Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh sát hình sự chỉ ra những cuộc gọi của tội phạm lừa đảo

Kẻ lừa đảo thường yêu cầu cung cấp thông tin ngân hàng hoặc chuyển tiền vào tài khoản. Các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo còn hiển thị dấu cộng (+) hoặc dãy số 00 ở đầu.

Ngày 26/3, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo thời gian gần đây, nhiều thuê bao di động phản ánh liên tục nhận được các tin nhắn giả mạo ngân hàng, yêu cầu truy cập đường link có sẵn để giao dịch.

Nhiều cuộc gọi khác mạo danh Cục Cảnh sát giao thông yêu nộp phạt, giả mạo Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo số điện thoại sẽ bị khóa sau 2 giờ và yêu cầu liên hệ tổng đài để được hỗ trợ... Một số nạn nhân đã sập bẫy của kẻ lừa đảo qua điện thoại, tự chuyển tiền hoặc bị mất quyền kiểm soát SIM, tài khoản ngân hàng, thiệt hại từ vài chục triệu đồng đến hàng tỷ đồng.

Để tránh bị mất mát tài sản, Công an Thanh Hóa khuyến cáo người dân cần cảnh giác, chủ động phát hiện các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo qua các dấu hiệu như:

1. Các cuộc gọi tự xưng là cán bộ công an, VKS, tòa án hay nhân viên ngân hàng: Người gọi thường yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng để nhận gửi bưu phẩm, hoặc giấy triệu tập, chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra.

Theo quy định hiện hành, khi giải quyết các hành vi vi phạm, cơ quan chức năng phải làm việc trực tiếp với công dân. Không có quy định nào cho phép cơ quan chức năng được yêu cầu người dân nộp tiền qua điện thoại.

2. Các cuộc gọi có đầu số lạ: Chủ thuê bao nên cảnh giác với các cuộc gọi nhỡ quốc tế. Các cuộc gọi, tin nhắn này hiển thị dấu cộng (+) hoặc dãy số 00 ở đầu, 2 số tiếp theo không phải là 84 (mã vùng Việt Nam). Ví dụ như: Modova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226)…

Các cuộc gọi này được nháy máy từ thuê bao nước ngoài đến số điện thoại di động trong nước nhằm lừa đảo để người sử dụng gọi lại và phát sinh cước viễn thông rất cao.

3. Cuộc gọi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng: Trên thực tế, nhiều người bị đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản từ các cuộc điện thoại này.

Thủ đoạn lừa đảo là thông báo thông tin giả về việc trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn, yêu cầu người dân cung cấp mật khẩu, mã OTP khách hàng hay thông tin về thẻ, tài khoản ngân hàng. Kẻ lừa đảo còn giả mạo cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ.

Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo khi phát hiện các cuộc gọi, tin nhắn có những dấu hiệu lừa đảo như trên, mọi người tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của đối phương. Nếu bị đe dọa, người dân cần thông báo ngay đến công an sở tại để phối hợp xử lý.

Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.

Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…

Bắt giữ nghi phạm đột nhập vào nhà dân trộm cắp nhiều tài sản

Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Linh (SN 1993, trú tại Nhuận Trạch, Lương Sơn, Hòa Bình) về tội Trộm cắp tài sản.

Đủ chiêu trò kinh doanh bóng cười

Với mục tiêu nói không về bóng cười, thời gian qua, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp đấu tranh, truy quét và xử lý.

Hồng Đăng

Bạn có thể quan tâm