Grant Wahl qua đời khi đang tường thuật trận Argentina - Hà Lan hôm 10/12. Ảnh: Vanity Fair. |
Nhà báo nổi tiếng người Mỹ Grant Wahl đã qua đời khi đang tác nghiệp tại Qatar. Theo một nhân chứng nói với CNN, ông "ngã quỵ khi đang tường thuật trận Argentina - Hà Lan hôm 10/12".
Trước đó, Grant Wahl đã cảm thấy không khỏe vì liên tục nhiều ngày không ngủ, căng thẳng vì tác nghiệp hiện trường tại World Cup 2022.
Đột quỵ trên sân
Ban tổ chức World Cup cho biết nhà báo Wahl “ngã bệnh” trong khu vực dành cho báo chí, nơi ông được “điều trị y tế tại chỗ ngay lập tức”. Sau đó, ông được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Hamad, đại diện cơ quan chịu trách nhiệm lên kế hoạch cho giải đấu nói.
Theo nhà báo Keir Radnedge của tờ World Soccer Magazine, ông Wahl được điều trị trong sân vận động “trong khoảng 20-25 phút” trước khi chuyển đến bệnh viện.
“Tình huống xảy ra vào cuối thời gian bù giờ của trận đấu. Đột nhiên, các đồng nghiệp phía bên trái của tôi hét lên tìm hỗ trợ y tế. Ai đó ngã quỵ xuống sân. Họ di chuyển ghế để tạo không gian xung quanh ông ấy", ông Radnedge nói. Đội ngũ y tế xuất hiện khá nhanh và bắt đầu sơ cứu cho nạn nhân.
Theo New York Times, Wahl nguy kịch trong khu vực báo chí của sân Lusail. Khi đó, trận đấu giữa Argentina và Hà Lan trôi đến những phút cuối. Ông được chuyển tới bệnh viện gần sân Lusail và qua đời tại đó.
Trong thời gian đưa tin trận đấu, Wahl nhiều lần cảm thấy không khỏe. Các nhân viên y tế thực hiện biện pháp hồi sinh tim và phương pháp khác để cứu Wahl trong 20 phút, trước khi anh được chuyển khỏi sân Lusail.
Cảm thấy mệt từ trước
Tim Scanlan, người đại diện của Wahl, tiết lộ nhà báo này gặp vấn đề từ trước. "Anh ấy ngủ không ngon. Tôi hỏi Wahl liệu có nên dùng melatonin hay không. Anh ấy nói chỉ cần thư giãn là ổn", Scanlan cho biết.
Trong tập podcast của Futbol hôm 6/12, Grant Wahl đã phàn nàn về việc cảm thấy không khỏe khi tác nghiệp 3 tuần liền tại Qatar. Mỗi ngày Wahl chỉ ngủ 5 tiếng và phải xử lý khối lượng công việc cực lớn.
“Tôi cảm thấy khá tệ, bị tức ngực và ngực dường như có gì đó đè nén, gây áp lực. Thật tồi tệ", cố nhà báo từng nói với người đồng dẫn chương trình Chris Wittyngham trong tập podcast. Ông nói thêm bản thân đã tìm kiếm sự giúp đỡ tại trung tâm truyền thông của World Cup và cho rằng mình bị viêm phế quản.
Sau đó, Wahl được cho uống siro ho, ibuprofen và cảm thấy tốt hơn ngay sau đó. Cố nhà báo cũng cho biết bản thân trải qua giai đoạn sức khỏe không về tâm trí và cơ thể sau trận đấu Mỹ - Hà Lan vào ngày 3/12.
Đây không phải lần đầu tác nghiệp của Wahl tại các giải đấu quốc tế trong thời gian dài. Ở mọi giải đấu, ông đều khá mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng tìm cách hoàn thành công việc.
Trong bản tin xuất bản ngày 5/12, Wahl tiết lộ cơ thể ông khá "suy sụp vì ngủ ít, căng thẳng cực độ và khối lượng công việc nhiều". Ông cảm thấy như bị cảm lạnh suốt 10 ngày nay và tình trạng đang nghiêm trọng hơn. Sau khi dùng thuốc kháng sinh và ngủ bù, Wahl đã đỡ hơn.
Nhà báo Grant Wahl làm việc tại trung tâm truyền thông của FIFA trước trận đấu ngày 21/11. Ông đã qua đời tại khu vực dành cho báo chí tại sân vận động Lusail ở Qatar khi đang đưa tin về trận đấu Argentina - Hà Lan hôm 10/12. Ảnh: Doug Zimmerman/ISI. |
Làm việc quá sức nguy hiểm thế nào?
Theo Medical News Today, tháng 5/2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại tình trạng kiệt sức là “hiện tượng nghề nghiệp” khi căng thẳng tại nơi làm việc của một người không được quản lý đúng cách. Đặc trưng của nó là người lao động cảm thấy kiệt sức, tiêu cực hoặc yếm thế trong công việc, giảm hiệu quả làm việc.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hệ lụy của tình trạng làm việc quá sức, kiệt sức khi làm việc với sức khỏe, thậm chí tính mạng của người lao động.
Theo bà Iris Waichler, chuyên gia về xã hội lâm sàng, căng thẳng do làm việc quá sức làm tăng sản xuất hormone cortisol, từ đó tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ. Nó cũng có thể dẫn tới đau lưng, đau cổ, căng cơ nhiều hơn, MNT dẫn lời.
Một nghiên cứu năm 2018 phát hiện ngay cả tác nhân gây căng thẳng dù nhỏ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của một người. Do đó, tác động của việc tiếp xúc với căng thẳng mạn tính rất nghiêm trọng.
Theo báo cáo của WHO, hiện tượng tăng giờ làm trên toàn cầu là một trong những nguyên nhân gây ra cái chết của 745.000 người bị đột quỵ, thiếu máu cục bộ vào năm 2016, tăng 29% so với số liệu năm 2000.
Nghiên cứu cũng chỉ ra những người làm việc từ 55 giờ trở lên một tuần có nguy cơ đột quỵ cao hơn 35% và nguy cơ tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ cao hơn 17% so với những người làm việc 35-40 giờ một tuần.
Làm việc quá sức là vấn đề trên toàn thế giới, riêng giới chức ở các nước châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, bày tỏ mối quan ngại đặc biệt về hiện tượng này. Tiếng Nhật thậm chí còn có một thuật ngữ đặc biệt cho tình trạng nói trên - karoshi - có nghĩa là “chết vì làm việc quá sức”.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy mối liên hệ giữa karoshi với một số mối vấn đề sức khỏe như đột quỵ, bệnh tim mạch. Họ cũng cho rằng làm việc đến kiệt sức dễ gây nhiều tình trạng đe dọa tính mạng khác như bệnh mạch máu não, tiểu đường, bệnh mạn tính như bệnh tim, ung thư, viêm khớp, bệnh phổi mạn tính, tăng huyết áp...
Để đảm bảo hiệu suất công việc cũng như giữ gìn sức khỏe, chúng ta nên lưu ý duy trì chế độ ăn uống hợp lý với đầy đủ nhóm chất (vitamin, protein, chất xơ, omega 3), bổ sung rau xanh, trái cây, thịt đỏ, các loại cá (cá hồi, cá ngừ), ngũ cốc nguyên hạt. Đặc biệt, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn bằng các hoạt động như nghe nhạc, đi bộ, tập yoga... Ngủ đủ giấc (6-8 giờ/ngày) nhằm giúp cơ thể và bộ não phục hồi nhanh nhất; hạn chế việc thức khuya làm tổn hại đến các dây thần kinh.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.