Đây là kết luận của một nghiên cứu mới từ Phòng Thực nghiệm Giấc ngủ và Học tập suốt đời, Viện Giáo dục ĐH Luân Đôn (UCL IOE’s Lifespan Learning and Sleep Laboratory).
Nghiên cứu "Vai trò của các nhân tố môi trường đối với các kiểu giấc ngủ và thành tích học tập ở vị thành niên" của Tiến sĩ Dagmara Dimitriou, Tiến sĩ Frances Le Cornu Knight và Patrick Milton cho thấy tổng thời gian ngủ và giờ đi ngủ của thanh thiếu niên vào các ngày trong tuần có liên quan chặt chẽ với sự biểu hiện học tập sa sút ở trường.
Nghiên cứu đã phát hiện rằng tổng thời gian ngủ và giờ đi ngủ sớm (số giờ ngủ) cũng tương quan chặt chẽ với thành tích học tập tốt trong khi các vấn đề về đi vào giấc ngủ và thức giấc (chất lượng ngủ) có liên hệ rõ rệt với thành tích học tập của học sinh trong các bài kiểm tra suy luận ngôn ngữ tính theo điểm trung bình.
Điều đáng lo ngại là các thanh thiếu niên cần giấc ngủ ban đêm 10 tiếng để não bộ phát triển hiện nay lại không ngủ được ở mức đó. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Tức là số lượng giờ ngủ có quan hệ mật thiết với thành tích học tập, trong khi đó chất lượng giấc ngủ có quan hệ chặt chẽ với việc đánh giá nhận thức.
Tiến sĩ Dimitrou nói: “Giấc ngủ cần thiết cho các quá trình củng cố trí nhớ, khả năng học tập tối ưu và thành tích học tập. Điều đáng lo ngại là các thanh thiếu niên cần giấc ngủ ban đêm 10 tiếng để não bộ phát triển hiện nay lại không ngủ được ở mức đó.
Cần tiếp tục nâng cao nhận thức về tác động tiêu cực của các yếu tố kích thích và việc sử dụng các phương tiện truyền thống vào đêm khuya trước khi ngủ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành tích học tập cũng như cần có thêm nhiều nghiên cứu về lĩnh vực này nữa. Mạng xã hội và các chương trình truyền hình hấp dẫn có thể làm tăng các tác động về mặt sinh lý gây khó ngủ.”
48 học sinh tuổi từ 16 đến 19 từ một trường cao đẳng tư thục (independent sixth form college) ở trung tâm Luân Đôn đã được chọn tham gia vào nghiên cứu trên.
Các em vị thành niên trong nghiên cứu chỉ ngủ được 7 tiếng và giờ đi ngủ trung bình là 11h37 tối.
Điều này khẳng định kết quả từ nghiên cứu trước, cho thấy thanh thiếu niên đang ngủ ngày càng ít, giảm từ 2 đến 3 tiếng so với mức cần thiết cho sự phát triển não bộ tối ưu cũng như một lối sống khỏe mạnh.
Các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng ảnh hưởng tiêu cực của giấc ngủ kém chất lượng đối với việc học tập không phải bao giờ cũng đi đôi với việc học sinh, sinh viên tự nhận ra thực tế này, vì thế họ có ít động lực để thay đổi thói quen ngủ xấu.
Tiến sĩ Dimitriou và nhóm nghiên cứu Thực nghiệm Giấc ngủ và Học tập suốt đời hiện đang bắt tay nghiên cứu giấc ngủ và thực hiện chức năng giấc ngủ trên một nhóm học sinh, sinh viên lớn hơn.
Nghiên cứu này được công bố trên tập san Frontiers in Psychology ngày 1/12/2015.