Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Cảnh trái ngược tại loạt khách sạn Côn Đảo sát lễ 30/4

Công suất buồng phòng chạm ngưỡng tối đa chỉ diễn ra rải rác ở một số cơ sở lưu trú có mức giá phải chăng ở Côn Đảo. Số khác tỷ lệ lấp đầy chỉ rơi vào khoảng 50% vào dịp lễ 30/4.

Nhiều du khách lựa chọn Côn Đảo là điểm đến nghỉ dưỡng kín đáo, riêng tư. Ảnh: Six Senses Con Dao.

Theo một số đơn vị kinh doanh lưu trú, lượng khách hàng của họ giảm sâu mặc cho giai đoạn cao điểm du lịch sắp bắt đầu.

"Việc sụt giảm lượng du khách đến với Côn Đảo, kể cả vào giai đoạn cao điểm như mọi năm, là dấu hiệu rõ nét nhất khi Bamboo Airways dừng bay đến đảo. Ít chuyến bay, giá vé máy bay quá cao trong giai đoạn tháng 4 gây ảnh hưởng đến nhu cầu của du khách", bà Lê Thị Ngọc Cương, Giám đốc phòng Kinh doanh và Truyền thông khách sạn The Secret Côn Đảo, nói.

Trong dịp nghỉ lễ kéo dài 5 ngày sắp tới, công suất buồng phòng tại một số khách sạn ở Côn Đảo không đồng đều. Tình trạng kín phòng chỉ diễn ra rải rác, có nơi tỷ lệ lấp phòng đạt 80-90%. Trong khi đó, một số nơi khác chỉ rơi vào khoảng 50%.

Khách sạn hạng sang vắng khách

Tại cơ sở lưu trú hạng sang như The Secret Côn Đảo, đơn vị này ghi nhận công suất buồng phòng chỉ đạt tầm 50% cho giai đoạn trước 1/5 và thấp hơn vào sau ngày 1/5. Con số này giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước tỷ lệ lấp đầy phòng chưa đạt như kỳ vọng, bà Ngọc Cương cho rằng đây là một thực trạng đáng buồn cho khách sạn và cả ngành du lịch tại Côn Đảo.

Tương tự, một số khách sạn phân khúc cao cấp khác như The Mystery Condao Hotel hay hạng phòng view núi ở Marina Bay Côn Đảo Hotel vẫn còn nhiều phòng trống dịp 30/4 - 1/5.

Riêng Six Senses Côn Đảo, resort 5 sao này vẫn còn trống nhiều căn villa tầm nhìn hướng biển đẹp, có hồ bơi riêng trong giai đoạn ngày 27/4 - 1/5 như Ocean view Duplex Pool Villa, Beachfont Duplex Pool Villa, Beachfont Deluxe Pool Villa với giá dao động 18,9-24,9 triệu đồng/căn (đã bao gồm thuế, phí).

Đại diện Six Senses Côn Đảo cho biết mỗi hạng tối đa là 2 người lớn/căn kèm dịch vụ đưa đón sân bay 2 chiều bằng xe chung.

Trong khi đó, công suất phòng tại một số khách sạn có mức giá phải chăng có phần khả quan hơn. Ví như Velar Hotel - Côn Đảo, Con Son Victory Hotel, Tan Son Nhat Con Dao Resort, Golden Rose Hotel, Con Son Hotel đều đã đạt trên 90% tỷ lệ lấp phòng vào các ngày lễ 30/4 - 1/5.

Riêng cơ sở lưu trú nằm cách xa trung tâm như Garden House Con Dao được du khách lựa chọn nhiều hơn. Đơn vị này kín toàn bộ phòng ngày 28-29/4, chủ cơ sở chia sẻ với Tri Thức - Znews sáng 24/4.

Tương tự, bất chấp giá vé máy bay ra đảo tăng cao, việc di chuyển bằng tàu gặp nhiều hạn chế, lượng khách đặt phòng lưu trú dịp lễ tại Velar Hotel vẫn khá cao, theo ông Lân Nguyễn, tổng quản lý cơ sở này. Điều này phần nào cho thấy nhu cầu của du khách tới khám phá Côn Đảo vẫn nhiều, tuy nhiên ưu tiên lựa chọn nơi ở tiết kiệm.

Hiện, ngoài lượng khách du lịch tâm linh, Côn Đảo còn thu hút đa dạng nhóm khách từ nhiều vùng miền khác, kể cả khách nước ngoài. Đa phần lữ khách đến với đảo với mong muốn khám phá và trải nghiệm những vùng đất thiên nhiên hoang sơ, mang đậm dấu ấn lịch sử.

Tàu cao tốc chưa thể là "cứu cánh"

Về giá vé tàu đến Côn Đảo, theo trang web chính thức của tàu cao tốc Superdong ngày 23/4, chiều đi xuất phát từ Trần Đề (Sóc Trăng) vào ngày 27-28/4 của hãng đã kín chỗ tất cả khung giờ.

Nhưng bắt đầu từ ngày 29/4 trở đi, du khách vẫn có thể thong thả lựa chọn các hạng vé. Riêng chiều về ngày 30/4 ở 2 khung giờ 13h30, 15h đã hết vé. Giá vé tại hãng này là 370.000 đồng/người lớn và 280.000 đồng/trẻ em từ 6-11 tuổi tính theo năm sinh.

