Kể cả khi ở dưới phòng xử, cách Thuận rất gần là những vành tang trắng, là tiếng khóc ai oán, nức nở của thân nhân 3 nạn nhân - Đại úy quân đội Nguyễn Chí Hưng, Tiến sĩ Văn học Bùi Thị Thu Hà và bé gái 6 tuổi Thảo Hiền - những người đã chết oan ức dưới bàn tay tội ác của Thuận, người đàn bà ấy vẫn bình thản. Thậm chí, trong phiên tòa sơ thẩm, Thuận còn lặp đi lặp lại động tác bắt chéo chân, giơ đôi bàn tay bị còng lên ngắm nghía và thi thoảng còn… cười khẩy.
Còn ở phiên phúc thẩm, trong phòng xét xử, Thuận đứng đối diện với di ảnh của 3 nạn nhân. Những ánh mắt của người trong di ảnh như có lửa, rọi những tia nhìn căm phẫn về phía các bị cáo, những kẻ tàn ác đã gây ra cái chết đớn đau cho họ. Nhưng có vẻ như bất chấp tất cả, Thuận vẫn bình thản đến ghê sợ. Không cúi mặt.
Mắt vẫn trừng trừng nhìn vào các di ảnh. Thi thoảng liếc xéo người chồng cũ đang ngồi ở phía sau với vành tang trắng trên đầu. Trả lời câu hỏi của HĐXX: "Vì sao lại đổ xăng giết chết cả gia đình anh chồng", Thuận, lại cũng vẫn bình thản khai nhận về tội ác. Thản nhiên như thể đang nói về ai đó, chứ không phải về mình.
Người thân của các nạn nhân đau đớn trong phiên xét xử. |
Khi kết hôn với Nguyễn Thị Thuận, anh Nguyễn Chí Tuấn không bao giờ hình dung nổi có một ngày tồi tệ, đau đớn như hôm nay. Vợ anh đã ra tay thiêu sống cả gia đình anh trai ruột. Quê gốc ở Khoái Châu, Hưng Yên, mấy anh em Tuấn ra Hà Nội học tập rồi ở lại đất này lập nghiệp.
Anh trai Tuấn, Đại úy quân đội Nguyễn Chí Hưng công tác tại Công ty Trắc nghiệm bản đồ quân đội. Chị Hà và Thuận là bạn cùng quê Yên Bái, học với nhau từ hồi lớp 1. Đến đại học, chị Hà học văn, làm TS văn học rồi đi dạy học, còn Thuận học ngoại ngữ rồi cùng đi dạy học ở Hà Nội. Chị Hà yêu anh Hưng từ hồi sinh viên và vun vén cho bạn gái mình là Thuận với Tuấn.
Ra trường, đôi lứa thành vợ thành chồng, hai người bạn gái trở thành chị em dâu thuận hòa đến mức mua chung một mảnh đất, chia thành hai căn hộ để ở sát vách nhau tại thôn Phú Mỹ, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội. Nhưng đến năm 2007, khi đang xây nhà thì vợ chồng Thuận mâu thuẫn, ly thân. Anh Tuấn bỏ nhà đi ở riêng. Chỉ còn Thuận ở lại với con trai trong căn nhà cũ. Thấy vợ chồng em trai có nguy cơ ly tán, anh Hưng đã khuyên bảo Thuận nên xin lỗi để đoàn tụ.
Cho rằng, anh Hưng chỉ bênh em trai, Thuận cay cú nên nhờ hai người quen là Bùi Tiến Hà và Hoàng Hải Tiệp đổ xăng đốt nhà anh Hưng cho bõ tức. Đêm 24 rạng ngày 25/1/2008, Hà và Tiệp đã rót xăng qua cửa sắt nhà anh Hưng bằng chiếc thước nhôm để đốt nhà. Nhà cháy, vợ chồng anh Hưng và đứa con gái duy nhất đã chết vì bỏng.
Đại tá Trần Ngọc Hà, (cán bộ thuộc Văn phòng Bộ công an bây giờ) khi vụ án xảy ra đang là Trung tá Đội trưởng Đội điều tra trọng án Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội, đơn vị được giao nhiệm vụ thụ lý chính vụ trọng án sau này kể lại, các nạn nhân bị bỏng đau đớn lắm, đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời, vẫn bị những cơn đau hành hạ.
