Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh giác khi cho trẻ ăn bim bim

Dù rất nhiều chứng minh cho thấy đường hóa học cyclamate gây hại đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, nhưng đến nay, rất nhiều thực phẩm dành cho các em nhỏ đều chứa chất này.

Trẻ có thể bị bệnh vì snack (bim bim) chứa cyclamate

Tháng 9/2012, Phòng Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về Môi trường và Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện Công ty TNHH SaSa Hà Nội (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức), trong quá trình sản xuất snack đã trộn đường cyclamate vào nguyên liệu. Vừa qua, công an lại tiếp tục phát hiện cơ sở sản xuất do bà Nguyễn Thị Duyên tại xã Yên Sở, huyện Hoài Đức cũng đã trộn đường cyclamate.

Qua quá trình làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở thừa nhận rằng tất cả các sản phẩm snack của cơ sở từ trước đến nay đều chứa đường cyclamate. Điều này chứng tỏ đường hóa học cyclamate dù bị cấm nhưng nhiều cơ sở sản xuất vẫn ngang nhiên sử dụng rộng rãi.

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, đường cyclamate là chất làm ngọt nhân tạo, hoàn toàn không có chất dinh dưỡng, màu trắng, không mùi, dạng bột tinh thể, tan nhiều trong nước và có thể tạo vị ngọt gấp 40 lần đường saccaroza (đường mía).

Trước đây, đường cyclamate vẫn được Bộ Y tế cho phép sử dụng làm chất phụ gia để sản xuất thực phẩm. Tuy nhiên, khi Cục Quản Lý Thực Phẩm & Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) tiến hành thử nghiệm đường cyclamate trên chuột thì những cảnh báo về tác hại của đường cyclamate bắt đầu được khuyến cáo rộng rãi trên toàn thế giới.

Các nhà khoa học đã phát hiện khi cyclamate vào cơ thể chuột, chúng sẽ được vi khuẩn trong ruột chuyển thành mono hay dicyclohexylamine, một tác nhân khiến chuột bị ung thư gan. Do đó, đường cyclamate bị FDA liệt vào danh sách phụ gia cấm dùng trong sản xuất thực phẩm.

Mặc dù đường cyclamate mới chỉ được thử nghiệm trên chuột và đến nay, khoa học chưa phát hiện được trường hợp nào ăn đường cyclamate lại bị ung thư, nhưng TS. Thịnh vẫn cảnh báo về việc dùng đường cyclamate để chế biến thực phẩm. Bởi vì dù không gây ra nhiễm độc cấp tính cho người dùng nhưng đường cyclamate lại được tích lũy lâu dài trong cơ thể. Nếu lạm dụng loại đường này, người ăn sẽ có nguy cơ bị các bệnh ung thư như ung thư gan, thận, dạ dày hoặc bị rối loạn nội tiết, dị dạng bào thai.

Cảnh giác với đồ ngọt chế biến sẵn

Giải thích việc vì sao các cơ sở sản xuất thực phẩm biết đường cyclamate độc hại nhưng vẫn dùng, TS Thịnh cho rằng đó là do đường cyclamate rất dễ mua, giá lại rẻ và ngọt gấp nhiều lần đường kính nên chỉ cần cho một chút là đã tạo được vị ngọt như ý.

Hơn nữa, về mặt kỹ thuật, đường cyclamate còn có ưu điểm vượt trội là ngon hơn đường tự nhiên, chịu được nhiệt độ lên tới 250 độ C nên khi cho vào thực phẩm chiên rán thì không bị biến chất, không bị cháy như đường tự nhiên. Không những thế, khi sử dụng cyclamate, người sản xuất hoàn toàn yên tâm rằng sản phẩm của mình không bị hư hỏng, bảo quản được lâu, vì đường cyclamate không chứa chất dinh dưỡng nên vi sinh vật gây nấm mốc không thể phát triển, ruồi muỗi cũng tránh xa.

Đặc biệt hơn nữa là khi cho cyclamate vào đồ ăn, người bình thường không thể phát hiện ra. Do đó, nó rất được người sản xuất ưa chuộng nhằm làm giảm giá thành, thu lợi nhuận.

Với những ưu điểm trên nên TS Thịnh khẳng định chắc chắn rằng không chỉ có snack mới chứa đường cyclamate mà tất cả các loại thực phẩm có vị ngọt trên thị trường hiện nay đều có thể chứa loại đường này như kem, chè, mứt, nước giải khát… Vì thế, người dân nên hạn chế mua thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là đồ ngọt để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, nhất là trẻ em.

http://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/canh-giac-khi-cho-tre-an-bim-bim-15813/

Theo chuyên đề Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Bạn có thể quan tâm