Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) đang chịu gạch đá dư luận sau khi thông tin một nữ nhân viên tố cáo bị cưỡng hiếp được công khai trên mạng.
Trong bài viết 11 trang, ban đầu đăng trên web nội bộ của công ty, cô kể rằng mình bị quản lý nam ép uống rượu trong sự kiện với khách hàng vào cuối tháng 7. Cô bị khách hàng sàm sỡ và sau đó bị sếp tấn công tình dục.
Dù đã báo cáo vụ việc với các quản lý cấp cao vào 2/8, cô cho biết không ai có hành động gì sau đó, theo Quartz.
Ngày 9/8, Daniel Zhang, CEO của Alibaba, thông báo rằng tập đoàn đã sa thải người quản lý sau khi anh ta thừa nhận có "hành động thân mật" với nữ nhân viên khi cô say rượu.
Hai quản lý cấp cao cũng từ chức và giám đốc nhân sự bị khiển trách vì không kịp thời phản hồi lời tố cáo.
"Tập đoàn Alibaba có chính sách không khoan nhượng với các hành vi quấy rối tình dục. Đảm bảo an toàn cho nhân viên là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi", người phát ngôn của tập đoàn khẳng định. Cảnh sát đã bắt đầu điều tra sự việc.
Bê bối tại tập đoàn Alibaba vạch trần sự phân biệt giới tính trong ngành công nghệ. Ảnh: Reuters. |
Sự tình dục hóa phụ nữ trong giới công nghệ
Vụ bê bối tại Alibaba tăng nhiệt cho phong trào #MeToo, bùng lại tại Trung Quốc sau khi Ngô Diệc Phàm bị cảnh sát bắt giữ vì cáo buộc cưỡng hiếp.
Vụ việc cũng làm dấy lên cuộc thảo luận về sự phân biệt giới tính cố hữu tại các tập đoàn lớn nhất Trung Quốc. Zhang cũng thừa nhận vấn đề này với các Aliren (cách tập đoàn gọi nhân viên):
"Mối quan tâm sâu sắc của mọi người không chỉ đến từ sự đồng cảm với đồng nghiệp bị hại mà cả nỗi thất vọng với văn hóa làm việc tại Alibaba.
Đây là một sự việc đáng xấu hổ với tất cả Aliren. Chúng ta phải thay đổi và xây dựng lại. Thay đổi chỉ có thể xảy ra nhờ hành động của mỗi người, bắt đầu từ vị trí cao nhất, chính là tôi. Xin hãy chờ đợi và theo dõi".
Trong các cuộc thảo luận trực tuyến, nhiều người chú ý đến chi tiết tên quản lý đùa cợt với khách hàng rằng anh ta đem theo "người đẹp" đến sự kiện. Điều này thể hiện cách ngành công nghệ tiếp tục coi phụ nữ như công cụ tình dục.
Năm 2015, nhiều công ty công nghệ tại Trung Quốc thuê "cổ động viên" nữ để thúc đẩy tinh thần các lập trình viên, phần lớn là nam.
Năm 2017, một video lan truyền trên mạng cho thấy các nhân viên nữ của công ty Tencent dùng răng để mở chai nước đặt giữa chân đồng nghiệp nam trong trò chơi tại tiệc đêm giao thừa. Tencent đã xin lỗi và tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ hơn các sự kiện.
Nhiều công ty công nghệ khác tại Trung Quốc chịu chỉ trích vì có hành vi phân biệt giới tính. Ảnh: Bloomberg. |
Năm 2018, báo cáo của Human Rights Watch chỉ ra những quảng cáo tuyển dụng phân biệt giới tính từ các công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm Alibaba, Baidu và Tencent.
Những quảng cáo này hứa hẹn ứng viên rằng họ có thể làm việc với “mỹ nữ” và “nữ thần”. Các công ty xin lỗi và hứa sẽ xem xét quảng cáo cẩn thận hơn trong tương lai.
Năm 2020, Airbnb mở cuộc điều tra sau khi các nhân viên nữ ở Trung Quốc khiếu nại với ban lãnh đạo Mỹ về hành vi sai trái của một lãnh đạo cấp cao, bao gồm chấm điểm ngoại hình phụ nữ.
