Ngày 9/1, ông Nguyễn Duy Hiền, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết đã ký quyết định kỷ luật cô giáo Nguyễn Thị Phượng, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, bằng hình thức cảnh cáo vì vi phạm đạo đức nhà giáo. Đây là cô giáo để học sinh quỳ khóc trước cửa lớp đến kiệt sức.
Trước đó, chi bộ nhà trường cũng đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban kiểm tra huyện ủy, thi hành kỷ luật đảng với cô Phượng.
Qua báo cáo xác minh, cô Nguyễn Thị Phượng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12D4, vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng khi để xảy ra vụ việc học sinh quỳ khóc kiệt sức trước cửa lớp. Sau sự việc, cô Phượng nhận lỗi chậm, bao biện cho bản thân.
Cô Phượng còn liên hệ với học sinh và phụ huynh gây tâm lý bất an, đề nghị hội trưởng cha mẹ học sinh lớp lập nhóm để kiến nghị hiệu trưởng cho phép cô trở lại dạy, tiếp tục chủ nhiệm lớp 12D4.
Không dừng lại ở đó, nữ giáo viên từng thu tiền học thêm và học Tiếng Anh bổ trợ đầu năm học 2022-2023. Cuối năm học còn thừa 26,5 triệu đồng nhưng cô Phượng không thông báo cho học sinh, phụ huynh biết.
Tổ công tác đã xác minh, thông báo trả lại số tiền này cho mỗi học sinh khoảng 600.000 đồng.
Theo báo cáo này, nhà trường không có chủ trương tổ chức học sinh đi thực tế nhưng cô Phượng tự thu 715.000/học sinh tiền đi thực tế. Trường cũng đã thông báo trả lại số tiền trên cho học sinh.
Để có quyết định xử lý trên đây, hội đồng sư phạm nhà trường họp, lấy phiếu kín về việc kỷ luật cô Phượng. Kết quả, 4/82 người có mặt tại cuộc họp đồng ý xử lý cô Phượng mức khiển trách (chiếm 5%); cảnh cáo có 63/82 người đồng ý (chiếm 77%); buộc thôi việc có 15/82 người tán thành (chiếm 18%).
Hình cảnh cô giáo Phượng kéo nữ sinh gây phẫn nộ. Ảnh cắt từ clip. |
Sự việc trên xảy ra cách đây 4 tháng. Clip được quay tại hành lang thời điểm đó cho thấy nữ sinh bị cô giáo đuổi ra ngoài hành lang và khóc đến mức kiệt sức.
Cô giáo đi ra tiếp tục mắng khiến nữ sinh hoảng loạn ôm chân cô và liên tục nói "Em xin lỗi cô, cô tha cho em". Đỉnh điểm của vụ việc là hành động cô giáo túm cổ áo, kéo lê học sinh.
Trong tường trình, cô Phượng cho biết hôm 29/9 giao N.T.K.C. là Bí thư chi đoàn lớp, làm nhiệm vụ đặt bánh sinh nhật tháng cho các bạn trong lớp. Tuy nhiên, em C. đã đặt bánh không đúng theo ý của cô giáo chủ nhiệm giao.
Sau khi trao đổi, cô Phượng yêu cầu học sinh C. ra đứng ở ngoài cửa lớp và tự giải quyết chiếc bánh đã đặt.
Khi lớp kê bàn ghế và bày cỗ chuẩn bị sinh nhật cho các bạn trong tháng, giáo viên chủ nhiệm đi ra cửa thì học sinh C. khóc, quỳ xuống ở cửa lớp xin lỗi cô. Cô Phượng bảo đứng lên nhưng C. không đứng. Do sức khỏe không tốt, học sinh C. nằm ra cửa lớp. Thấy vậy, cô Phượng đã kéo áo học sinh.
Hiệu trưởng nhà trường đã nhắc nhở giáo viên có hành vi kéo học sinh đứng lên chưa chuẩn mực, hành động chưa đúng với vị trí của giáo viên chủ nhiệm.
Đồng thời, hiệu trưởng nhà trường gọi điện cho bố học sinh C đến trường gặp gỡ, làm việc. Hiệu trưởng nhận trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc đáng tiếc, mong học sinh C. và gia đình thông cảm về hành động kéo lê học sinh của cô Phượng.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.