Zing.vn trích dịch bài đăng trên Asian Boss, Korea Herald, South China Morning Post về câu chuyện của những cặp đồng tính nữ ở các quốc gia châu Á cũng như những khó khăn, thách thức họ đang phải đối mặt.
Son Yi Jeong bắt đầu biết cảm giác “say nắng” vào năm 18 tuổi. Son đã phải lòng một bạn nữ cùng lớp.
Thứ tình cảm “lạ lùng” với người cùng giới khiến Son hoài nghi và lo sợ. Không thể chia sẻ với gia đình, bạn bè xung quanh, nữ sinh trung học lúc đó tìm thấy sự đồng cảm từ những người bạn vô danh trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, ngày Son đủ can đảm để chia sẻ cảm xúc thật cũng chính là thời điểm cả thế giới quay lưng với cô.
“Tôi từng cùng họ đi bộ từ nhà đến trường, xông hơi cùng nhau. Tình bạn giữa chúng tôi từng rất thân thiết. Nhưng sau đó, nhưng tin đồn về tôi cứ thế lan truyền. Rồi tôi bị tẩy chay, cô lập”, cô gái 26 tuổi kể.
“Loại dơ dáy”. “Đồ kinh tởm”. “Thứ bệnh hoạn”. “Sao mày chưa chết đi?”. 8 năm trôi qua, những lời sỉ vả đó Son vẫn nhớ rõ tựa như nỗi ám ảnh, tổn thương vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai.
Gần một nửa (khoảng 45%) người LGBT dưới 18 tuổi từng cố gắng tự tử. Ảnh: Nius News. |
“Điều duy nhất tôi nghĩ đến là cái chết”
Sau khi có tin đồn yêu bạn đồng giới, Son bị tẩy chay và bắt nạt ở trường. Mỗi ngày đi học đối với cô gái 18 tuổi lúc đó là một cơn ác mộng.
“Không ai nói chuyện với tôi. Khi đi ăn trưa, tôi không thể ăn được. Các cô gái bắt nạt tôi đều là học sinh cá biệt ở trường. Khi tôi xuất hiện ở canteen họ nói lớn: 'Đồ bẩn thỉu'".
Lúc đó Son chỉ biết ngồi một mình, uống loại sữa cô yêu thích, đeo tai nghe và cúi gằm mặt xuống. Nhưng những kẻ bắt nạt Son ngày càng cay nghiệt hơn. Điều duy nhất nữ sinh từng nghĩ, đó là cái chết.
“Tôi quá căng thẳng và bắt đầu có những suy nghĩ kỳ quặc, đáng sợ. Tôi nghĩ làm thế nào để giết hết những kẻ bắt nạt mình đi rồi tự sát. Khi đứng trên tầng cao nhất của tòa nhà chung cư, tôi đã nghĩ đến việc nhảy xuống”, Son nói.
Bạo lực tinh thần với LGBT gia tăng theo thời gian và thường xảy ra trước bạo lực thể xác. Ảnh: Miao Miao. |
Với nhiều người thuộc cộng đồng LGBT, cảm xúc, suy nghĩ của Son không quá khó hiểu khi đa số đều từng rơi vào tình cảnh tương tự.
Cuộc khảo sát với những người dưới 18 tuổi trong cộng đồng LGBT cho thấy gần một nửa (khoảng 45%) từng cố gắng tự tử. Hơn một nửa (53%) tự làm hại mình.
Nghiên cứu của ĐH Anglia Ruskin (Anh) năm 2018, thực hiện với 400 cá nhân đã đi học từ năm 1985 đến 1997, có tuổi trung bình khoảng 37, cho thấy gần 1/3 số người lưỡng tính và đồng tính nữ bị bắt nạt ở trường và tiếp tục bị bắt nạt ở nơi làm việc.
Còn theo báo cáo năm 2014 của Ủy ban Quốc tế về Nhân quyền cho người đồng tính (IGLHRC), việc lạm dụng bằng lời nói, thể xác và tinh thần đối với người đồng tính nữ, phụ nữ lưỡng tính và người chuyển giới (LBT) ở châu Á là rất phổ biến.
“Các thành viên gia đình cũng là một trong những thủ phạm chính của bạo lực đối với người LBT châu Á. Bạo lực tinh thần, gia tăng theo thời gian và thường xảy ra trước bạo lực thể xác, là hình thức lạm dụng được báo cáo phổ biến nhất”, các nhà nghiên cứu của IGLHRC cho biết.
“Tình yêu của chúng tôi không có tương lai”
Jean Ouyang (24 tuổi) chưa bao giờ trải qua một tình yêu thực sự nghiêm túc và kéo dài quá 1 năm. Cô gái sinh ra và lớn lên ở Quảng Châu (Trung Quốc) khẳng định hôn nhân rất quan trọng và là điều cô luôn hướng đến khi bắt đầu một mối quan hệ.
Nhưng khi hôn nhân đồng giới không được pháp luật thừa nhận và bảo hộ tại quốc gia tỷ dân, đó vẫn là một ước mơ quá xa xỉ.
Bạn gái đầu tiên của Ouyang đã nói lời chia tay vì cho rằng mối quan hệ của họ không thể hứa hẹn, chẳng có ngày mai và những người sau đó cũng ra đi với lý do tương tự.
“Tình yêu của chúng tôi không có tương lai. Tuy vậy chiến thắng của Đài Loan mang đến cho chúng tôi một chút hy vọng. Giờ đây, ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc nghĩ rằng đồng tính luyến ái là chấp nhận được và không phải là vấn đề quá lớn lao như trước", cô gái 24 tuổi nói.
Bộ ảnh ủng hộ cộng đồng LGBT nói chung và các cặp đồng giới nữ nói riêng của nữ ca sĩ Sulli - người vừa qua đời vào giữa tháng 10 vừa qua. Ảnh: Weibo. |
Tháng 3/2019, Trung Quốc thông qua 5 khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc về quyền của cộng đồng LGBT.
Trong khi đó, Nhật Bản đã bầu ra nhà lập pháp công khai đồng tính đầu tiên. Một cuộc khảo sát cho thấy 78% người Nhật từ 20-60 tuổi ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
Vào tháng 7, Ibaraki đã trở thành tỉnh đầu tiên trong số 47 tỉnh thành của Nhật Bản cấp giấy chứng nhận kết hợp dân sự cho các cặp đồng giới và chuyển giới.
Với Ouyang nói riêng và cộng đồng LGBT châu Á nói chung, đây đều là những bước tiến đáng mừng nhưng họ biết mình vẫn còn chặng đường dài đầy khó khăn phải đi.
8 năm trôi qua sau những ám ảnh bị bắt nạt tại trường trung học, Son Yi Jeong hiện làm công việc pha chế cà phê ở Seoul.
Trong không gian quán xá yên tĩnh, ấm cúng, Son có cơ hội gặp gỡ và lắng nghe câu chuyện của những người đang bế tắc như cô của nhiều năm trước.
"Những ai gặp khó khăn có thể đến và kể cho tôi nghe những điều họ gặp phải. Vẫn thật buồn khi nghe một học sinh nào đó bị bắt nạt", Son nói.