Không ít ca làm đẹp khiến người trong cuộc dở khóc dở cười.
Những kiểu làm đẹp cho kết quả xấu
Bệnh nhân T. (ngụ Q.3, TP HCM) kể chị đi chăm sóc da ở một spa, được giới thiệu dịch vụ bơm ngực bằng mỡ nhân tạo. Nhân viên giới thiệu phương pháp này rất an toàn. Mỡ tự động tiêu đi, không xảy ra biến chứng.
Tuy nhiên, trong quá trình làm họ lại bơm silicon vào ngực chị. Khi xảy ra tình trạng đau nhức, sưng tấy, vón cục do silicon ăn sâu vào các mô thịt, chị T. mới biết silicon đã bị cấm sử dụng trong y học từ hơn 20 năm nay.
Một chỉnh sửa thẩm mỹ được phái nữ ưa chuộng là nâng mũi. Tuy nhiên ngoài những ca chỉnh sửa an toàn tại các cơ sở thẩm mỹ uy tín, không ít ca phẫu thuật chỉnh sửa mũi có thanh silicon thỏi (sụn nhân tạo) dài quá khổ so với mũi của chị em, trong khi phần da ở sống mũi bị hỏng.
Chị H. (ngụ Q.10, TP HCM) phải cầu cứu bác sĩ khi thỏi silicon nâng mũi đã đâm thủng da chị lòi ra ngoài, làm biến dạng khuôn mặt.
"Nghề của chúng tôi là thường chỉ nhìn cái xấu. Cái đẹp làm nên thì cho người khác nhìn. Nay lại kiêm thêm việc khắc phục hậu quả từ những cái đẹp bị hỏng.
Nhiều ca biến chứng nặng, chúng tôi phải đưa bệnh nhân đến các bệnh viện khác để can thiệp kịp thời. Những ca như vậy phải đặt mục tiêu cứu mạng người chứ không còn là làm đẹp nữa".
Theo bác sĩ Lê Văn Lễ (trưởng khoa phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh, Q.10, TP HCM) - người thực hiện ca phẫu thuật này, có thể hình dung chất dịch này như đậu xanh đãi vỏ đánh lên.
Bác sĩ Lễ cho biết cô gái sau khi có triệu chứng nặng nề, đau nhức, khó chịu ở ngực nhờ mẹ đưa đến bệnh viện kiểm tra. Ca phẫu thuật được thực hiện trong hơn một giờ vào ngày 10/7/2013. Bệnh nhân bị chớm viêm nên đau nhức.
Sau khi rút chất dịch ra, vùng ngực được làm sạch và khâu kín. Bác sĩ Lễ nói bệnh nhân sau đó không bị nhiễm trùng máu. Mẹ của cô gái này kể con gái bà bị lừa bán sang Trung Quốc bơm ngực từ năm 18 tuổi, rồi bị đưa qua Macau hành nghề mại dâm trong 10 năm. Lúc phẫu thuật, cô gái không biết mình bị bơm chất gì vào ngực.
Những ca làm đẹp hỏng: silicon vón cục và chất lạ chưa xác định được rút ra từ cơ thể người bơm ngực - Ảnh bác sĩ cung cấp |
Đừng để quá muộn khi đã lỡ
“Đây không phải lần đầu chúng tôi tiếp nhận trường hợp rút chất lạ không xác định ra khỏi ngực. Hầu hết không biết mình bị bơm gì vào ngực. Đa số bệnh nhân sau khi xảy ra tình trạng ngực bị đau nhức, biến dạng, sưng đỏ bất thường mới đến bệnh viện kiểm tra chứ không kiểm tra định kỳ” - bác sĩ Lễ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, với chất màu vàng được rút ra trong đoạn video là lần đầu tiên trong 30 năm làm nghề bác sĩ Lễ mới nhìn thấy.
Với trường hợp bơm “chất lạ” vào ngực trong một tuần trở lại chỉ có thể rút ra được 95%. Vì vậy những chị em bơm ngực ở chỗ trôi nổi, không đảm bảo nên đến ngay các cơ sở y tế có giấy phép để được khám và tư vấn kịp thời.
Một số ca do để lâu, biến chứng nặng khiến các bác sĩ rất khó khăn trong việc xử lý, tỉ lệ thành công không cao.
Bác sĩ Lễ khuyên những chị em có nhu cầu cải tạo vòng một: “Phương pháp an toàn hiện nay là đặt túi gel độn. Do phải gây mê nên phương pháp này không được thực hiện ở phòng mạch tư.
Quan trọng nhất, tuyệt đối nói không với những cơ sở bơm mông, bơm ngực trôi nổi. Nên đến những cơ sở y tế có cấp phép của bộ hoặc sở y tế.
Ngoài ra, kinh nghiệm của bác sĩ cũng là vấn đề phải lưu tâm. Các chị em nên đề nghị được làm cam kết chất sẽ đưa vào người trước khi phẫu thuật”.
“Trường hợp sử dụng silicon thì không thể lấy ra được hết do silicon ăn sâu vào các mô thịt, vón cục, gây viêm nhiễm. Nhiều ca dẫn đến biến chứng, nhiễm trùng nặng” - bác sĩ Lễ nhấn mạnh lần nữa.