Hình ảnh cảnh sát trật tự Hà Nội sử dụng xe đạp đi tuần tra đang nhận được sự quan tâm, thiện cảm của người dân.
Trên Zing.vn và fanpage, các bài viết liên quan về chủ đề này nhận được hàng nghìn lượt thích (like) và bình luận (comment). Hầu như ai cũng ủng hộ về hình ảnh hoàn toàn mới của các chiến sĩ công an TP Hà Nội.
Cảnh sát tuần tra bằng xe đạp ở Hà Nội. Ảnh: Việt Đức - Chi Toàn. |
Theo các độc giả, ưu điểm lớn nhất của mô hình này là cảnh sát khu vực không chỉ đảm bảo tốt an ninh cho xã hội, mà còn có thể thăm hỏi, tuyên truyền đến từng nhà dân dù trong ngõ, hay hẻm sâu.
Công an phường là đơn vị gần dân nhất, tiếp xúc và xử lý hàng ngày các vấn đề liên quan đến an ninh, ổn định trật tự, hộ khẩu, công tác vận động, tuyên truyền… trên địa bàn quản lý. Do đó, các chiến sĩ cần đến từng nơi, ngóc ngách của tổ dân phố để hoàn thành nhiệm vụ.
Cảnh sát sử dụng phương tiện cơ giới khó khăn trong việc đi lại, nhất là các địa bàn dân cư đông đúc như ở Hà Nội, đi bộ thì quá vất vả. Vì thế, xe đạp là phương tiện phù hợp nhất.
Khi cán bộ đi xe máy lướt qua nhà dân, 2 bên không kịp giao tiếp. Ngược lại, cảnh sát khu vực đi bằng xe đạp, 2 bên sẽ thấy gần gũi và dễ bắt chuyện. Khoảng cách giữa dân và quân sẽ không còn. Người dân cần sự hỗ trợ từ cảnh sát cũng thuận tiện hơn.
Ưu điểm khác, cảnh sát khu vực sử dụng xe đạp tuần tra còn giúp các chiến sĩ rèn luyện sức khỏe, đảm bảo môi trường trường xanh, tiết kiệm chi phí.
Nhiều người cho rằng đây là quyết định đúng đắn của Công an Hà Nội. Tuy nhiên, việc cảnh sát tuần tra bằng xe đạp không phải hiếm. Trước Hà Nội, Công an TP Đà Nẵng, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) và Thanh Hóa cũng được trang bị xe đạp để đi làm nhiệm vụ.
Trên thế giới, cảnh sát ở nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật,… đều sử dụng xe đạp là phương tiện để tuần tra. Tuy nhiên, mô hình này chưa thể hiện rõ ưu điểm vượt trội khi triển khai ở Hà Nội.
Vì thế, thời gian đầu Công an TP Hà Nội thí điểm ở 12 phường của quận nội thành trong 3 tháng để ghi nhận ý kiến trước khi triển khai trên diện rộng.
Cảnh sát trật tự công an của 12 phường thuộc 12 quận Hà Nội sử dụng xe đạp chuyên dụng để thực hiện nhiệm vụ vào sáng 12/8. Ảnh: Việt Đức - Chi Toàn. |
Tuy nhiên, nhiều độc giả cũng ra lo lắng trường hợp cảnh sát đi xe đạp nếu gặp cướp sẽ xử lý như thế nào? Câu hỏi tương tự này cũng được đặt ra khi đội thanh niên xung phong được trang bị patin tuần tra phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP HCM).
Tình huống này được cho là hợp lý, tuy nhiên, nhiều bạn đọc phản hồi rằng công an phường có nhiều tổ. Cảnh sát khu vực tuần tra bằng xe đạp sẽ phạt những lỗi nhẹ, hành chính, quấy rối trật tự,… Còn đối với cướp giật, thì nhờ trợ giúp từ các đội còn lại trong phường, tổ công tác 141, công an quận,...
Cũng trả lời cho câu hỏi trên, một số độc giả đặt vấn đề: Tại sao nhiều người không phân biệt được công việc của các chiến sĩ công an cấp phường? Họ là cảnh sát trật tự, không phải lực lượng cảnh sát cơ động. Bắt cướp không phải là việc một cá nhân, mà phải phối hợp với các lực lượng chuyên môn khác.
Cảnh sát đi tuần bằng xe đạp tạo hình ảnh đẹp thân thiện với người dân được nhiều nước áp dụng và duy trì. Một số người dân góp ý, xe dành riêng cho lực lượng này cần phải cải tiến như xe chuyên dụng dành cho cảnh sát ở các nước khác.
Xe cần có bộ đề tốc (như xe đạp thể thao/địa hình/xe đua), cải tiếp líp 5 tầng, đĩa 2 tầng,… để các chiến sĩ có thể linh hoạt ứng phó trong các tình huống. Giả sử, nếu có vụ trộm cắp, cảnh sát có thể tăng tốc truy bắt như xe của cảnh sát các nước.
Việc tuần tra bằng xe đạp tạo hình ảnh thân thiện với người dân, nhưng nếu đi giày tây và đội mũ kêpi sẽ gây bất tiện, không đảm bảo an toàn giao thông. Do đó, cảnh sát khu vực cần có trang phục riêng để phù hợp với hoạt động công việc.
Thay vì mũ kêpi, các chiến sĩ nên đội mũ mũ bảo hiểm vừa bảo đảm an toàn vừa tuyên truyền ý thức cho người dân.