Còn hướng đi từ Vũng Tàu tại Phu Quoc Express, hiện tại duy nhất ngày 28/4 đạt 100% vé đã mua. Thậm chí, du khách từ Vũng Tàu vẫn có thể mua vé vào ngày lễ chính (30/4 hay 1/5) để ra đảo vi vu.

Thông tin sắp ra mắt tàu cao tốc với sức chứa hơn 1.000 hành khách/lần đi từ TP.HCM đến Côn Đảo là một tín hiệu tích cực cho du lịch tại Côn Đảo.

Tuy nhiên, từ góc nhìn kinh doanh khách sạn, bà Ngọc Cương của The Secret Côn Đảo cho rằng thời gian di chuyển trên tàu kéo dài đến gần 6 tiếng, tỷ lệ khách say sóng và không thể tận hưởng được kì nghỉ sẽ rất cao. Khách có thể trải nghiệm lần đầu nhưng khó có thể chọn lựa cho các lần du lịch sau.

Đồng thời, việc di chuyển bằng phương tiện này bị ảnh hưởng rất nhiều bởi yếu tố thời tiết, không liên tục và hoạt động nguyên năm, đặc biệt là giai đoạn mùa gió, mưa.

Còn đối với tổng quản lý Velar Hotel, tàu siêu tốc phục vụ hơn 1.000 khách/chuyến là một phương án tốt để ngành du lịch Côn Đảo có thêm lượng khách ổn định từ miền Nam, nhưng không giải quyết được hoàn toàn bài toán di chuyển, nhất là dành cho du khách miền Bắc, đặc biệt 90% lượng khách tham quan đến Côn Đảo là từ tỉnh thành phía Bắc, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam vào năm 2020.

"Đó là chưa kể việc di chuyển bằng tàu đến đảo phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, đặc biệt là những tháng gió. Lúc đó tất cả các tàu cũng như dịch vụ, tour biển sẽ 'đóng băng'. Nhưng máy bay thì khác. Khi cất hạ cánh có thể gặp gió một chút, nhưng vẫn có thể đến đảo nhanh chóng, cho dù là từ các tỉnh/thành phố phía Bắc", ông Lân nói với Znews.

Chủ cơ sở Garden House Con Dao cũng có góc nhìn tương tự. Người này nhận thấy các tàu siêu tốc lại mang đến một lượng khách không nhỏ cho đơn vị cũng như khách sạn tầm trung trên đảo. Bà lấy ví dụ về sự kiện siêu tàu Thăng Long vận chuyển 1.000 khách đến Côn Đảo.

"Các tàu cao tốc sẽ đưa khách từ Vũng Tàu, TP.HCM đến đảo. Còn tệp khách khu vực miền Bắc đa phần là dòng khách có mức chi tiêu cao. Họ sẽ lựa chọn khách sạn phân khúc cao hơn chúng tôi", vị này nói.

Phương tiện di chuyển đến đảo bị co hẹp, lượng khách giảm buộc chủ các cơ sở kinh doanh phải hạ giá phòng như một cách thức thu hút du khách.

Bà Ngọc Cương nhận định giá phòng tại cơ sở trong giai đoạn ngày lễ rất cạnh tranh. Các đơn vị hầu như không tăng giá để du khách cân nhắc đặt phòng cho dịp lễ, bên cạnh sự khan hiếm về vé. Ngoài ra, đơn vị còn chủ động tạo ra nhiều gói phòng ưu đãi nhằm tạo sự thu hút hơn cho du khách trong giai đoạn lễ 30/4.

"Giá vé máy bay đến Côn Đảo cao hơn so với các điểm đến nội địa khác là một sự thiệt thòi cho du lịch địa phương", bà Cương nói.

Ngoài ra, ông Lân Nguyễn còn đề xuất phương án để có thể "cứu cánh" và tăng thêm lượng khách đến Côn Đảo ngay bây giờ chính là phải có thêm các hãng bay khác vào khai thác, hoặc Vietnam Airlines cùng các ban nghành liên quan cần phải có những gói hỗ trợ du lịch nhằm kích cầu du khách đến Côn Đảo.

"Xa hơn nữa, tôi hy vọng sân bay tại Côn Đảo được nâng cấp để phù hợp hơn cho nhiều loại tàu bay khác nhau. Biết rằng ngành hàng không cũng đang gặp nhiều khó khăn về giá thành nhiên liệu, số lượng tàu bay..., nhưng nếu không có đơn vị nào chịu cùng nhau ngồi lại để có tiếng nói chung và đưa ra những phương án phù hợp cho tất cả các bên thì chắc chắn nghành du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Côn Đảo nói riêng sẽ gặp nhiều vấn đề", ông Lân nhận định.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Công ty lữ hành 'bốc hơi' 90% khách đến Côn Đảo dịp nghỉ lễ 30/4

Bamboo Airways dừng khai thác đường bay Hà Nội - Côn Đảo khiến ngành du lịch địa phương lao đao. Nhiều doanh nghiệp nỗ lực tìm cách thu hút du khách.

Phú Quốc có lặp lại kịch bản ế khách nội dịp 30/4?

"Ế ẩm", "giá cả trên trời", "250.000 đồng một đĩa thịt kho"... là những gì du khách nội địa nói về Phú Quốc trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm ngoái.

Tường Vi

Bạn có thể quan tâm