![]() |
Thuật ngữ kỹ thuật cho khoảnh khắc trong bức ảnh này là “sự kết hợp”, nhưng người ta thường gọi nó là “nụ hôn Shinkansen”. Ảnh: Oliver Hattwig/Alamy. |
Trong bối cảnh Tokyo, Kyoto và Osaka trở thành những điểm đến “kinh điển” của du khách quốc tế khi tới Nhật Bản, việc tìm kiếm một nơi mới mẻ, ít người biết đến ngày càng khó khăn. Thế nhưng, chỉ cần đi thêm vài giờ về phía bắc thủ đô, du khách sẽ bắt gặp một thành phố yên bình, nơi có thể thưởng thức ẩm thực đặc sắc giữa khung cảnh núi lửa phủ tuyết - đó chính là Morioka.
Nằm ẩn mình giữa vùng Tohoku, Morioka từ lâu được biết đến với thử thách ăn mì Wanko Soba độc đáo và các lễ hội mùa hè rộn ràng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng ngay trong nhà ga trung tâm của thành phố này lại diễn ra một "hiện tượng" đặc biệt, được những người yêu thích tàu hỏa trên toàn thế giới gọi bằng cái tên trìu mến: “nụ hôn Shinkansen”.
Mỗi ngày 17 lần, tại sân ga Morioka, đoàn tàu Shinkansen Hayabusa màu xanh ngọc từ tuyến Tohoku sẽ tiến vào và dừng lại, chờ đợi “người bạn đồng hành” - tàu Komachi màu đỏ tươi từ tuyến Akita - từ từ trườn đến, dọc theo cùng đường ray.
Trong khoảnh khắc đó, phần đầu của hai đoàn tàu sẽ mở ra và kết nối với nhau, tạo thành một mũi tàu liền mạch, như thể hai "người bạn" đang trao nhau một nụ hôn.
Về mặt kỹ thuật, quá trình này được gọi là "coupling", tức ghép nối các đoàn tàu lại với nhau. Nhưng với người đam mê tàu hỏa, khoảnh khắc ấy mang ý nghĩa vượt xa tính năng vận hành, là biểu tượng, là nghệ thuật cơ khí kết hợp cùng cảm xúc.
![]() |
Người Nhật tự hào về tàu Shinkansen bóng bẩy giống như tàu vũ trụ. Chúng nổi tiếng là nhanh, đáng tin cậy và được thiết kế đẹp mắt. Ảnh: Shirokuma Muragon. |
Carissa Loh, một người yêu tàu hỏa đến từ Singapore, đã nhiều lần tới Morioka để tận mắt chiêm ngưỡng cảnh tượng này. Cô mô tả: "Đây là một hình ảnh mang tính biểu tượng của Shinkansen - hai đoàn tàu nối mũi với nhau. Bất kỳ ai yêu thích tàu hỏa Nhật Bản đều dễ dàng nhận ra ngay".
Tại Nhật, văn hóa tàu hỏa không đơn thuần là phương tiện di chuyển mà là một phần đặc trưng trong đời sống.
Người hâm mộ tàu được chia thành hai nhóm chính: nori-tetsu (những người thích đi tàu) và tori-tetsu (những người thích chụp ảnh tàu). Mỗi tháng, lịch trình toàn bộ các chuyến tàu sẽ được công bố trong một cuốn cẩm nang dày. Đây cũng là kim chỉ nam để họ xác định thời gian, địa điểm lý tưởng cho hành trình hoặc "săn" được bức ảnh ưng ý nhất.
Đặc biệt, trẻ em Nhật Bản, nhất là các bé trai rất yêu thích Shinkansen. "Nhiều bé khi được hỏi lớn lên muốn làm nghề gì sẽ trả lời rằng chúng muốn làm lái tàu Shinkansen. Các em còn phân biệt được các loại tàu thông qua màu sắc và hình dáng", Loh kể.
Ở ga Morioka, không hiếm cảnh cha mẹ dẫn con đến sân ga chỉ để xem “nụ hôn” ấy.
![]() |
Tàu Hayabusa màu xanh ngọc lam, là tàu nhanh nhất trong mạng lưới, kéo theo tàu Komachi màu đỏ. Ảnh: Shirokuma Muragon. |
Theo Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East), mạng lưới Shinkansen hiện phục vụ khoảng 14 triệu lượt hành khách mỗi ngày, kết nối Tokyo với các vùng khác nhau của đất nước. Cảnh “hôn nhau” giữa tàu Hayabusa và Komachi không chỉ mang tính biểu tượng mà còn đóng vai trò thực tiễn giúp hành khách di chuyển suốt hành trình từ Akita đến Tokyo mà không cần đổi tàu.
Morioka là một trong ba nhà ga ở Nhật có thể chứng kiến khoảnh khắc này, bên cạnh Sendai và Fukushima. Nhưng chỉ tại đây, du khách mới có cơ hội chiêm ngưỡng màn ghép nối rực rỡ giữa hai đoàn tàu màu xanh và đỏ - một “cái hôn” sống động của kỹ thuật và nghệ thuật.
Cũng tại Morioka, du khách có thể chứng kiến cảnh tượng ngược lại khi hai tàu tách ra và di chuyển theo hai hướng riêng biệt, để lại một cảm giác tiếc nuối xen lẫn ấn tượng.
![]() |
Mạng lưới Shinkansen kết nối khu vực đô thị Tokyo với nhiều vùng khác nhau của đất nước, phục vụ khoảng 14 triệu hành khách mỗi ngày. Ảnh: Ameba. |
Đại diện JR East chia sẻ với CNN: "Một trải nghiệm xúc động khi thấy những chuyển động cơ học mượt mà, chính xác của đoàn tàu khổng lồ dưới sự điều khiển tinh tế của người lái tàu".
Mặc dù chỉ có khoảng 290.000 dân, Morioka đang dần thoát khỏi cái bóng là một điểm dừng chân ít người biết đến. Năm 2023, thành phố này bất ngờ xếp thứ hai trong danh sách "52 điểm đến nên ghé thăm" của The New York Times, chỉ sau London.
Tờ báo mô tả nơi đây là một viên ngọc có thể khám phá bằng cách đi bộ, không chen lấn và chỉ cách Tokyo một chuyến tàu ngắn.
Ngoài "nụ hôn Shinkansen", Morioka còn hấp dẫn du khách với kiến trúc cổ kính, các cửa hàng thời trang nhỏ xinh và đặc sản mì trứ danh. Với những trải nghiệm đặc biệt, nơi đây có tiềm năng trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn cho các thành phố du lịch phía nam như Kyoto hay Osaka.
Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?
Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu nội dung buổi chia sẻ của tác giả Đặng Hoàng Giang về quan điểm du lịch đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.
> Đọc tiếp: Hệ luỵ của du lịch 'sống ảo'