Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh giác với triệu chứng đau bụng kinh kéo dài

Những cơn đau rã rời đến vào mỗi kỳ kinh nguyệt đã ảnh hưởng đến cuộc sống của Namira trong hàng chục năm.

Không phải người phụ nữ nào cũng nhớ về lần đầu tiên mình có kinh nguyệt, nhưng Namira Binte Mohamad Marsudi, 36 tuổi, ở Singapore, không thể quên được ngày định mệnh đó.

Năm 11 tuổi, cơn đau buốt vùng bụng nhường chỗ cho hàng loạt đợt chuột rút đau nhói vùng bụng trong vài ngày. Namira chịu đựng nỗi đau đó vì cho rằng đây là ảnh hưởng của đau bụng kinh.

Nhưng khi cô lớn tuổi hơn, chứng chuột rút khắp vùng bụng lan xuống và ngày càng nặng hơn. “Mỗi kỳ kinh nguyệt tôi đều bị đầy hơi, buồn nôn, đau lưng, cảm giác như kim châm ở chân và rất chóng mặt. Năm 26 tuổi, tôi nhận thấy các cơn đau đã lan tới ruột. Có hai lần nó tồi tệ đến mức tôi gần như ngất đi”, Namira nhớ lại.

Theo SCMP, thời điểm đó là năm 2012, cô đã tốt nghiệp đại học và có công việc mơ ước - cảnh sát - cùng người bạn trai hạnh phúc. Nhưng rồi mọi thứ thay đổi vì những cơn đau kỳ lạ luôn hành hạ Namira mỗi tháng.

Vái tứ phương để tìm nguyên nhân

Người phụ nữ này phải chịu đựng cơn đau hành hạ hết tháng này qua tháng khác. Bạn trai rời bỏ Namira vì “không muốn ở bên một người suốt ngày đau ốm”. Cô cũng đã phải nghỉ phép nhiều ngày đến mức cuối cùng không còn lựa chọn nào khác là từ bỏ.

Lac noi mac tu cung anh 1

Namira từng có ý định tự tử hai lần vì cơn đau quặn phần ruột hành hạ mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt. Ảnh: SCMP.

Bác sĩ gia đình chẩn đoán tình trạng của Namira là đau bụng kinh và không đáng lo. Cô tiếp tục đến bệnh viện nổi tiếng khác về chăm sóc sinh sản phụ nữ. Tại đây, cô được kê đơn thuốc nội tiết tố, thuốc tránh thai và giảm đau.

“Tôi được chẩn đoán có thể bị lạc nội mạc tử cung và nên sinh con. Bởi các cơn đau thường biến mất sau khi trở dạ. Nhưng không ai có thể giải thích vì sao tôi bị đau ruột đến quặn thắt như vậy”, Namira tâm sự.

Người phụ nữ này tới một bệnh viện tư vì nghĩ rằng nếu trả nhiều tiền hơn, cô sẽ nhận được sự trợ giúp mà mình cần. Năm 2013, Namira trả 11.000 USD để phẫu thuật khối u xơ tử cung, u nang buồng trứng và polyp niêm mạc tử cung. Nữ bệnh nhân hy vọng các cơn đau ruột sẽ biến mất sau ca phẫu thuật.

Nhưng không. Namira lại đến gặp bác sĩ tiêu hóa. Kết quả nội soi không có gì bất thường, bác sĩ thậm chí còn cho rằng cơn đau đã dồn hết vào đầu của nữ bệnh nhân.

“Tôi nghĩ mình đã phát điên. Tôi rất đau khổ, mọi thứ trở nên tồi tệ. Ý định tự tử đã xuất hiện không chỉ một mà tới hai lần”, Namira nhớ lại.

Trong một lần tình cờ, nữ bệnh nhân gặp Nancy's Nook Endometriosis Education - nhóm hỗ trợ những người bị lạc nội mạc tử cung tại Viện Sức khỏe Tâm thần Singapore. Thông qua nhóm này, cô đã tìm được một bác sĩ ở Singapore chuyên về căn bệnh.

Năm 28 tuổi, Namira được chẩn đoán mắc bệnh lạc nội mạc tử cung và u tuyến giai đoạn 4, thâm nhiễm sâu (tình trạng xảy ra khi lạc nội mạc tử cung bên trong lớp cơ tử cung phát triển quá mức). Mô nội mạc tử cung đã lớn đến mức một phần ruột và tử cung của Namira xoắn lấy nhau. Đây là lý do cô thường xuyên thấy đau quặn ruột.

“Bác sĩ đã phải nạo một phần thành ruột của tôi để loại bỏ khối u. Nó khó bị phát hiện vì đã mở rộng đến khu vực siêu âm hoặc quét CT không tới”, Marsudi giải thích.

Chất lượng cuộc sống của Namira đã được cải thiện rất nhiều kể từ khi cô được phẫu thuật vào năm 2014. Bất kỳ cơn đau nào cũng đều có thể kiểm soát được bằng thuốc kê đơn.

