Ngày 10/10, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết tiếp nhận thông tin của một người dân ở phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn về việc bị các đối tượng dùng thủ đoạn bán hàng trên mạng TikTok để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể: từ giữa tháng 9/2024, nạn nhân vào mạng TikTok và thấy các đối tượng quảng cáo về việc kiếm tiền thông qua việc bán hàng trên mạng để nhận hoa hồng. Do chủ quan, tin tưởng vào quảng cáo và cũng đang có nhu cầu kiếm thêm thu nhập qua hình thức bán hàng trên mạng, chị đã làm theo hướng dẫn, tải ứng dụng TikTok theo đường link đối tượng cung cấp.
Sau đó, chị nhận được các đơn đặt hàng giả do các đối tượng tự tạo nên và yêu cầu phải thanh toán trước 100% giá trị đơn hàng, sau khi giao đơn hàng đến người mua, sẽ được thanh toán toàn bộ tiền hàng cùng tiền hoa hồng 10-25% giá trị đơn hàng.
Nạn nhân đến cơ quan Công an thông tin về việc bị chiếm đoạt tài sản qua thủ đoạn lừa đảo bán hàng qua mạng TikTok. |
Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện việc giao các đơn hàng trên mạng, chị vẫn chưa thấy tiền hoa hồng được trả về mà vẫn liên tục phải thanh toán trước các đơn hàng tiếp theo. Khi muốn dừng lại không bán hàng nữa, thì đối tượng đã yêu cầu chị nộp các khoản tiền phí, tiền phạt vì đã phá hợp đồng (hợp đồng là do các đối tượng tự soạn).
Do muốn lấy lại số tiền đã đặt cọc trước đó, chị lại tiếp tục gửi tiền theo yêu cầu của đối tượng. Sau nhiều lần chuyển tiền, đối tượng đã cắt đứt liên lạc qua mạng và chiếm đoạt của nạn nhân này hơn 200 triệu đồng.
Thượng tá Lâm Tiến Hùng, Phó Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Thực chất, đây là ứng dụng giả mạo có giao diện giống với ứng dụng TikTok của nhà phát hành, nhưng có thêm liên kết đến trang bán hàng giả mạo do các đối tượng tạo nên.
Khi nạn nhân thực hiện thanh toán đơn hàng trên ứng dụng sẽ hiển thị số tiền hàng và tiền hoa hồng được nhận. Nhưng khi muốn thực hiện việc rút tiền thì nạn nhận lại nhận được yêu cầu xử lý xong toàn bộ đơn hàng do khách hàng đặt mới rút được tiền. Mỗi lần người dân chuyển tiền để xử lý đơn hàng sẽ xuất hiện các đơn hàng mới cần phải xử lý. Quá trình này sẽ không bao giờ dừng lại để nạn nhân phải liên tục chuyển thêm tiền cho các đối tượng hoặc các đối tượng cũng viện dẫn các lý do như: sai thông tin, yêu cầu phải nộp tiền để thay đổi thông tin, nộp thuế, nộp phí quảng cáo, tiền phạt phá bỏ hợp đồng nếu muốn dừng việc bán hàng…
Đến khi nạn nhân không còn khả năng chuyển thêm tiền, thì các đối tượng sẽ chặn liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã chuyển.
Ngoài ra, sau khi tải ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng về máy điện thoại cá nhân, nạn nhân có thể bị chiếm quyền điều khiển điện thoại di động, từ đó các đối tượng có thể lấy các thông tin lưu trên máy, chiếm đoạt toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng.
Để chủ động phòng ngừa nhận diện thủ đoạn trên của các đối tượng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng lừa đảo.
Khi tham gia làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra kỹ các thông tin thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác, không truy cập các địa chỉ websie lạ hoặc cài app, đường link lạ không rõ nguồn gốc. Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo hoặc nghi lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Sách về Pháp luật
Nội dung cuốn sách "Thực hiện pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam" đi sâu nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật về an ninh mạng dưới góc độ của ngành lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật; đánh giá thực trạng pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới,.