Làng đại học Thủ Đức được xem là khu đô thị đại học lớn bậc nhất của nước ta hiện nay nhưng vẫn luôn tiềm ẩn những mối nguy hiểm đối với sinh viên.
Nỗi ám ảnh của sinh viên
Theo chia sẻ của Nguyễn Minh Thư, sinh viên năm thứ ba ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), khoảng 17h ngày 17/1, cô chạy xe theo hướng từ xa lộ Hà Nội rẽ vào ngã ba 621 về nhà trọ nằm trong khu vực làng đại học.
Quan sát qua gương xe, Thư thấy người đeo khẩu trang chạy xe máy, liên tục áp sát phía sau. Anh ta còn chụp hình nữ sinh này cùng biển số xe. Nghi có chuyện không lành, nữ sinh cố tình đi chậm lại. Ngay lúc đó, tên biến thái chạy song song với cô và “khoe hàng”. Quá sợ hãi, Thư la to và chạy nhanh về nhà trọ.
Sinh viên tự cảnh báo nhau trên mạng về những trò biến thái. |
“Trời còn sáng và đông người nên khi mình la to, tên biến thái không dám làm gì, cũng không theo nữa. Lúc đó quá sợ, mình chỉ biết chạy thôi. Về tới phòng, mình gọi người thân tới ngay, sợ tên đó còn rình rập giở trò”, Thư kể.
Sự việc hôm ấy trở thành nỗi ám ảnh của nữ sinh viên này. Thư cho biết không chỉ riêng cô mà nhiều bạn trong làng đại học đã gặp qua tình huống tương tự.
Hải Ly, sinh viên năm thứ ba, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho hay nữ sinh này cũng thường xuyên gặp phải “yêu râu xanh” ở làng đại học.
"Kẻ biến thái thường đứng sát hàng rào ở những khu ký túc xá nữ và 'khoe hàng' khi thấy nữ sinh", Ly bức xúc nói.
Làng đại học có nhiều đoạn đường vắng, sinh viên lo ngại gặp những kẻ biến thái. Ảnh: Q.C. |
Thời điểm sáng sớm hoặc tối muộn, bến xe buýt, hồ đá hay những con đường vắng, thậm chí trên xe buýt là nơi những kẻ biến thái thường xuất hiện. Chuyện gặp phải những tên yêu râu xanh không còn là hy hữu đối với nữ sinh ở khu vực làng đại học, nhưng ứng biến như thế nào thì không phải ai cũng biết.
“Không phải mình không làm được gì nhưng cái khó là phòng thân, tự vệ phải đúng theo khuôn khổ pháp luật. Nếu chẳng may mạnh tay hay xảy ra chuyện gì ngoài ý muốn, sinh viên càng khổ hơn. Đa số bạn nữ gặp phải tình huống oái oăm này chỉ biết coi như xui xẻo”, Thư chia sẻ.
Cần tăng cường cảnh giác dịp cuối năm
Làng đại học là nơi sinh sống và học tập của hàng chục nghìn sinh viên, giảng viên, người dân lao động. Với đặc thù địa hình là nơi giáp ranh giữa quận Thủ Đức (TP.HCM) và thị xã Dĩ An (Bình Dương), tình hình an ninh trật tự phức tạp, nhất là thời điểm cuối năm.
Những khu trọ ọp ẹp là địa bàn hoạt động của bọn trộm cướp. Ảnh: DT. |
Trịnh Văn Mạnh, sinh viên năm thứ hai, ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết ngày 16/1, sinh viên này bị mất một máy tính và điện thoại di động tại phòng trọ của mình.
Mạnh ở tại một dãy phòng phía sau lưng của ký túc xá khu A. Lợi dụng lúc nam sinh này và các bạn cùng phòng ngủ trưa, quên đóng cửa sổ, trộm đã lấy chiếc máy tính và điện thoại di động để trên bàn gần cửa sổ.
“Khoảng một tháng trước, khu trọ của mình xảy ra vụ mất xe máy nhưng cũng không tìm được, dù ở đây có camera an ninh", Mạnh kể lại.
Ông Trần Việt Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý và Phát triển Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết tình trạng tội phạm trong khu vực làng đại học diễn biến khá phức tạp trong những ngày giáp Tết.
Theo ông Thắng, vừa qua, Công an thị xã Dĩ An phối hợp Trung tâm Quản lý và Phát triển Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, lên kế hoạch ra quân truy quét tội phạm từ nay cho đến Tết Nguyên đán.
"Lực lượng dân phòng liên tục tuần tra cả ngày lẫn đêm, hễ phát hiện những tên biến thái thì đuổi đi hoặc bắt giao về cho công an. Tuy nhiên, đưa họ lên công an phường cũng không xử lý được triệt để, chỉ lập biên bản cảnh cáo rồi thả về địa phương vì hiện tại chưa có luật nào xử lý họ cả", ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, do các khu nhà trọ ọp ẹp, cửa không chắc chắn, tội phạm thường lợi dụng sự bất cẩn, mất cảnh giác của sinh viên để trộm cắp tài sản.
"Không còn cách nào hơn là sinh viên phải đề phòng và cảnh giác, bảo vệ tài sản cá nhân hoặc chuyển vào ở ký túc xá để an toàn hơn", ông Thắng khuyên các bạn sinh viên.
* Tên của các nhân vật đã thay đổi.