'Cặp đôi hoàn hảo' bị cảnh cáo vì quảng cáo lộ liễu
"Nếu chương trình tiếp tục ngày càng quảng cáo lộ liễu, làm chệch hướng, sai mục đích, ảnh hưởng tới khán giả xem truyền hình, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xử lý", bà Ninh Thị Thu Hương - Trưởng Phòng Quảng cáo và Tuyên truyền, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch - cho biết.
- Theo bà, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch có chức năng kiểm duyệt nội dung các chương trình truyền hình thực tế phát trên VTV như "Cặp đôi hoàn hảo" không?
- Bên Cục Văn hóa cơ sở chỉ có chức năng theo dõi kiểm tra riêng nội dung quảng cáo còn mọi nội dung chương trình đều do VTV chịu trách nhiệm và kiểm duyệt. Hơn nữa, quảng cáo không có giấy phép nên hầu như Cục chỉ làm công tác hậu kiểm.
- Không chỉ quảng cáo trong chương trình, mới đây, "Cặp đôi hoàn hảo" đã dùng thí sinh để quảng cáo cho sản phẩm của nhà tài trợ. Trên trang phục của Khương Ngọc và Mỹ Lệ gắn đầy bao bì mang thương hiệu mì này. Ngoài ra, cặp đôi Cát Phượng - Phan Đinh Tùng cũng quảng cáo lộ liễu cho nhà tài trợ khi nhắc đến mì gói trong tiết mục riêng khiến người xem bức xúc. Bà đã nghe thông tin này chưa và quan điểm của bà như thế nào?
- Vì chương trình này phát sóng quá muộn nên tôi không theo dõi được cụ thể từng tập. Theo tôi, ở đây có sự dích dắc nào đó, có thể do sự sáng tạo của thí sinh hoặc cũng có thể do nhà tài trợ cài vào vì đó là quyền lợi và yêu cầu của họ. Thí sinh nói cái gì hoặc bản thân người ta quảng cáo theo tôi không có gì vi phạm luật cả.
Cuộc thi này đang manh nha quảng cáo nhưng nó không ảnh hưởng hoàn toàn, thoáng qua rất nhanh, sản phẩm quảng cáo không bị cấm. Nhiều khi khán giả cũng khắt khe quá nên có cái nhìn thoáng hơn. Tôi cũng chưa nhận được kiến nghị về chuyện này. Tuy nhiên, sau ý kiến phản ánh của báo giới tôi sẽ theo dõi và kiểm tra.
- Theo bà, hành vi quảng cáo lộ liễu của thí sinh trong cuộc thi "Cặp đôi hoàn hảo" có vi phạm quy định về quảng cáo trong lĩnh vực hoạt động văn hóa và biểu diễn không?
- Để bảo vệ quyền lợi cho khán giả xem truyền hình và dựa trên những sai phạm, nhà quản lý cũng thể đưa ra yêu cầu, thậm chí xử lý với đài truyền hình. Tuy nhiên đến thời điểm này nó chưa cấu thành sai phạm. Nếu phạt không có căn cứ để phạt. Vì thế khán giả có bức xúc cũng không xử lý được họ.
Nghị định số 75/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa cũng không có quy định nào cấm việc này vì người ta không dùng cả chương trình để quảng cáo. Trên người thí sinh có mặc trang phục gắn chữ mì, bản thân quảng cáo đó không sai vì sản phẩm đó không nằm trong danh mục bị cấm.
Hơn nữa trong trong tiết mục của các thí sinh vẫn thông tin được cho người xem quá trình tìm tòi ý tưởng, quá trình luyện tập của thí sinh như thế nào, khổ luyện như thế nào, không hoàn toàn quảng cáo. Nếu trong chương trình người ta cài những nội dung quảng cáo không quá lộ liễu, ảnh hưởng tới fomat và chương trình chung sẽ không bị phạt. Nếu đi quá lệch thì sa đà, thay đổi nội dung fomat chương trình lúc đó cơ quan quản lý sẽ phải xử phạt.
Mỹ Lệ và Khương Ngọc dán vỏ mì hảo hảo lên trang phục trong đêm diễn. |
- Để bảo vệ khán giả xem truyền hình, Cục sẽ có những biện pháp ngăn chặn những trường hợp này?
- Từ số sau, nếu chương trình tiếp tục ngày càng quảng cáo lộ liễu, làm chệch hướng, lệch lạc sai mục đích, ảnh hưởng tới khán giả xem truyền hình, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xử lý. Bộ Văn hóa sẽ tuýt còi chương trình này.
- Trên truyền hình Việt Nam mấy năm gần đây, những chương trình hot như "The Voice", "Cặp đôi hoàn hảo", "Bước nhảy hoàn vũ"... đều được thực hiện bằng sự hợp tác giữa Đài truyền hình Việt Nam và một công ty truyền thông bên ngoài. Rất nhiều lần dư luận thẳng thắn, sự chủ động gần như hoàn toàn của các công ty truyền thông trong nội dung chương trình đã khiến khán giả phải chịu đựng những scandal, quảng cáo phản cảm... Nói cách khác, chủ trương xã hội hóa chương trình đã biến thành kiểu khoán trắng cho đối tác thích làm gì thì làm. Bà ý tới mức độ nào với những suy nghĩ trên?
- Nội dung quảng cáo trong các chương trình gần đây tôi thấy nếu có vi phạm, nó chỉ vi phạm về thời lượng. Thường fomat của một chương trình đã được đặt sẵn. Ví dụ fomat chương trình cắt 4-5 phút, fomat mua bản quyền từ nước ngoài nên kể cả muốn sai muốn đúng cũng khó.
Theo Nghị định 43, Đài truyền hình được tự chủ về tài chính, có cơ chế riêng nên họ được quyền làm như vậy. Đài truyền hình để công ty truyền thông đó có quyền hành, điều khiển chương trình đó đến đâu thiếu bàn tay kiểm soát Nhà nước mình ở ngoài rất khó bình luận.
Về quan điểm cá nhân, tôi nghĩ chắc chắn, Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam sẽ có sự kiểm soát chặt chẽ. Theo tôi, nếu Đài truyền hình và công ty đó không có sự hợp tác, khán giả sẽ không có cơ hội để xem chương trình này hay những chương trình khác.
- Cách đây ít ngày, báo chí trong nước đưa tin, một bộ phim Hàn Quốc lạm dụng quảng cáo đã bị Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc cảnh cáo và phạt. Bà đánh giá như thế nào về cách hành xử như vậy? So sánh với trường hợp của Việt Nam thì bà thấy thế nào?
- Các phim quảng cáo ở nước ngoài do Đài truyền hình nước ngoài cắt là bởi bản thân các sản phẩm quảng cáo đó không mang lại nguồn thu cho đài. Nhà sản xuất bộ phim đã nhận được tiền quảng cáo trong khi đó Đài truyền hình phát sóng vô hình quảng cáo cho sản phẩm không được trả tiền, đương nhiên quảng cáo đó sẽ bị cắt.
Theo Đất Việt