Tiếp tục khai thác khu Cabrini-Green giống phần phim đầu, ê-kíp bản điện ảnh 2021 đã khắc họa sự bất bình đẳng thông qua các góc máy toàn, phơi bày cảnh dãy nhà lụp xụp nằm lọt thỏm giữa vô số tòa cao ốc.
Một nhân vật trong Candyman từng nhắc về địa điểm ấy bằng thái độ mỉa mai: “Chúng đứng trên đấy, nhìn ta tự hãm hại nhau mà chẳng cần phải động tay động chân”.
Vì thế, suốt giai đoạn đen tối đấy, cộng đồng da màu thà chấp nhận việc bị lũ lưu manh đồng hương bóc lột, đánh đập còn hơn đi báo lực lượng cảnh sát. Họ hiểu rõ đám người đeo phù hiệu kia hoặc chẳng buồn quan tâm, hoặc sẽ giải quyết vụ án theo cách cực đoan và chóng vánh nhất.
Giai thoại về tên sát nhân ấy là sản phẩm của lịch sử kỳ thị chủng tộc. |
Lăm lăm chiếc móc sắt gắn chặt vào cánh tay, chiếc áo khoác có màu hổ phách lẫn luôn xuất hiện cùng lũ ong – những thứ gắn liền với cái chết của bản thân, bóng ma Daniel năm 1992 đại diện cho tầng lớp lao động nghèo khổ.
Họ tương tự con ong cần mẫn làm việc, bình thường không hề đụng chạm ai và luôn sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ tổ (gia đình) khỏi mọi mối nguy bên ngoài bằng chiếc vòi chứa độc (móc sắt). Hình tượng này vẫn được đạo diễn Nia DaCosta phát triển lên tầng ý nghĩa mới.
Đám đông cuồng nộ
Cụ thể, nếu bộ phim ra mắt vào năm 1992 châm biếm hành động tưởng chừng tốt đẹp, nhân văn của nữ sinh viên da trắng Helen Lyle khi “hỗ trợ” cộng đồng Cabrini-Green nhằm phục vụ cho bài luận tốt nghiệp, thì bản điện ảnh 2021 lại đặt góc nhìn từ các cư dân da màu trước sức ảnh hưởng to lớn do bóng ma Daniel để lại sau gần 3 thập kỷ.
Chưa kể, Candyman giờ đây không chỉ là một oán linh đơn độc mà đã trở thành thực thể hùng mạnh hơn, bao gồm tất cả nạn nhân bỏ mạng bởi bạo lực phân biệt chủng tộc. “Candyman không còn là hắn, đó thực chất là một cái tổ” (Candyman ain’t a he, Candyman is the whole goddamn hive).
Bản điện ảnh 2021 đã mang đến cho truyền thuyết đô thị này một lớp áo mới, phản ánh đúng hiện thực xã hội. |
Giống hệt đám đông cuồng nộ, “chúng” thẳng tay tàn sát bất cứ ai dám nhắc tới cái tên Candyman (cụm từ khơi gợi nỗi đau kỳ thị) cùng vẻ thách thức, đồng thời coi màn tắm máu kẻ xấu số như hành động thực thi công lý.
Dưới lăng kính của nhà làm phim Nia DaCosta, giai thoại Candyman là kết quả của sự phẫn uất dồn nén, tích tụ theo năm tháng nơi người dân da màu tại Hoa Kỳ. Vì cảm thấy bất lực trước thứ tư tưởng độc hại luôn ăn sâu, bám rễ trong lòng nước Mỹ, nên họ luôn chờ bạo loạn để giải tỏa ức chế.
Chẳng những phản ánh hiện thực khắc nghiệt, tác phẩm Candyman do Jordan Peele chấp bút kịch bản còn lật ngược vấn đề qua câu hỏi: Dẫu biết đám đông cuồng nộ là điều không tốt, thế nhưng cộng đồng da màu còn lựa chọn nào khác để lên tiếng giữa lúc các hành vi phân biệt, chèn ép ngày càng núp bóng tinh vi hơn?
Liệu cộng đồng người da màu ở Hoa Kỳ còn lựa chọn nào khác để phản kháng ngoài con đường bạo động cực đoan? |