Trên giường bệnh khi ấy, chị Bùi Thị Thu Hà, bông băng trắng toát đầy mình, chỉ còn thấy những giọt nước mắt. Khi các điều tra viên tới lấy sinh cung hỏi chị Hà rằng nhà cháy có nghi cho ai đốt không thì trong nước mắt chứa chan Hà vẫn lắc đầu. Cho đến lúc chết, người phụ nữ này vẫn không bao giờ ngờ rằng, người mà chị mát tay mai mối, người bạn thân thiết với chị từ thuở nhỏ, chị em dâu thân thiết trong gia đình có thể độc ác đến vậy.
Tiễn biệt chị tại giường bệnh, các điều tra viên có mặt, không ai cầm được nước mắt. Và họ, trong hơn một năm ròng sau đó đã nỗ lực hết mình vì cuộc điều tra vô cùng khó khăn này, cũng một phần vì những giọt nước mắt đó, những giọt nước mắt chứa chan còn đọng lại trên gương mặt của chị Hà khi cuộc sống của chị, của chồng chị và đứa con gái nhỏ 6 tuổi, mắt trong veo đã bị cướp đi một cách tàn khốc…
Nhưng cũng phải hơn một năm sau cơ quan điều tra mới tìm ra được Thuận và đồng phạm. Buổi sáng cuối cùng của năm 2008, Tiệp bị bắt tại Cổ Nhuế. Cùng lúc, Hà bị bắt ở Yên Bái. Thuận cũng bị bắt ngay sau khi kết thúc giờ dạy ở trường.
Điều tra viên Đào Trung Hiếu kể lại: "Sau một năm kể từ khi xảy ra vụ án, ngoài 3 cái chết thương tâm và một hiện trường ngổn ngang trong bản ảnh khám nghiệm, còn lại đã bị xóa sạch bởi thời gian. Đi vào một chuyên án truy xét, mà đối thủ lại là người có học, có đủ khôn khéo để che giấu tội lỗi, lại được thời gian hỗ trợ, lại là con trong một gia đình thế lực… quả thực không phải là cuộc dạo chơi. Chúng tôi dư biết, nếu không có những chứng cứ sắc bén, không đời nào Thuận khai. Tôi nhớ mãi câu nói của Thuận, khi đưa thị ra xe đặc chủng về số 7 Thiền Quang.
Thuận dọa: "Danh dự của tôi lớn lắm các ông biết chứ?". Lúc ấy, tôi đáp khẽ: "Chúng tôi biết, nếu bắt oan chị cái giá sẽ thế nào". Người dân trong thôn Phú Mỹ lúc ấy đổ xô đến vây quanh xe, ném về thị những lời cay độc nhất, nhưng gương mặt Thuận vẫn giữ được vẻ thản nhiên".
Đêm cuối cùng của năm, trong khi đường phố Hà Nội rực rỡ đèn hoa, tấp nập đón năm mới thì Đội trưởng Trần Ngọc Hà, điều tra viên Đào Trung Hiếu và nhiều đồng đội khác vẫn thức trắng bên đống hồ sơ vụ án với bộn bề công việc tại đơn vị. Họ nói với Thuận rằng, lẽ ra hôm nay cả chúng tôi và chị đều phải ở nhà đón năm mới cùng gia đình. Một ngày có ý nghĩa nhất trong năm như ngày hôm nay, sự buộc phải vắng mặt ấy thật là đáng tiếc. Nhưng chúng ta đã phải ở đây. Chúng tôi khuyên chị nên thành khẩn.
Điều tra viên Đào Trung Hiếu kể, anh và Thuận đã có nhiều ngày làm việc cùng nhau trong trại giam với tư cách điều tra viên và bị can. Những ngày đầu, Thuận gầy xọp đi và thường “đi cung” với mái tóc rối bù xù như tâm trạng ngổn ngang của Thuận lúc ấy.
