Lớn lên ở thời đại số, lối suy nghĩ của người trẻ có phần cởi mở hơn, trong khi thế hệ trước luôn bị nỗi lo cơm áo gạo tiền vây quanh. Những khác biệt nhỏ dần hình thành khiến việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái trở nên khó khăn.
Khi cha mẹ và con mất kết nối
Thức dậy lúc 8h sáng, với tay lấy chiếc điện thoại để cuối giường, Việt Hà (quận Tân Bình, TP.HCM) giật mình khi thấy 2 cuộc gọi nhỡ lúc 6h30 từ mẹ. Cô ngay lập tức gọi lại. Ở đầu dây bên kia, mẹ bảo lâu rồi không thấy con gọi về nên nhớ, mẹ gọi hỏi tình hình. Để kịp giờ làm, hai mẹ con Việt Hà chỉ trao đổi vài câu rồi cúp máy, hẹn lần gọi tiếp sẽ tâm sự nhiều hơn.
Nhẩm tính nửa tháng nay quần quật trong đợt cao điểm “chạy số” cuối quý 1, Việt Hà đã không gọi về bố mẹ. Nữ nhân viên văn phòng thường về đến phòng trọ lúc đồng hồ đã điểm 21-22h, bố mẹ ở quê đều đi ngủ. Sáng, thức dậy sau giấc ngủ uể oải, cô chỉ kịp vệ sinh cá nhân rồi tất tả đến công ty. Lắm lúc, Hà muốn gọi một cuộc điện thoại về hỏi thăm bố mẹ nhưng công việc cứ “cuốn” cô đi.
“Càng lớn, đối mặt với áp lực của công việc, các mối quan hệ, cuộc gọi về nhà dần thưa thớt. Không có chung suy nghĩ cũng là nguyên nhân ngăn mình chia sẻ với bố mẹ nhiều hơn. Mỗi cuộc trò chuyện, sau câu hỏi thăm ngắn ngủi, mẹ sẽ đặt vấn đề bao giờ lấy chồng, mua nhà đi cho ổn định. Trong khi đó, mình thấy thoải mái với cuộc sống độc thân”, Hà chia sẻ.
Những cuộc gọi về nhà ngày càng thưa thớt kéo dài thêm khoảng cách. Ảnh: Gilles Lambert. |
Chưa đến tuổi “giục chồng con” như Việt Hà, Mỹ Hạnh (Đống Đa, Hà Nội) vẫn không tránh khỏi bất đồng suy nghĩ với gia đình. Hai năm nay, bức tường vô hình ngăn cách cô nữ sinh 18 tuổi với bố mẹ. Từ đứa con ngoan, hay tâm sự mọi chuyện học hành, cuộc sống và tình cảm, Mỹ Hạnh trở nên “ù lì” trong mắt phụ huynh.
“Mọi chuyện bắt đầu khi mình vô tình nghe các dì lấy chuyện tình cảm riêng tư của bản thân ra bàn tán, khen chê. Mình ngớ người vì mẹ không hề giữ bí mật chuyện con gái chia sẻ”, Hạnh cảm thấy tủi thân và giận dỗi mẹ nhiều ngày.
Hạnh biết mẹ lo lắng, muốn nhờ các dì tư vấn hướng giải quyết tình huống hợp tình hợp lý nhưng cách làm của người lớn vô tình khiến nữ sinh không thoải mái. Hai mẹ con ít trò chuyện hơn, dần mất đi sự kết nối. Đến nay, dù mọi chuyện đã qua lâu, Hạnh vẫn khó khăn không biết “làm hòa” với phụ huynh thế nào.
Nhiều người trẻ xa cách bố mẹ. Ảnh: Raychan. |
Nguồn cơn mọi sự xa cách
Không chỉ Việt Hà hay Mỹ Hạnh, sự khác biệt lối sống, thói quen cũng khiến mối quan hệ của nhiều gia đình đi vào “ngõ cụt”. Bố mẹ không thể hiểu nổi con cái và con cái cũng không thể thông cảm cho bố mẹ.
Khoảng cách là điều tất yếu sẽ xảy ra, khi những thế hệ của gia đình trưởng thành trong bối cảnh kinh tế, xã hội khác nhau. Theo một nghiên cứu năm 2020 của Karl Andrew Pillemer - Giáo sư phát triển con người tại Đại học Cornell (Mỹ), cứ 4 người Mỹ trưởng thành thì có một người xung khắc với cha mẹ. Nguyên nhân xoay quanh khoảng cách thế hệ.
Khoảng cách này phản ánh trải nghiệm, giá trị và kỳ vọng khác biệt được định hình bởi các thời đại khác nhau. Cha mẹ có kiến thức và trí tuệ thu được từ hành trình cuộc đời của họ, trong khi những đứa con trưởng thành thu nạp góc nhìn mới mẻ và chịu ảnh hưởng của xã hội hiện đại. Những quan điểm trái ngược này đôi khi tạo ra xích mích, hiểu lầm và cảm giác mất kết nối.
Việt Hà thấy ổn với cuộc sống một mình, tận hưởng những chuyến du lịch khám phá cùng bạn bè, nhưng bố mẹ không ngừng giục con gái chuyện kết hôn, tích góp mua một căn nhà ở thành phố vì quan niệm “an cư lập nghiệp”. Hơn 30 tuổi, nữ nhân viên gồng mình trước sức ép từ đấng sinh thành.
Khoảng cách thế hệ kéo theo lối sống, suy nghĩ khác biệt giữa bố mẹ và con cái. |
Ngoài ra, những áp lực từ công việc, cuộc sống cũng khiến lớp trẻ mất dần sự kết nối gia đình. Trong thời đại số không ngừng phát triển, người trẻ càng quay cuồng theo đuổi ước mơ vì không muốn bị bỏ lại phía sau. Công việc linh hoạt cùng quỹ thời gian eo hẹp mỗi ngày có thể khiến họ cảm thấy không thể hòa hợp với cách sống “cũ” của bố mẹ.
Thêm một lý do khác, mất kết nối giữa cha mẹ và con cái cũng xuất phát từ việc thiếu sự thấu hiểu và khó khăn khi bày tỏ tình yêu thương. Khác với phương Tây, người Á Đông thường e dè và cảm thấy ngại ngùng khi thể hiện hành động, cử chỉ tình cảm. Nhiều bậc phụ huynh không biết cách bày tỏ tình yêu thương và không thể truyền đạt cảm xúc của mình đến con cái. Về phía mình, con chỉ cảm nhận bố mẹ đang đặt nhiều yêu cầu khắt khe và không hiểu được nỗi niềm phụ huynh. Do đó, khoảng cách được chúng tạo ra để tránh sự trách móc và áp lực liên tục.
Có thể nói, khoảng cách thế hệ và mâu thuẫn gia đình là điều không thể tránh khỏi. Đôi lúc, lựa chọn im lặng để hạn chế, lắng dịu trong cuộc tranh chấp, bất đồng lại là “vũ khí” gián tiếp gây tổn thương các mối quan hệ, là sự khước từ thấu hiểu. Điều này khiến những trái tim chung nhà càng ngày càng xa nhau. Việc làm thế nào để vượt qua những rào cản ấy và thể hiện tình yêu thương là thách thức với cả con cái lẫn cha mẹ trong xã hội hiện đại.