Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cặp vợ chồng bỏ TP.HCM về quê, tự làm nhà

Khi 2 vợ chồng rời Sài Gòn về quê, tự tay làm căn nhà đất, sống một cuộc sống gần gũi thiên nhiên, cách kiếm tiền và tiêu dùng của cả hai cũng khác.

Bảo Tân tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP HCM, còn vợ Thùy Mỵ học ngành Tài chính, Đại học Long An. Thời sinh viên bôn ba khắp Sài Gòn làm thêm, trong Tân luôn khắc khoải về tuổi thơ bình yên với ông bà ngoại.

Khi ra trường, Tân làm giám sát công trình, đi khắp miền Đông, miền Tây nhưng anh vẫn thấy nơi này, công việc ấy không thuộc về mình. Tân nghĩ sâu hơn đến cuộc sống mình mong muốn.

Nếu muốn có 1 ngôi nhà hãy cứ làm

Rời Sài Gòn về quê, cả 2 vợ chồng tự tay bốc đất làm 1 căn nhà đất là vì đam mê hay để tiết kiệm tối đa chi phí?

Khi mới về quê vợ chồng mình có khoảng hơn 40 triệu. Đối với nhiều người đó là số tiền nhỏ, chỉ bằng một chiếc xe máy. Ở tuổi 28 mình không có xe máy (xe đang chạy là xe của vợ mình), chỉ khó khăn dành dụm được số tiền nhỏ và quyết định theo đuổi cuộc sống an lành ở quê.

Để không gánh nặng tài chính mình chọn tự làm tất cả. Từ việc xây nhà mình chọn làm nhà đất vì muốn tận dụng những gì mình có, tránh lệ thuộc vào tiền. Khi chúng ta không lệ thuộc vào tiền để làm những thứ chúng ta muốn làm, lúc đó mới gọi là "tự do tài chính".

vo chong bo pho ve que anh 1

Bảo Tân tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP HCM, còn vợ Thùy Mỵ học ngành Tài chính, Đại học Long An.

Tân may mắn trong cuộc sống có rất nhiều người bạn nước ngoài, Tân có những người bạn đi du lịch vòng quanh thế giới gần 5 năm mà không lệ thuộc vào tài chính, đi đến đâu kiếm tiền đến đó, bằng cách bán đồ handmade.

Quan trọng là trải nghiệm cuộc đời có bao nhiêu mà cứ dành hết để kiếm tiền, rồi lấy đâu ra những trải nghiệm xương máu mà kể cho thế hệ sau.

Từ việc gặp gỡ những người làm những việc "không bình thường", Tân cũng xem cái không bình thường thành bình thường.

Nếu muốn làm cái gì hãy tìm cách để làm nó, cách không cần phải hay và hợp lý ngay từ đầu. Nếu muốn có một ngôi nhà, hãy cứ làm nó không cần phải đợi đến khi có đủ tiền.

Hiện tại thì bài toán thu nhập và chi tiêu của gia đình bạn "giải" như thế nào để sống khi về quê?

Hiện tại thì thu nhập mình đến từ nhiều nguồn nhưng chủ yếu là công việc online, mình cũng là một thầy giáo dạy Tiếng Anh. Khi bạn dùng được Tiếng Anh cả thế giới sẽ là chỗ làm, đặc biệt sau đại dịch thì điều đó càng được khẳng định hơn.

Mình từng nghĩ chỉ ở thành phố mới có cơ hội bây giờ mình mới nhận ra, phải giỏi mới có cơ hội. Giỏi chuyên môn, bất kể đó là chuyên môn gì, khi chúng ta thật giỏi chúng ta sẽ nhìn thấy cơ hội. Bởi vậy Tân luôn dành thời gian buổi tối để trau dồi chuyên môn và học thêm những kỹ năng mới mỗi năm.

Về chi tiêu, càng ít phụ thuộc vào tiền chúng ta sẽ càng có nhiều tự do hơn.

Mình ít chi tiêu, quần áo giày dép 3 - 4 năm mới mua một lần. Điện thoại thì từ khi sinh ra đến giờ mình mới mua một chiếc trong năm vừa rồi, chi tiêu chủ yếu là thức ăn trong gia đình.

Theo đuổi giấc mơ lớn

Vì sao học kiến trúc xong cuối cùng bạn lại chọn là thầy giáo dạy tiếng Anh?

Ban đầu mình chọn nghề theo ý muốn của ba mẹ. Sau này mình nhận ra chọn một nghề phải phù hợp hai điều: Nhu cầu xã hội và nhu cầu cá nhân.

Thế giới hội nhập tiếng Anh rất cần điều này ai cũng có thể dễ dàng nhìn ra. Tiếng Anh khó học càng làm cho nhu cầu này tăng lên. Việc khó là việc nên làm.

Nhu cầu cá nhân: Tân cần một công việc cho mình cơ hội sống gần gia đình, Sống hòa hợp thiên nhiên.

Từ hai tiêu chí chọn nghề là phù hợp nhu cầu xã hội và nhu cầu cá nhân, mình nghĩ trước khi chọn nghề nên tìm hiểu nhu cầu xã hội và hiểu về mục tiêu lớn của cuộc đời trước.

Những trải nghiệm sẽ giúp chúng ta hiểu mình hơn. Những chuyến đi xa một mình từ thời sinh viên, những người bạn nước ngoài Tân gặp giúp Tân hiểu mình hơn, đồng thời hiểu nhu cầu xã hội khiến Tân quyết định đổi ngành.

