Cảnh bình yên nơi xã đảo duy nhất Sài Gòn sau ngày bão tan
Chủ nhật, 5/11/2017 17:25 (GMT+7)
17:25 5/11/2017
Cuộc sống của người dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM, đã trở lại bình thường sau những ngày cấm biển, tránh ảnh hưởng của bão số 12 - Damrey.
Sáng 5/11, lệnh cấm biển được bãi bỏ đối với người dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Những chuyến thuyền đưa đón khách ra vào đảo đã hoạt động trở lại.
Nhiều đoàn khách tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần lên thuyền vào xã Thạnh An. Hàng chục người xếp hàng, đợi lên thuyền vào khám phá xã đảo duy nhất ở TP.HCM.
Anh Út, 42 tuổi hớn hở trở lại công việc lái tàu, đưa khách như thường ngày. Anh cho biết mình có hơn 20 năm làm nghề vượt sóng.
Sau khi được thông biển, từ sáng sớm, ngư dân xã đảo Thạnh An đã tất bật trở lại với biển sau 3 ngày cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt vì bão số 12.
Một ngư dân tranh thủ múc nước biển rửa bùn đất trên chiếc ghe nhỏ, vừa tấp vào bờ.
Xã Thạnh An có diện tích 122,31 km 2, dân số gần 5.000 người. Người dân nơi đây sống nhờ vào việc khai thác, nuôi trồng thủy sản. Xã có ba ấp là Thạnh Hòa, Thạnh Bình và Thiềng Liềng. Phần lớn nguồn thực phẩm cung cấp cho người dân nơi đây được nhập từ đất liền. Trong xã có điện, trường học các cấp, trạm y tế, và các công trình phục vụ cho cuộc sống người dân nơi đây.
Những rổ cá cơm đầy ắp được người dân đánh bắt sáng nay và đưa vào bờ.
Cá này sau đó sẽ được chuyển vào đất liền để bán.
Bên trong đảo, khu chợ nhỏ đầy ắp thực phẩm vừa được lấy từ huyện về. Nhiều người dân vui mừng đi mua thức ăn, sau những ngày ăn khô cá, khô mực tránh bão.
Chị Hiếu cười phấn khởi, chở đứa con trai 11 tháng tuổi đi chợ bằng xe đạp.
Anh Văn, 39 tuổi, cho biết đã tranh thủ vào đất liền từ sớm để lấy thịt ra bán cho bà con ngoài đảo. Người dân mua bán tấp nập, những thực phẩm như thịt, rau tươi được người dân chọn mua nhiều. Chưa đến trưa, hàng hóa gần như hết sạch.
Anh Dũng, 35 tuổi, chia sẻ anh làm nghề hớt tóc nhiều năm. Mấy ngày qua, anh lo tránh bão nên hôm nay mới mở cửa tiệm trở lại. Mỗi lần cắt tóc, khách sẽ trả 20.000 đồng. Mỗi ngày anh cắt cho khoảng 10 người nên đủ chỉ tiêu cho vợ và 2 con.
Bà Đỗ Thị Thanh Loan, 54 tuổi, tranh thủ đan tấm lưới cào tôm. Người phụ nữ tận dụng những khoảng thời gian rảnh rỗi để đan lưới. Thường thì một tháng bà đan được một tấm nên đỡ tốn tiền mua lưới như những người khác. Số tiền này, bà dành dụm trang trải sinh hoạt trong gia đình.
Cá khô là đặc sản của đảo Thạnh An. Đến nhà nào, người dân cũng nướng những con khô và làm chén mắm me để mời khách. Một số người dùng nó làm mồi nhậu lai rai những lúc rảnh rỗi.
Do đàn ông, thanh niên có sức khỏe đi biển và lên bờ làm công việc khác nên trên đảo phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em. Hôm nay chủ nhật, các em nghỉ học và nô đùa trên các đường vào xã.
Sau những ngày tránh bão, hôm nay người đàn ông trong hình tranh thủ sơn lại căn nhà để nước mưa khỏi thấm.
Những tấm đan bằng xi măng dùng nuôi hàu được đúc bằng xi măng và cát. Ngư dân chất thành đống đợi ngày thả xuống biển nuôi hàu.
Người đàn ông nhặt những tấm đan trôi dạt vào bờ. Người dân nơi đây cho biết tấm đan này dùng để thả xuống biển, hàu bám vào đó để sống. Sau khoảng 1 năm, những con hàu sẽ to gần bằng lòng bàn tay. Lúc này, người dân sẽ thu hoạch và bán cho các thương lái đưa vào đất liền.
Chị Trâm (bên phải) đang đục lấy những con hàu sữa dính chặt trong những tảng đá. Người phụ nữ cho biết, loài hàu này tự nhiên, bám vào đá để sống nên bắt về nấu cháo hay nấu canh đều rất ngon.
Dù chưa bị ảnh hưởng cơn bão số 12, lực lượng chức năng vẫn cho sơ tán gần 700 người già, phụ nữ và trẻ em ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM, đến nơi tránh bão an toàn.