"Gần kỳ thi THPT quốc gia, chẳng có học sinh nào đủ tự tin để không đi học thêm, không đi luyện thi" - ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM), khẳng định.
Theo ghi nhận, thời điểm này, hầu hết học sinh sau giờ học ở trường đã vội đi học thêm ở trung tâm, ở nhà giáo viên... đến 20h-21h.
Học sinh khá, giỏi đều đi học thêm
Kể từ khi Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia (từ năm 2015), học sinh không bị bất ngờ về việc công bố môn thi tốt nghiệp THPT nên không còn tình trạng các trường THPT bỏ môn phụ để tăng tiết môn thi tốt nghiệp. Thay vào đó, học sinh được chuẩn bị ngay từ đầu các môn, bài thi để xét tốt nghiệp; đồng thời dùng kết quả xét tuyển ĐH. Tuy vậy, việc học cũng không nhẹ nhàng hơn.
Học sinh trường THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM) trong giai đoạn ôn thi nước rút cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 Ảnh: Tấn Thạnh/Người lao động. |
Dù trường THPT Trưng Vương (quận 1) tổ chức dạy 2 buổi/ngày, ngoài thời gian học trên lớp, học sinh vẫn đi học thêm với giáo viên của trường hoặc luyện ở trung tâm.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều học sinh cho biết các em vẫn tranh thủ đi học thêm vào buổi tối cũng như những buổi chiều trong tuần được nghỉ. Một học sinh lớp 12 cho rằng nhu cầu bổ sung, đào sâu kiến thức lúc này là rất cần để chuẩn bị cho thi THPT quốc gia cũng như xét tuyển ĐH nên bạn nào cũng phải lo đi học thêm.
Một giáo viên của trường cho biết các em đi học thêm chẳng khác nào... ca sĩ chạy sô! Học sinh giỏi thì muốn tăng cường luyện để trúng vào trường tốp 1, học sinh khá cũng mong đậu vào trường ĐH công lập có mức điểm không quá tệ.
Tại trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), học sinh cũng tích cực đi học thêm. Theo ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng nhà trường, nhiều học sinh của trường đi học thêm vì các em muốn trúng tuyển những trường có điểm đầu vào cao như ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Ngoại thương cơ sở 2, ĐH Kinh tế TP.HCM…
Giáo viên một trường THPT tại TP.HCM cho biết dù thi cử đã nhẹ nhàng hơn, vào ĐH cũng không quá vất vả như trước kia nhưng có vẻ như học sinh không thể tự tin bước vào kỳ thi mà không đi học thêm, luyện thi.
Thực tế, thời gian học trên lớp không nhiều nên giáo viên không có cơ hội đào sâu kiến thức. Do vậy, học sinh muốn vào trường có điểm trúng tuyển tầm 17-18 trở lên thì chắc chắn phải đi luyện thi.
Thí sinh chuộng tổ hợp môn có tiếng Anh
Từ ngày 1 đến 20/4, học sinh khối 12 các trường THPT sẽ đăng ký thi THPT quốc gia, đồng thời đăng ký xét tuyển ĐH. Khảo sát sơ bộ của các trường cho biết xu hướng đăng ký xét tuyển bằng tổ hợp môn: Toán - Lý - Hóa giảm, thay vào đó là tổ hợp Toán - Lý - Tiếng Anh, Toán - Văn - Tiếng Anh…
Cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), cho biết năm nay, trường có 15 lớp 12 thì tới 13 lớp đăng ký môn tự chọn là tổ hợp bài thi khoa học tự nhiên, chỉ 2 lớp chọn bài thi khoa học xã hội. Điểm khác với các năm trước là số học sinh có kế hoạch xét tuyển ĐH bằng tổ hợp môn Toán - Lý - Hóa (khối A) giảm mạnh, chỉ 96 em trong tổng số 600 học sinh khối 12.
Cô Dung cho rằng hiện nay, mỗi ngành đào tạo của các trường ĐH gồm nhiều tổ hợp xét tuyển và thường sử dụng tổ hợp môn Toán - Văn - Tiếng Anh hay Toán - Lý - Tiếng Anh. So với tổ hợp môn Toán - Lý - Hóa thì việc chọn 2 tổ hợp môn đã nêu, ôn thi nhẹ nhàng hơn.
Tại trường THPT Tam Phú (quận Thủ Đức), khối 12 có 13 lớp thì 8 lớp đăng ký môn tự chọn tổ hợp bài thi khoa học tự nhiên, 5 lớp chọn bài tổ hợp bài thi khoa học xã hội.
Theo cô Hoàng Anh, hiệu trưởng nhà trường, qua thăm dò thì năm nay học sinh chủ yếu đăng ký xét tuyển ở 2 tổ hợp môn: Toán - Văn - Tiếng Anh và Toán - Lý - Tiếng Anh.
"Tổ hợp môn Toán - Văn - Tiếng Anh rơi vào 3 môn thi bắt buộc, cũng là tổ hợp được nhiều trường sử dụng xét tuyển vào rất nhiều ngành nên học sinh chủ yếu tập trung ở tổ hợp môn này", cô Hoàng Anh thông tin.
Còn tại trường THPT Nguyễn Du (quận 10), trong số 420 học sinh khối 12, 300 em đăng ký bài thi khoa học tự nhiên, 120 em chọn bài thi khoa học xã hội.
Ông Huỳnh Thanh Phú cho biết học sinh chọn thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội chỉ để lấy kết quả xét tốt nghiệp. Thực tế, các em đăng ký xét tuyển nhiều nhất vẫn dựa vào tổ hợp môn: Toán - Văn - Tiếng Anh, Toán - Lý - Tiếng Anh.
Hà Nội: Hơn 65.000 học sinh lớp 12 thi khảo sát
Hơn 65.000 học sinh lớp 12 tại Hà Nội đã chính thức tham gia kỳ kiểm tra khảo sát chất lượng năm học 2018-2019 tại 152 điểm trường do sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức từ ngày 27 đến 29-3.
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết việc tổ chức khảo sát chất lượng nhằm giúp học sinh lớp 12 tập dượt, tiếp cận với cách thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019. Đây cũng là kênh thông tin để cán bộ quản lý các cấp, giáo viên, phụ huynh học sinh xác định được chất lượng dạy và học thực chất ở các nhà trường và trang bị cho học sinh đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Học sinh phải làm 4 bài kiểm tra, trong đó có 3 bài bắt buộc gồm toán, ngữ văn, tiếng Anh và 1 bài do học sinh tự chọn trong số 2 bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Các bài kiểm tra đều được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm khách quan, bài kiểm tra môn ngữ văn thực hiện theo hình thức tự luận. Dự kiến kết quả khảo sát được công bố chậm nhất vào ngày 5/4.