Có người nói rằng phải có cái gì mới buông bỏ, nhưng buông để có cái gì, cũng là 1 cách sống đúng không?

Thật ra mỗi người mỗi cảnh, mỗi suy nghĩ, suy nghĩ nào cũng có cái đúng. Buông bỏ hay theo đuổi mục tiêu lớn đều được. Lập trường là cái quan trọng, mình làm theo suy nghĩ của mình, không theo đám đông là điều nên làm.

Khi mình là mình, không là cái mong muốn của xã hội, lúc đó mình sẽ biết điều nên làm.

Buông bỏ hay theo đuổi giấc mơ lớn đều sẽ cho mình những trải nghiệm để đời. Chỉ cần luôn lắng nghe trái tim của mình, mọi lời nói từ bên ngoài đều mang tính chất tham khảo.

Nếu muốn bỏ phố thì cứ tìm cách mà làm

Nhiều người cho rằng cuộc sống phải thực tế đừng có hão huyền, phải có tiền mới có thể bỏ phố về quê, nhưng liệu có phải một nghề nghiệp với thu nhập ổn định mới là yếu tố quan trọng?

Theo mình thì có tiền thì làm gì cũng dễ hơn, nhưng khó khăn sẽ cho nhiều trải nghiệm hơn. Tùy mỗi người, muốn trải nghiệm hay muốn dễ dàng. Tất nhiên dễ dàng thì khó có những trải nghiệm để đời.

Mình thì không quan trọng một công việc để kiếm tiền. Mình nghĩ một kỹ năng sẽ tốt hơn một công việc, khi chúng ta có kỹ năng và giỏi kỹ năng đó thì đi đâu cơ hội cũng tự tìm đến. Mình tập trung vào việc học kỹ năng từ những ngày đầu xác định về quê.

Theo mình một số kỹ năng thời đại ngày nay cần như lập trình, marketing, quảng cáo, đồ hoạ, ngoại ngữ... là những kỹ năng xã hội đang cần. Bên cạnh chuyên môn hiện tại, nên trao dồi thêm những kỹ năng này còn có những kỹ năng cho mọi thời đại như kỹ năng nói, kỹ năng viết, kỹ năng hòa đồng với mọi người, sống thân thiện với thiên nhiên cũng cần được trau dồi.

Nếu muốn có trải nghiệm Tân nghĩ chúng ta nên mạnh dạn làm những điều mình nghĩ mình nên làm, không nên chờ đợi. Chỉ cần không trái pháp luật, không nguy hiểm tính mạng cho mình và cho người khác, hậu quả cuối cùng có thể chấp nhận được thì cứ làm.

Nếu muốn bỏ phố thì cứ tìm cách làm, không có đất thì thuê, không thuê nổi thì xin, xin không được thì ở ké, nói chung là tìm mọi cách để làm. Cùng lắm là mất 3 năm không kiếm được đồng nào. Nhiều người đi làm 3 năm tài khoản vẫn âm thì có làm sao đâu.

3 năm chán thì lại quay lại công việc cũ, xin công ty khác. Ít ra còn có cái kinh nghiệm để tự hào. Mà con người đến cuối cuộc đời, ký ức về những trải nghiệm là thức ăn duy nhất họ cần để sống vui khỏe.

Nếu có 2 từ để nói về chính mình và cuộc sống hiện tại bạn sẽ nói...

2 từ thích hợp đó là: Tự hào. Từ cái tuổi 20 mình đã cố gắng làm tất cả những gì mình nghĩ mình nên làm: Chạy xe đạp từ Sài Gòn đi Phnom Penh. Sống ở một thành phố nước ngoài hoàn toàn xa lạ. Cho đến những việc ban đầu vì cuộc sống phải làm bây giờ lại lấy làm tự hào như bốc vác ở bến phà Cát Lái, phụ hồ thời sinh viên. Vì mình biết mình đã làm hết sức vì một cuộc sống tốt đẹp.

Về gia đình, mình có một gia đình tuyệt vời, một người vợ tuyệt vời luôn bên cạnh mình với những quyết định đồng lòng.

Đến bây giờ cuộc sống của bạn đã hài lòng chưa, bạn còn giấc mơ hay mục tiêu phấn đấu dài lâu nào nữa hay không?

Mình theo đuổi cuộc sống gần gũi thiên nhiên, thân thiện với môi trường để gìn giữ trái đất xanh cho thế hệ sau. Mình mong muốn chia sẻ kinh nghiệm làm nhà đất và cổ vũ việc làm nhà đất vừa đẹp, bền, tiết kiệm chi phí và thân thiện môi trường. Tự làm nhà cũng là một trải nghiệm để đời.

Mình cổ vũ việc học kỹ năng vì mình tin muốn cuộc sống tốt hơn phải giỏi kỹ năng, hồi xưa phải giỏi săn bắn, ngày nay phải giỏi về công nghệ. Mỗi thời mỗi khác nhưng giống nhau là phải luôn học hỏi để trở nên tốt hơn thì cuộc sống mới tốt hơn được.

Người trẻ tiêu hoang, không có tiết kiệm khi sống riêng

Ra ở riêng được gần 2 năm nhưng Minh Hiếu (24 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) vẫn thường rơi vào cảnh hết tiền từ giữa tháng, phải vay mượn để chi tiêu.

https://phunuvietnam.vn/cap-vo-chong-bo-pho-ve-que-long-an-tu-lam-nha-khi-chi-co-40-trieu-22202222593450519.htm

Theo ĐX/ Phụ Nữ Việt Nam

Bạn có thể quan tâm