Để phát hiện và xử lý, cát tặc lực lượng CSGT Hà Nội đã phải sử dụng linh hoạt nhiều biện pháp.
Hoá trang, mượn thuyền cá dân chài bắt “cát tặc”
0h 21/1, trong lúc đang trực tại đơn vị, trung tá Nguyễn Văn Hiền, Phó đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường thuỷ số 3 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) nhận được tin báo từ cơ sở: “Có tàu trọng tải mấy trăm tấn đang hút cát giữa sông Hồng, đoạn quận Hoàng Mai thuộc địa bàn Đội quản lý”.
Nhận tin báo, dù đêm khuya mưa rét, Tổ công tác của Đội lập tức lên kế hoạch tiếp cận đoạn sông được thông báo có tàu đang hút cát trái phép.
Để bắt quả tang, Tổ công tác đã phân công thượng uý Nguyễn Xuân Đông và thiếu uý Nguyễn Chí Cường hoá trang mặc thường phục, đi phương tiện cá nhân trên đường bộ đến gần khu vực thuyền hút cát trái phép đang hoạt động, đồng thời trưng dụng một thuyền của dân chài đang đánh bắt cá gần đó, để đi ra áp sát tàu hút cát. Ba thành viên còn lại của Tổ công tác gồm: thiếu tá Trịnh Văn Trường, thượng uý Hoàng Tiến Vinh, thiếu uý Nguyễn Thanh Tùng lên cano cảnh sát đi trên đường sông tiếp cận khu vực tàu cát đang hoạt động.
“Thượng úy Đông và thiếu úy Cường đi thuyền đánh cá của dân chài áp sát tàu cát VP-0497 trọng tải 263 tấn đang khai thác cát trái phép trên sông Hồng, thông báo đang làm nhiệm vụ. Chỉ ít phút sau, cano chở 3 cán bộ của Tổ công tác cũng ập đến. Hai người đàn ông trung niên đang tiến hành hút cát dưới lòng sông lên thuyền rất bất ngờ vì bị bắt quả tang”, trung tá Hiền cho hay.
Sau khi kiểm tra, Tổ công tác xác định anh Nguyễn Bá Cảnh (33 tuổi, trú tại xã Yên Thạch, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) là chủ tàu và cũng là người điều khiển tàu, người trực tiếp vận hành các thiết bị để khai thác cát trái phép trên tàu VP-0497. Trên tàu còn có anh Nguyễn Văn Lợi (36 tuổi, trú xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) là người phụ giúp việc buộc, tháo dây khi phương tiện di chuyển và dọn dẹp, nấu cơm. Tàu VP-0497 có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn.
Tàu VP-0497 do Nguyễn Bá Cảnh khai thác cát trái phép trên sông Hồng bị tạm giữ. |
Với hành vi khai thác cát trái phép và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn, chủ tàu và cũng là người điều khiển tàu bị Tổ công tác lập biên bản xử phạt gần 55 triệu đồng, tạm giữ phương tiện VP-0497 60 ngày theo quy định.
Thuê “chim lợn” cảnh giới, chỉ khai thác về đêm
Trung tá Đỗ Trọng Nghĩa, Đội trưởng đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường thuỷ số 3 cho biết do khai thác cát trái phép mang lại lợi nhuận rất cao nên các đối tượng dùng nhiều mánh khóe tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng như thuê “chim lợn” cảnh giới, chỉ khai thác vào ban đêm… Nếu phát hiện lực lượng CSGT đi cano tuần tra, các đối tượng “chim lợn” trên những tàu cá quanh đó lập tức báo tin cho các tàu “cát tặc” để có biện pháp đối phó.
“Vì vậy, để bắt giữ một tàu hút cát trái phép trên sông, cần phải áp dụng biện pháp nghiệp vụ như hoá trang, mượn tàu cá của dân tiếp cận để ghi lại hình ảnh vi phạm…”, trung tá Nghĩa chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết hiện TP Hà Nội có 15 tuyến sông lớn, nhỏ các loại với tổng chiều dài 493,3 km, trong đó có 7 tuyến sông có hoạt động khai thác, nạo vét cát lòng sông, gồm: sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Công, sông Đáy, sông Cà Lồ và sông Cầu. Hoạt động khai thác cát trái phép gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, làm biến đổi dòng chảy, sạt lở đê điều, đất canh tác, bãi bồi ven sông và gây mất ATGT đường thuỷ.
Do nhu cầu và lợi nhuận thu được từ các hoạt động khai thác trái phép cát lớn nên các đối tượng khai thác cát trái phép manh động, lợi dụng địa bàn giáp ranh, đêm tối để khai thác, sẵn sàng chống lại lực lượng thi hành công vụ. Để phát hiện và xử lý, trong thời gian qua, Công an TP Hà Nội đã tăng cường điều tra cơ bản, chủ động nắm rõ tình hình địa bàn, đối tượng, phương tiện hoạt động; sau đó có kế hoạch phối hợp các lực lượng, tạo thế liên hoàn, chủ động tấn công trấn áp mạnh, không để các đối tượng có tư tưởng manh động, chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ.
“Thời gian tới, Công an TP Hà Nội tiếp tục kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, theo hướng nhằm vào lợi ích kinh tế, làm mất khả năng, điều kiện tái hoạt động vi phạm pháp luật, như: Tịch thu các tàu, thuyền hoặc sên, vòi, ống hút, cát, sỏi...”, đại tá Viện cho biết.
Theo báo cáo của Công an TP Hà Nội, trong 3 năm (2016 - 2019), Công an TP đã kiểm tra, bắt giữ gần 1.100 vụ, hơn 1.200 đối tượng vi phạm khai thác khoáng sản lòng sông, khởi tố 7 vụ, 7 người vi phạm, xử phạt hành chính hơn 33 tỷ đồng.