Cán bộ Hiếu đã từng mang lược vào trại giam cho Thuận mượn chải đầu bởi anh nghĩ: "Dù có thế nào, cô ta vẫn là đàn bà, và việc làm đẹp trước đàn ông giống như việc chúng tôi đốt thuốc mỗi ngày".
Để cho các cuộc đi cung trở nên thoải mái, nhẹ nhàng, anh thường gợi chuyện trường, lớp, chuyện học trò ra để Thuận nói. Những lúc ấy, Thuận say sưa lắm, mắt sáng lên. Trong mạch chuyện sôi nổi ấy, có lần - điều tra viên hỏi: "Honesty is the best policy - em dịch câu này thế nào?", Thuận bật ra ngay: "Thật thà là phương pháp tốt nhất".
Nói xong, chợt thấy ngường ngượng, Thuận nhìn tôi rồi cúi xuống, vân vê tà áo sọc, cười cười". Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với con gái sau khi Thuận bị bắt, cha nữ giáo viên này cũng đã từng khuyên con hãy thành thật. Và Thuận, đã khai.
Sau này, trước các luật sư, Thuận vẫn thừa nhận quá trình làm việc với các điều tra viên khá thoải mái, dễ chịu. Điều tra viên Hiếu kể: "Vì bận đánh án nên sau một tuần tôi mới vào hỏi Thuận. Thị nhìn thẳng vào tôi, nói: "Em thấy nhớ anh!".
Tôi sững người, cảnh giác rồi nghiêm mặt hỏi: "Là ý gì vậy?", Thuận vội giải thích: "Nhớ vì anh là cầu nối duy nhất của em với thế giới bên ngoài lúc này, nhớ như với một người bạn". Tôi thở phào. Nói gì thì nói, thị vẫn đại diện cho phụ nữ, còn tôi đại diện cho đàn ông của cả thế giới, trong căn buồng cung chật chội ấy".
Những diễn biến chính của vụ án:
Sáng 20/1/2008, trong lúc ăn sáng, Thuận nhờ Hà đốt nhà anh Hưng cho bõ tức. Sau đó còn nhờ thêm cả Hoàng Hải Tiệp.
3h ngày 25/1/2008, Hà cảnh giới bên ngoài, còn Tiệp đổ xăng vào nhà anh Hưng qua khe sắt cửa nhà nhưng không được vì có rèm vải che.
Hà vào nhà Thuận, lấy chiếc thước hình hộp rỗng giữa rồi luồn chiếc thước qua khe cánh cửa, Tiệp rót xăng vào chiếc thước. Sau khi đổ hết can xăng, Tiệp châm diêm đốt rồi cả hai chạy vào nhà Thuận.
Khi nhà cháy Hà gọi điện báo cho anh Tuấn và cho Thuận. Tiệp có gọi điện thoại cho 114 báo cháy nhưng ngắt máy ngay sau khi kết nối.
Ngày 31/12/2008, cả Thuận, Hà và Tiệp đều bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Hà Nội bắt tạm giam.
Do người bị hại - anh Nguyễn Chí Hưng là quân nhân nên vụ án được chuyển sang Cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng. Trong 2 ngày 3 và 4/8/2010, Tòa sơ thẩm Tòa án Quân sự Quân khu Thủ đô đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án với các mức hình phạt tù chung thân đối với bị cáo Nguyễn Thị Thuận, 20 năm tù giam đối với Bùi Tiến Hà và 18 năm tù giam đối với Hoàng Hải Tiệp.
Ngày 9/8/2010, cả 3 bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đòi minh oan.
Ngày 18/8/2010, ông Bùi Tiến Lực (cha đẻ của nạn nhân Bùi Thị Thu Hà) và bà Hoàng Thị Huỳnh (mẹ đẻ của nạn nhân Nguyễn Chí Hưng) đã kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị áp dụng các tình tiết tăng nặng: giết người có tổ chức, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng để tuyên phạt bị cáo Thuận với mức án tử hình, Hà chung thân và Tiệp từ 20 đến 23 năm.
Trong các ngày 31/11 và 1/12 Tòa phúc thẩm Tòa án Quân sự Trung ương đã tiến hành xét xử phúc thẩm, tuyên y án chung thân đối với Nguyễn Thị Thuận.