Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cao tốc thành đại công trường, phí vẫn thu đủ

Hơn tháng nay, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình rào chắn nhiều đoạn để thảm lại mặt đường gây ùn tắc, nguy hiểm cho phương tiện. Tài xế bức xúc còn chủ đầu tư "mong được thông cảm".

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (dài 56 km) được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thông xe tháng 6/2012. Đây là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, thuộc trục cao tốc Bắc-Nam, nối cửa ngõ thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Nam đồng bằng Bắc Bộ. Được thiết kế với vận tốc 120km/h nhưng thời gian đầu tốc độ tối đa trên tuyến là 100km/h.
Sau hơn 3 năm khai thác, tuyến đường xuống cấp, không đảm bảo tốc độ tối đa. Trong thông cáo phát đi, VEC cho hay, trước đây cao tốc chưa có lớp bê tông nhựa tạo nhám do nền đường chưa ổn định. Hiện, nền đường đã cơ bản ổn định nên VEC thi công lớp bê tông nhựa tạo nhám (hạng mục còn lại của dự án) nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn giao thông và êm thuận.
Điều này khiến hơn một tháng nay tuyến cao tốc dài hơn 50 km thành đại công trường, với hàng chục đoạn rào chắn thi công. Mặt đường bị thu hẹp còn chưa tới một nửa. Ôtô đi một đoạn lại phải đột ngột giảm tốc độ từ 80-100 km/h xuống còn 20-30km/h, nối đuôi nhau chạy.
Toàn tuyến được chia làm nhiều gói thầu do các nhà thầu đảm nhiệm. Tuy nhiên, tiến độ thi công chậm, nhân lực mỏng khiến quá trình sửa chữa đường kéo dài nhiều tháng. Nhiều đoạn được rào chắn nhưng không có công nhân hoặc có chỗ chỉ lác đác người và máy móc.
Theo một cán bộ giám sát, chỉ khi nào việc thảm bù vênh được tư vấn giám sát kiểm tra đạt yêu cầu chất lượng, nhà thầu mới được thảm bê tông nhựa tạo nhám.
Nhưng tại nhiều đoạn, mặt đường được bù vênh vẫn khá xấu.
Những đoạn chưa được nâng cấp, nhất là tại các điểm có hầm chui dân sinh, đang trở thành những cái bẫy vô hình mà không được cắm biển cảnh báo.
Không ít ôtô chạy với tốc độ 80-100km/h qua đây bị nảy lên. Còn những tài xế quen đường, chạy gần tới đây cũng phải phanh gấp để giảm tốc độ.
Dải phân cách tại các điểm bù lún xong lại được chắp vá nham nhở bằng xi măng cát trông rất mất mỹ quan.
Hay những đoạn thi công xong không được dọn, đất đá vương trên mặt đường. "Hôm mình đi từ Hà Nội về Ninh Bình, tiền xăng khoảng 100.000 đồng, nhưng phí cho một lượt là 115.000 đồng. Đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình sửa rất nhiều. Đóng tiền đi cao tốc mà toàn phải chạy thấp tốc. Biết thế đi Quốc lộ 1 cũ cũng chẳng lâu hơn mà không mất tiền", một thành viên chia sẻ trên Otofun.
Do dựng quá nhiều điểm rào chắn nên nhà thầu đã cho bịt kín hầu hết biển báo tốc độ trên tuyến mà không có cảnh báo khiến nhiều tài xế lúng túng.
Lưu thông vất vả, nguy hiểm và tốn thời gian nhưng chủ phương tiện vẫn phải nộp đủ phí đường bộ, thấp nhất là 70.000 đồng (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn và xe buýt), cao nhất 280.000 đồng một lượt với xe tải trên 18 tấn, xe container.
Sau hành trình vất vả trên cao tốc, các phương tiện lại phải xếp hàng dài ở trạm thu phí Đại Xuyên - lối ra cao tốc. Nhiều tài xế cho hay, những hôm đường đông, phải xếp hàng 15-20 phút mới qua được trạm.
Nguyên nhân là do trạm thu phí này cũng được đại tu. Một số làn thu phí bị rào chắn để đổ lại bê tông, thay thế nền nhựa bị hỏng.

"Mong tài xế thông cảm"

Ngày 10/12, trao đổi với Zing.vn về việc cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang sửa chữa toàn tuyến, đi lại khó khăn nhưng vẫn giữ nguyên mức phí, ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) cho hay, do thời gian sửa chữa ngắn, chỉ chừng 3 tháng nên việc thay đổi mức phí không thuận lợi.

"Trong thời gian thi công, VEC vẫn giữ nguyên mức phí. Rất mong nhận được sự cảm thông và chia sẻ của các chủ phương tiện và lái xe", ông Tuấn nói và cho hay, các nhà thầu thi công phải triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, các phương tiện chạy trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cần chú ý quan sát biển báo hiệu, đèn cảnh báo, giảm tốc độ và tuân theo hướng dẫn của nhân viên điều hành để đảm bảo an toàn.

Giám đốc VEC O&M cho hay, thảm lại mặt đường là hạng mục cuối cùng của dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình nhằm nâng tốc độ khai thác lên 120 km/h. Dự kiến, việc thi công bê tông nhựa tạo nhám hoàn thành trước 30/12/2015.



Khánh Huyền - Công Khanh

Bạn có thể quan tâm