Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh báo 10-15h hạn chế ra đường ở TP.HCM vì chỉ số tia UV vượt ngưỡng

Theo các chuyên gia, ánh nắng mặt trời mạnh và có hại nhất vào lúc 10-15h. Do đó, bạn không nên hoặc hạn chế làm việc, đi lại ngoài trời trong khoảng thời gian này.

Tia cực tím tác động đến cơ thể như thế nào? Tia cực tím, còn gọi là tia UV, có thể gây ra các vấn đề về da ở nhiều mức độ, từ cháy nắng, dị ứng đến ung thư da.

TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đang trong đợt nắng nóng cao điểm. Theo trang Weatheronline (Anh), chỉ số tia cực tím (UV) tại TP.HCM ngày 27/3 là 12.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết chỉ số UV cao nhất là 11+ với thời gian gây bỏng là 10 phút. Với mức UV 8-10, thời gian gây bỏng là 25 phút. Đặc biệt, ánh nắng mặt trời mạnh và có hại nhất vào lúc 10-15h. Do đó, bạn không nên hoặc hạn chế làm việc, đi lại ngoài trời trong khoảng thời gian này. Đây là thời điểm ánh nắng mặt trời chứa rất nhiều tia cực tím (tia UV), đặc biệt là tia UVA và UVB.

Nếu tiếp xúc lâu, chúng ta rất dễ gặp tình trạng say nắng (sốc nhiệt). Thạc sĩ, bác sĩ Lương Quốc Chính - khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết say nắng có thể gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.

PGS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho hay tia cực tím trong ánh sáng mặt trời có thể phá hủy các tế bào da. Sự phá hủy này có thể dẫn đến bệnh dày sừng ánh nắng và tiến triển thành ung thư tế bào gai.

Ngoài ra, các biểu hiện khác do tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời chứa tia cực tím phổ biến như bỏng nắng, đỏ da, tăng sắc tố, nếp nhăn, khô da hoặc nặng hơn là ung thư da.

Khoảng hơn 90% các dấu hiệu ung thư da xuất hiện ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng như đầu, mặt, môi, tai, cổ, ngực, cánh tay, bàn tay và cẳng chân ở phụ nữ.

Để hạn chế tác hại của tia UV, người dân cần:

- Tránh ra ngoài trời giờ nắng gắt. Tia UV có cường độ mạnh nhất từ 10-15h. Vì vậy, không nên ra ngoài trong khung giờ này, nên tránh nắng trong bóng râm, cây có bóng mát.

- Khi ra ngoài trời nắng, có thể mặc quần dài, áo dài tay, áo chống nắng. Cần đội nón rộng vành, có chiều rộng vành trên 2,5 cm, phủ được 2/3 khuôn mặt, sử dụng dù (ô).

- Sử dụng kem chống nắng có tác dụng bảo vệ da khỏi tia UVA và UVB. Chỉ số SPF càng cao, bảo vệ càng được lâu, tuy nhiên nếu quá cao sẽ gây kích ứng da. Bạn nên cần thoa kem chống nắng 20-30 phút trước khi đi ra ngoài và sau 2 giờ phải sử dụng lại. 

- Luôn đeo kính khi ra đường.

- Trẻ em chỉ nên tắm nắng trong khoảng thời gian trước 8h và sau 17h. Hạn chế cho trẻ ra ngoài. Khi buộc phải ra ngoài, cần che chắn, bảo hộ, thoa kem chống nắng như người lớn.

Chỉ số tia UV ở TP.HCM đang cao quá ngưỡng an toàn Nắng nóng kéo dài khiến chỉ số tia UV tại TP.HCM ở mức 12, đáng báo động.

Cẩn thận ung thư da khi chỉ số UV ở TP.HCM liên tục vượt ngưỡng

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ số tia UV ở mức 11+ sẽ gây bỏng sau 10 phút. Tại TP.HCM, ngày 26-27/3, chỉ số tia UV có thời điểm đạt mức 12.

Tuệ Anh

Bạn có thể quan tâm