Theo cơ quan Công an, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng như sau: Các đối tượng tạo lập các fanpage trên mạng xã hội sử dụng những hình ảnh xe máy, hình ảnh giao dịch mua bán xe nhằm tạo “uy tín” để quảng cáo. Sau khi những người dùng Facebook tương tác các bài viết, các đối tượng sẽ gửi tin nhắn thông qua Messenger và hướng dẫn người có nhu cầu mua xe cung cấp số điện thoại để “nhân viên” kết bạn qua phần mềm Zalo, Telegram trao đổi trực tiếp về vấn đề mua xe.
Bước tiếp theo, chúng yêu cầu người mua xe “đặt cọc” từ 2 đến 100 triệu đồng để “giữ xe”, vì “số lượng xe rất ít, không cọc là sẽ có khách khác lấy ngay”. Sau khi nạn nhân chuyển tiền cọc, các đối tượng sẽ chặn mọi liên lạc.
Trên thực tế đã có rất nhiều người bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng bằng hình thức trên. Do đó, cơ quan Công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không tham gia mua xe máy mới, xe máy thanh lý giá rẻ trên mạng xã hội khi chưa kiểm tra rõ nguồn gốc, đại lý bán xe, đặc biệt khi chưa biết rõ thực hư về nguồn gốc xe giao bán trên mạng thì tuyệt đối “không đặt cọc tiền” để mua xe.
Độc giả của Znews có thể tìm đọc các cuốn sách tại Tủ sách pháp luật để tìm hiểu thêm về Luật tố cáo, Luật khiếu nại, Luật hình sự, Luật dân sự.