Hiện tại, khi kết hôn rồi, Namira và chồng tìm đến bác sĩ hiếm muộn để thụ thai tự nhiên. Cô cũng năng động hơn, chạy bộ và tập tạ thường xuyên.

Trước đó, năm 2012, Namira lập một blog chuyên hỗ trợ nhận thức về bệnh lạc nội mạc tử cung. Người phụ nữ này cho rằng bất kỳ ai mắc bệnh không nên cảm thấy đơn độc và họ có thể chia sẻ về nỗi đau của mình cũng như tìm cách điều trị mà không phải xấu hổ.

Lac noi mac tu cung anh 2

Tình trạng đau bụng kinh của Namira Binte Mohamad Marsudi diễn ra hàng tháng, nhưng các bác sĩ không phát hiện ra điều gì bất thường. Sau đó, Namira được chẩn đoán mắc bệnh lạc nội mạc tử cung. Trong ảnh là Namira và chồng hiện tại. Ảnh: SCMP.

Căn bệnh lành tính nhưng gây đau đớn

Nội mạc tử cung là lớp lót bên trong tử cung có nhiệm vụ bảo vệ thai nhi tránh khỏi những tác động mạnh từ bên ngoài. Lớp nội mạc này thường bong ra khi phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt và được tái tạo lại sau kỳ kinh.

Tuy nhiên, nguyên nhân nào đó khiến lớp nội mạc này lại theo máu kinh đi vào ống dẫn trứng, khoang bụng, trực tràng và phát triển. Tình trạng đó được gọi là lạc nội mạc tử cung. Chúng có thể phát triển bất thường ở các bộ phận khác của cơ thể, thường là ở vị trí khác trong khung chậu.

Theo bác sĩ Michelle Tsui, chuyên gia sản khoa tại Hong Kong, Trung Quốc, đây là bệnh lành tính nhưng gây đau đớn, ảnh hưởng 10-13% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Lạc nội mạc tử cung còn gây ra những vấn đề như đau, viêm, sẹo ở khu vực bị ảnh hưởng.

“Nếu nó phát triển trong buồng trứng, máu sẽ tích tụ và tạo thành u nang nội mạc tử cung. Dị tật này dễ khiến tử cung to ra, kèm theo cơn đau, kinh nguyệt ra nhiều”, bác sĩ Tsui nói thêm.

Các triệu chứng phổ biến của lạc nội mạc tử cung gồm: Đau bụng hơn hai ngày và không đáp ứng thuốc giảm đau; đau bụng kinh nhưng lan xuống chân hoặc vùng chậu; đau khi đi vệ sinh hoặc khó chịu ở ruột trong kỳ kinh nguyệt; đau sâu ở xương chậu khi giao hợp; khó thụ thai hoặc rụng trứng thường xuyên; đau vùng chậu mạn tính…

Lac noi mac tu cung anh 3

Lạc nội mạc tử cung có thể xảy ra ở nhiều vị trí như vùng chậu, ruột, khoang bụng... và ảnh hưởng sinh sản trong một số trường hợp. Ảnh: Freepik.

TS Tsui cho biết thêm u nang nội mạc tử cung có thể gây khối u dưới bụng, khiến kinh nguyệt kéo dài, đau đớn. Đôi khi, một u nang này có thể vỡ ra, gây những cơn đau cấp tính nặng ở vùng bụng dưới.

Lạc nội mạc tử cung không phải lúc nào cũng dễ chẩn đoán. Một số bệnh nhân không có triệu chứng và bệnh chỉ có thể được phát hiện khi siêu âm hoặc phẫu thuật vì các vấn đề khác. “Đây là lý do những phụ nữ bị đau mạn tính ở bụng hoặc lưng dưới mà không rõ nguyên nhân nên kiểm tra có bị lạc nội mạc tử cung hay không”, TS Tsui khuyến cáo.

Nữ giới nên khám phụ khoa thường xuyên ở cuối những năm 20 tuổi, kèm siêu âm vùng chậu để phát hiện những bệnh không có triệu chứng.

Không phải tất cả phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung đều gặp vấn đề về sinh sản bởi nó tùy thuộc vị trí và mức độ sẹo. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng nhiều giả thuyết cho rằng nó liên quan yếu tố di truyền, môi trường và nội tiết tố. Bệnh nhân có thể được kê thuốc giảm đau, phẫu thuật điều trị.

Căn bệnh khiến nguy cơ tử vong của F0 cao gấp đôi khi mắc cùng lúc

Theo nghiên cứu mới, người nhiễm cùng lúc nCoV và virus cúm có nguy cơ tử vong cao gấp đôi, phải thở máy tăng 4 lần.

Được hàng nghìn người thuê để ngồi yên và không làm gì tại Nhật Bản

Với khoảng 10.000 yen kèm chi phí đi lại và ăn uống, bất kỳ ai cũng có thể thuê Shoji Morimoto mỗi khi cần tâm sự, thú tội hoặc cùng trải qua cảm giác đau buồn nào đó.

Bảo Hân

Bạn có thể quan tâm