Người đàn ông 82 tuổi từng là một trong 36 nhân vật tiêu biểu của Hà Nội dịp 1.000 năm Thăng Long có sở thích đạp xe từ nhà lên hồ Gươm mỗi ngày chỉ để sáng tác ảnh cho vui.
|
Ở tuổi 82, khi những người bạn đồng niên vui vầy bên con cháu, hàng ngày tưới nước, trồng hoa, chơi chim cảnh... thì cụ ông được bạn bè gọi vui là cao bồi nhiếp ảnh ngày ngày lóc cóc đạp xe từ khu tập thể Nguyễn Công Trứ lên hồ Gươm chụp ảnh.
|
|
Cụ là Nguyễn Tấn Vinh (82 tuổi). Sau nhiều năm cống hiến cho xã hội trong quân đội, ngành giáo dục, ngành công nghiệp, cụ đã trở thành một nghệ sĩ đường phố. Hàng ngày, cụ làm bạn với chiếc máy ảnh, ghi lại những khoảnh khắc đời thường mà mình yêu thích. |
|
Nhiều người biết đến cụ qua những bức ảnh đầy ngẫu hứng. Còn trong cuộc sống, tay máy này lại rất giản dị và lặng lẽ. Cụ cùng bà Phạm Thị Bích Hằng (75 tuổi) nên duyên vợ chồng lúc bà làm giáo viên cách nay đã 51 năm. Hai vợ chồng sinh được 2 người con. |
|
Hàng ngày, bà Hằng dậy sớm đi chợ, rồi cơm nước sớm chiều cho cả nhà. Cụ Vinh thời trẻ rời nhà nước sớm nên không có chế độ khi về già. Hiện cả hai ông bà sống bằng lương hưu vợ và tiền trợ cấp cao tuổi. Bà Hằng thích ảnh và thích được chụp ảnh nên cứ mỗi lần cụ Vinh đi chụp về, cả hai vợ chồng cùng xem và chọn ảnh.
|
|
Đúng 15h30 hàng ngày (trừ hôm mưa gió, ốm đau), cụ Vinh lại sửa soạn ra khỏi nhà đi sáng tác ảnh. |
|
Để có được khoảnh khắc tốt, thông thường các nghệ sĩ sử dụng xe đạp, vừa dễ quăng quật, không lo mất trộm, vừa được đi chầm chậm để quan sát mọi sự vật, hiện tượng xung quanh mình. |
|
Cao bồi già 82 tuổi khiêm tốn tự nhận mình là một tay máy trẻ và còn phải học hỏi rất nhiều. "Mỗi ngày tôi lại tiếp nhận thêm một chút kiến thức về nghệ thuật nhiếp ảnh. Lúc nào cũng thấy mình là học trò…”, cụ Vinh vui vẻ nói. |
|
Lớn tuổi, lại có khả năng thuyết phục và trò chuyện với nhân vật, tay máy không gặp nhiều khó khăn khi tác nghiệp ảnh đường phố. |
|
Hết đi phố lại đạp xe loanh quanh trong ngõ. Ở tuổi 82 mà vẫn nhanh nhẹn và chuyên nghiệp như một tay máy trẻ, cụ được anh em bạn bè, đồng nghiệp mệnh danh là "gã cao bồi già làng nhiếp ảnh". |
|
Bỏ qua chướng ngại tuổi già, quên đi tình trạng mắt mờ, chân chậm, cụ vẫn ngày ngày miệt mài học và giao lưu công nghệ bằng tất cả những gì mình có.
|
|
Cha cụ - nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Trung từng là một trong những người tiếp thu kỹ thuật nhiếp ảnh rất sớm và là người được chọn chụp ảnh cho vua Khải Định. Ông cụ cũng từng đưa cả gia đình vào Vinh (Nghệ An) lập ra hai hiệu ảnh Vinh Photo và Gia Thọ Photo. “Tôi nghĩ lại, ông cụ làm được việc đó thì mình cũng thử xem thế nào, dù là muộn”, cụ Vinh nói.
|
|
Cụ Vinh cho biết, bức ảnh hồ Gươm treo trong nhà là tác phẩm đầu tiên cụ chụp bằng máy kỹ thuật số vào mùa đông năm 2008 sau mấy chục năm dùng máy film. Chiếc máy được mua bằng tiền lương hưu tiết kiệm của cả hai vợ chồng nên cụ rất quý. Bức ảnh này được vinh dự làm ảnh chọn của website Xóm nhiếp ảnh. Cụ giữ nó cho đến tận bây giờ để làm kỷ niệm và đặt dưới tấm huân chương lao động của mình.
|
|
Với nhiếp ảnh gia cao bồi, nhiếp ảnh còn là nơi để cụ thỏa mãn ước mơ cháy bỏng cụ đã mang theo trong suốt quãng đời trai trẻ, nhưng vì nhiều lý do chưa thể thực hiện là được làm một công việc gì đó liên quan đến nghệ thuật. |
|
Bước chân vào chuyên nghiệp nhiếp ảnh mới chỉ 8 năm nhưng các tác phẩm về hồ Gươm của cụ đã lên đến…vài chục nghìn tấm. Tự nhận quỹ thời gian của mình còn lại không đủ để cống hiến nhưng cuộc sống lại có quá nhiều điều hấp dẫn, do đó cụ muốn dùng hết tâm sức còn lại để lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ của thủ đô nói chung và hồ Gươm nói riêng. |
|
Đã thành thói quen, hầu như ngày nào cụ cũng đăng tải lên mạng khoảng 70 tác phẩm. Hôm nào ảnh thiếu hay không online là có người hỏi thăm: "Sao hôm nay ông đăng ít ảnh thế, có phải ông bị ốm không"? Gốc gạo hồ Gươm được gọi vui là "trụ sở của cụ Vinh".
|
|
Những ai dù lạ dù quen khi gặp cụ bên hồ Gươm đều ánh lên nét hồ hởi, từ đó xuất hiện những cái bắt tay đầy phóng khoáng. Nhiều người thế hệ trẻ tỏ ra ngưỡng mộ tinh thần của cụ. |
Cụ Nguyễn Tấn Vinh (sinh năm 1934), một trong những nhân vật tiêu biểu được Nhà xuất bản Hà Nội vinh danh “36 con người Hà Nội” xuất bản nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Câu chuyện về ông lão chụp ảnh biệt danh "Cao bồi Hồ Gươm" âm thầm lan truyền đến với những người yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp, yêu Hà Nội, yêu Hồ Gươm. Trang mạng xã hội cá nhân của cụ Vinh đã có đến hơn 5.000 bạn bè. Giờ đây, trong những chuyến dạo bộ quanh hồ, cụ đã không còn đơn độc. Nhiều người khi gặp cụ trên hồ, dù lạ dù quen cũng đều ánh lên nét hồ hởi. Có bạn trẻ tỏ ra rất ngưỡng mộ cụ.