Nhiều người dùng mạng lên án văn hóa ép uống rượu của doanh nghiệp. Cấp trên hoặc khách hàng thường ép nữ nhân viên trẻ uống rượu khi đi ký hợp đồng hoặc để thể hiện sự tôn trọng.
“Dù cuộc điều tra của cảnh sát có đem lại diễn biến mới cho vụ việc Alibaba hay không, văn hóa ép uống rượu tồi tệ của Trung Quốc đã tồn tại hơn một thập kỷ. Hy vọng những lời chỉ trích lần này sẽ mang lại thay đổi”, một blogger viết trên mạng xã hội Weibo.
Tác động của #MeToo
Kể từ khi phong trào #MeToo bắt đầu trên toàn cầu, phụ nữ ở Trung Quốc cũng đã lên tiếng chia sẻ trải nghiệm bị quấy rối tình dục ở trường học hoặc nơi làm việc.
Bước ngoặt gần đây có thể kể đến việc Trung Quốc cho phép phụ nữ nộp đơn kiện dân sự về quấy rối tình dục. Đầu năm nay, một nguyên đơn đã thắng kiện trước đồng nghiệp.
Tuy vậy, các cuộc thảo luận về #MeToo bị kiểm duyệt và những phụ nữ chia sẻ trải nghiệm bị quấy rối tình dục đã phải đối mặt với các cáo buộc phỉ báng.
Sự kiện những tháng gần đây cho thấy quan điểm về nữ quyền đã có tác động nhất định.
Năm 2018, khi một cô gái Trung Quốc du học ở Mỹ tố cáo ông trùm Richard Liu, CEO của tập đoàn thương mại điện tử JD.com, tội cưỡng hiếp, cô đã bị nhiều người dùng mạng sỉ nhục.
Liu khăng khăng rằng hai người quan hệ có đồng thuận và các công tố viên không có đủ bằng chứng để buộc tội anh ta. Một vụ kiện dân sự chống lại Liu đang tiếp tục diễn ra.
Phong trào #MeToo đã có tác động nhất định lên các vụ quấy rối tình dục. Ảnh: VOA. |
Trong khi đó, với vụ bê bối của Ngô Diệc Phàm và Alibaba, nhiều người trên mạng đồng loạt ủng hộ những phụ nữ đứng ra tố cáo.
Một số công ty công nghệ từng xảy ra nhiều vụ phân biệt giới tính trước đây đã có động thái cải thiện văn hóa nội bộ.
“Chúng tôi không chấp nhận hành vi quấy rối dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm quấy rối tình dục. Chúng tôi có các kênh để nhân viên chia sẻ lo ngại hoặc trải nghiệm của họ với độ bảo mật cao. Nếu vụ việc nghiêm trọng, chúng tôi sẽ không ngần ngại báo cáo lên cơ quan thực thi pháp luật”, Tencent nói về chính sách chống quấy rối tình dục của họ.
Trong thư ngỏ, khoảng 6.000 nhân viên Alibaba đã thúc giục công ty thành lập một nhóm để xem xét các vụ tấn công tình dục, theo Wall Street Journal.
Zhang hứa sẽ thiết lập một kênh báo cáo cho những nhân viên nếu họ cảm thấy quyền của mình bị xâm phạm. Công ty cũng sẽ đào tạo về quyền nhân viên, bao gồm cả vấn đề quấy rối tình dục.
Ông cũng cho biết công ty “kiên quyết phản đối văn hóa ép uống rượu” và nhân viên có quyền từ chối yêu cầu trên, dù đó là từ khách hàng hay quản lý.
Dù Zhang cam kết "ban hành chính sách chống quấy rối tình dục, đảm bảo an toàn nơi làm việc cho nhân viên, không khoan nhượng với hành vi xâm hại”, nhiều người cho rằng Alibaba thực hiện việc này quá muộn.
Zhang Yiyu, nhà tâm lý học nổi tiếng, viết trên Weibo: “Tôi khá bất ngờ khi công ty không có chính sách chống quấy rối tình dục cho đến bây giờ. Tôi hy vọng sự việc tại Alibaba sẽ thúc đẩy nhiều công ty ban hành chính sách rõ ràng về khía cạnh này để bảo vệ nhân viên khỏi tội phạm tình dục”.