Nhiều người Hàn Quốc tranh nhau trả tiền khi đi ăn uống ở nhà hàng. Ảnh: Kim Sung Tae. |
Ở các nhà hàng Hàn Quốc, sau mỗi bữa ăn, hình ảnh các thực khách chung một nhóm chen chúc đứng trước quầy thu ngân, giành nhau tờ hóa đơn, khăng khăng nói "Hôm nay để tôi đãi" không phải là cảnh tượng lạ lùng. Một số thậm chí lẻn ra ngoài giữa buổi tụ tập để trả tiền sau lưng bạn bè.
Lee Joo-hyeong, làm thu ngân bán thời gian tại một nhà hàng thịt nướng ở Gangwon trong 2 năm, từng gặp một khách hàng muốn quán trả lại tiền cho một thành viên trong nhóm đã thanh toán trước, rồi dùng thẻ của mình để trả tiền bữa ăn. Một số khách thì gom thẻ tín dụng của các thành viên lại, yêu cầu Lee chọn ngẫu nhiên một chiếc để thanh toán.
"Khách thường dí thẻ của họ vào tay tôi để thanh toán hóa đơn trước khi những người khác kịp giành lại", cô gái 23 tuổi cho biết. Cứ 1-2 tuần, cô lại rơi vào cảnh đợi khách hàng tranh giành nhau việc trả tiền, cho đến khi người chiến thắng đưa cho cô thẻ của họ, theo Korea JoongAng Daily.
Ai nên trả tiền?
Câu trả lời khác nhau tùy thuộc vào dịp ăn uống. Tuy nhiên, có quan điểm truyền thống ở Hàn Quốc rằng đó nên là thành viên "bề trên" của bữa ăn, bất kể theo tuổi tác hay địa vị.
"Ở Hàn Quốc, thường người chủ trì cuộc gặp mặt hoặc người lớn tuổi sẽ mời. Người ta cũng thường coi việc trả tiền cho bữa ăn là nhiệm vụ của người có chức vụ lớn nhất và bạn không được xúc phạm người Hàn bằng cách khăng khăng đòi trả tiền hoặc phá vỡ truyền thống văn hóa của họ", tác giả Mark Vincent và Yeon Jae-hoon viết trong cuốn sách Complete Korean, xuất bản năm 2010.
Văn hóa này cũng có ở Trung Quốc. Nhà văn du lịch Mark McCrum từng viết trong cuốn Going Dutch in Beijing năm 2008 rằng chủ nhà có thể mất mặt nếu khách nhất quyết trả tiền.
Người lớn tuổi, chức vụ cao nhất hay giàu có trong nhóm ăn uống được kỳ vọng trả tiền cho mọi người. Ảnh: Korea JoongAng Daily. |
Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều trong thập kỷ qua ở Hàn Quốc: ngày càng nhiều người, đặc biệt là người trẻ độ tuổi 20, 30 thích chia đều tiền khi đi ăn chung, một phần do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây.
Song, sự thật là cũng còn nhiều người mong đợi một thành viên lớn trong bữa ăn, đặc biệt khi người đó có địa vị cao hơn nhiều so với những người khác, thanh toán hóa đơn. Khuynh hướng này còn đáng chú ý hơn khi so sánh với văn hóa ở Nhật Bản hay phương Tây.
"Nhiều bạn bè tôi là người Trung Quốc và Hàn Quốc, cùng độ tuổi và giới tính, đã trả toàn bộ hóa đơn khi chúng tôi đi ăn cùng nhau. Đây là trải nghiệm tôi chưa từng có nếu đi ăn chung với những người bạn nữ Nhật Bản cùng tuổi", Karla, sinh ra ở Tokyo và sống 14 năm ở London, nói, cho biết thêm nam giới và người lớn tuổi có khả năng đề nghị trả tiền cao hơn.
Thay đổi
Tuy nhiên, xu hướng giành nhau trả tiền bữa ăn cũng ngày càng thay đổi ở Hàn Quốc, khi thế hệ trẻ đang dần rời xa nền văn hóa tập thể thông thường.
Theo một cuộc khảo sát do Hankook Research thực hiện vào năm 2022 với 1.000 người trên toàn quốc, 64% cho rằng nên chia đều hóa đơn ngay cả khi có sự chênh lệch tuổi tác giữa những người đi ăn cùng; 33% vẫn nghĩ người nhiều tuổi nên trả tiền cho người nhỏ hơn. Nếu xét về thâm niên tại nơi làm việc, 54% thích chia đều hóa đơn.
Tuy nhiên, nếu xét về độ giàu có, 52% tin rằng người có nhiều tài sản hơn nên trả tiền, trong khi 46% vẫn thích chia đều.
Xu hướng thích chia đều hóa đơn được thể hiện rõ hơn trong các buổi tụ tập bạn bè, khi 51% cho biết thường hùn tiền trả chung. Tỷ lệ này ở các cặp đôi yêu nhau đi ăn chung là 17%, 8% khi đi ăn với thành viên gia đình và 50% khi ăn với đồng nghiệp.
Nhiều cặp đôi Hàn mở tài khoản ngân hàng chung để thanh toán chi phí hẹn hò. Ảnh: JTBC. |
Bên cạnh đó, có sự khác biệt rõ ràng giữa các thế hệ trong suy nghĩ về việc chia tiền khi ăn uống. 90% người độ tuổi 18-29 cho biết thường chia hóa đơn với bạn bè. Con số này giảm xuống còn 63% với người độ tuổi 30, 51% với người độ tuổi 40, 36% với người độ tuổi 50 và 34% với người 60 tuổi trở lên.
Tương tự với việc cặp đôi hẹn hò đi ăn uống. Một số cặp thậm chí tạo một tài khoản ngân hàng chung để thanh toán chi phí hẹn hò. Trong số những người độ tuổi 18-29, có 39% cho biết thường chia đôi hóa đơn khi đi chơi với người yêu. Đối với những người ở độ tuổi 30, con số là 32% và giảm xuống còn 17% ở độ tuổi 40, 4% ở độ tuổi 50.
Một cuộc khảo sát đối với 1.000 người trưởng thành độc thân do dịch vụ mai mối Gayeon thực hiện vào năm 2023 cho thấy 38% chia đều chi phí hẹn hò, 39,6% cho biết nam giới có xu hướng trả nhiều hơn phụ nữ. Khoảng 15% cho biết sử dụng tài khoản ngân hàng chung để hẹn hò.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.