Tại Hội thảo Quốc gia về Tảo hôn, bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho biết mỗi ngày trên thế giới có gần 48.000 trẻ em gái bị ép tảo hôn, trong đó có những em mới 10 tuổi.
20.000 nữ giới dưới 18 tuổi sinh con mỗi ngày
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, năm 2016 có hơn 60 triệu trẻ em gái 10 tuổi trên toàn thế giới sẽ bắt đầu giai đoạn bước vào tuổi vị thành niên. Hàng triệu trẻ em gái sẽ bị người lớn ép kết hôn bất chấp việc các em có đồng ý hay không. Mỗi ngày, khoảng 20.000 nữ giới dưới 18 tuổi sinh con.
Ở Việt Nam, tình trạng tảo hôn cũng diễn ra rất nghiêm trọng. Kết quả từ Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam (MICS) cho thấy tỷ lệ nữ giới trong độ tuổi từ 15-19 đã kết hôn chiếm 10,3% vào năm 2014.
Đặc biệt, tình trạng tảo hôn không chỉ xảy ra trong các cộng đồng dân tộc thiểu số mà khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên cũng khá cao.
Còn theo hệ thống dữ liệu hành chính của Việt Nam, ở một số xã, tỷ lệ tảo hôn là trên 50%. Trong số các cộng đồng dân tộc thiểu số, người Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất lên tới 33%, tiếp theo là người Thái với tỷ lệ 23%.
Tổng cục Dân số Kế hoach hóa gia đình cũng vừa thực hiện khảo sát tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Lào Cai, phát hiện 224 cặp kết hôn cận huyết. Trong đó, 221 cặp là con bác lấy con dì; con chị gái lấy con em trai; cháu lấy dì; chú lấy cháu; cháu lấy cô.
Vợ chồng Tỉnh và Mừng (xã Cò Nòi) đang ở tuổi ăn tuổi lớn đã con bồng con bế. Ảnh: Công An Nhân Dân. |
Hệ lụy khi trở thành cha mẹ quá sớm
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cảnh báo tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình, gánh nặng cho xã hội.
“Rất nhiều trẻ mang thai sớm, chưa hoàn thiện về giải phẫu và sinh lý tâm lý đã bị ép buộc phải trở thành cha mẹ”, ông Tiến cho hay.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tảo hôn làm suy giảm số lượng và chất lượng dân số. Tầm vóc và tuổi thọ trung bình của các dân tộc ít người cũng đang thấp dần. Những vùng tảo hôn, tuổi thọ trung bình chỉ xấp xỉ 45 tuổi.
Thạc sĩ Đỗ Thị Quỳnh Hương, Phó vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số, Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, cho biết nạn tảo hôn xảy ra do ảnh hưởng của tập quán lạc hậu bị ép buộc lấy vợ/chồng sớm, bị xâm hại tình dục.
Do tảo hôn, nhiều trẻ mang thai sớm, có thể chưa hoàn thiện về giải phẫu và sinh lý tâm lý. Hàng trăm đứa trẻ thất học, mù chữ, nghèo đói do nợ nần sau đám cưới làm kinh tế gia đình kiệt quệ.
Bên cạnh đó, những cặp vợ chồng lấy nhau quá sớm nên sự hiểu biết, suy nghĩ chưa chín chắn dễ làm phát sinh những bạo lực gia đình, căng thẳng và trầm cảm sau những sang chấn về tâm thần. Trẻ em gái sau kết hôn thường bị bạn bè đồng lứa cô lập và bỏ rơi.
Những nơi xảy ra tình trạng tảo hôn thường làm trầm trọng thêm hiện tượng phân biệt giới tính, dẫn tới việc sinh con sớm, sinh nhiều con và ưu tiên cơ hội giáo dục cho trẻ em trai hơn gái.
Để giải quyết tình trạng tảo hôn, Chính phủ Việt Nam đã ban hành luật và chính sách, trong đó có Luật Hôn nhân và Gia đình (2014), Luật Trẻ em (2016) và Chương trình Quốc gia nhằm giải quyết tình trạng tảo hôn 2015-2025.
Tuy nhiên, ở cấp độ cộng đồng, các chuẩn mực truyền thống và phong tục vẫn cho phép nữ giới dưới 18 tuổi kết hôn nếu có sự đồng ý của cha mẹ và đây được coi là một yếu tố liên quan tới văn hóa địa phương. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức của người dân được coi là biện pháp giải quyết tận gốc tình trạng này.