Bộ Công an cho biết năm 2018, hành vi mua bán người xuất hiện loại hình phạm tội mới, đó là tình trạng đưa những phụ nữ có thai ra nước ngoài dưỡng thai sau đó đẻ và bán con.
Hành vi này chưa thể áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 để xử lý người liên quan về hành vi mua bán người.
Bộ Công an dẫn chứng vụ 5 phụ nữ ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đang có thai, đã được Mông Thị Oanh đưa sang Trung Quốc đẻ sau đó bán con tại đây.
Công an Nghệ An giải cứu cháu bé 20 ngày tuổi bị bán với giá 40 triệu đồng hồi tháng 11/2018. Ảnh: Tường Vy. |
Theo thống kê, năm 2018, toàn quốc phát hiện hơn 200 vụ án mua bán người với 280 người phạm tội có hành vi lừa bán 390 nạn nhân. So với năm 2017, con số này giảm 43,88% số vụ và giảm 43,8% số đối tượng.
Cơ quan điều tra đề nghị khởi tố 200 vụ với 260 bị can. Viện KSND các cấp đã truy tố 110 vụ với 190 bị can. Về xét xử, TAND các cấp thụ lý 130 vụ với 230 bị cáo, đã xét xử 210 bị cáo.
Ngoài ra, cơ quan chức năng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 1.500 trường hợp, trong đó có hơn 490 trường hợp được xác định là nạn nhân bị mua bán, còn lại là những người nhập cảnh, di cư trái phép.
Cuối 2018, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường đấu tranh với những vi phạm liên quan đến mua bán bào thai. Cụ thể, các địa phương cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân. Nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa về việc mua bán người, mua bán bào thai.
Điều 150 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội Mua bán người:
- Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện chuyển giao hay tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác, thì bị phạt tù 5-10 năm.
- Nếu phạm tội nhiều lần, có tổ chức, đối với từ 2-5 người, đưa nạn nhân ra khỏi biên giới Việt Nam, thì bị phạt tù 8-15 năm.
- Nếu phạm tội có tính chuyên nghiệp, lấy bộ phận cơ thể nạn nhân, đối với 6 người trở lên hoặc làm nạn nhân chết, tự sát thì bị phạt tù 12-20 năm.