Đến xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, Hà Nội hỏi thăm gia đình anh Đỗ Công Trường (33 tuổi), chị Nguyễn Thị Hồng (29 tuổi) ai cũng biết. Cặp vợ chồng trẻ sau 12 năm cưới nhau đã sinh được bảy đứa con gái và một con trai.
Căn nhà cấp bốn cũ kỹ rộng chưa đầy 100 m2 nằm sâu trong ngõ đường thôn Phú Hạng hiện là nơi ở của hai vợ chồng, ông bà nội và bảy đứa con nhỏ. Ngày cuối tuần, trừ cô chị cả đang học cấp 2 phải đến trường thì tất cả đều ở nhà. Chị Hồng mới đẻ đứa thứ tám được 20 ngày đã bỏ lại con cho bà nội trông để đi làm.
Sắp đẻ mới biết mang thai
Anh Trường và chị Hồng cưới nhau năm 2005. Cưới xong, anh chị sinh liền một mạch bốn đứa bé gái, đến đứa thứ năm được cậu con trai nên quyết định dừng, không đẻ nữa.
Hai vợ chồng chọn phương án đặt vòng nhưng khi đến cơ sở y tế, bác sĩ bảo chị Hồng máu loãng không thể đặt được. Từ đó hai vợ chồng chuyển sang sử dụng thuốc tránh thai nhưng cũng không hiệu quả.
Gần một năm sau khi đẻ đứa con trai, chị Hồng phát hiện mình mang thai lần thứ sáu. Thời điểm ấy, cái thai đã gần 5 tháng tuổi nên anh chị quyết định giữ lại. Đấy cũng là ca sinh khó nhất của chị.
Ngoài căn bệnh máu loãng, chị Hồng còn bị viêm gan nên khi mới sinh bé, hai mẹ con phải tách rời nhau. Con nằm Bệnh viện Phụ Sản, mẹ chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai điều trị cả tháng trời, chi phí thuốc thang gần 100 triệu. Cũng vì bệnh tật của chị mà bé thứ sáu lớn lên không một giọt sữa mẹ nào.
Đỗ Thị Duyên (10 tuổi, đứa con thứ 2) đã biết trông em giúp bà nội khi bố mẹ đi làm. Ảnh: Hoàng Cư. |
Tưởng như sau lần sinh ấy, người mẹ trẻ không còn đẻ thêm nữa nhưng chỉ vài tháng sau khi hồi phục sức khỏe, chị tiếp tục mang thai đứa thứ bảy. Khi sinh bé được vài ngày thì cháu mất vì sức khỏe yếu.
Anh Trường cho hay khi mới cưới nhau, vì muốn có con trai nên anh chị sinh đến đứa thứ năm mới được. Sau lần sinh ấy, đứa thứ sáu, thứ bảy và thứ tám lần lượt ra đời. Hầu hết những đứa con anh đều được sinh tại nhà, có đứa chính anh là người trực tiếp đỡ đẻ.
Nói về nguyên nhân đẻ "sòn sòn", người đàn ông mới ngoài 30 tuổi, cho hay do vợ mình quá "mắn". Hầu hết những lần mang thai đều không được phát hiện sớm, đến khi thai được bốn, năm tháng mới biết, bỏ đi thì tội, thế là anh chị quyết định giữ lại.
“Đứa thứ tám vừa rồi, sắp đến ngày sinh vợ tôi mới biết có thai. Khi sinh con, hàng xóm xung quanh nhiều người vẫn chưa ai biết”, người chồng chia sẻ.
Con đông, hoàn cảnh khó khăn nhưng vợ chồng rất hòa thuận
Bảy đứa con giờ có năm đứa đến lớp, chi phí ăn học ngày càng trở thành gánh nặng đè lên vai cặp vợ chồng trẻ.
Hàng ngày, anh Trường đi làm thợ xây, công việc không được ổn định, có khi cả tháng trời được vài ngày công nên thu nhập cũng chẳng được là bao. Còn chị Hồng đi làm công ty, tranh thủ lúc rảnh có bà nội trông cháu lại chạy chợ kiếm thêm từng đồng mua rau cỏ. Sinh đứa thứ 8 mới được hơn chục ngày, chị đã để con cho bà nội chăm sóc để đi làm.
Trường kể, nhiều lúc hai vợ chồng anh tự an ủi động viên nhau, đẻ nhiều, gia đình khó khăn nhưng phải cố gắng lo cho các con. Hơn chục năm nên duyên vợ chồng, anh chị chưa bao giờ vì hoàn cảnh mà mâu thuẫn, đánh chửi nhau.
Nghĩ về những ngày tháng phía trước, người cha của 7 đứa trẻ nói anh sẽ cố gắng kiếm tiền, không để các con phải đói khổ, thất học.“Điều tôi mong nhất là các con mình luôn khỏe mạnh, tôi sẽ cố gắng kiếm một công việc ổn định để có tiền nuôi các con ăn học”, anh Trường nói.
Bà Bống cùng ở nhà trông cháu phụ giúp vợ chồng trẻ. Ảnh: Hoàng Cư. |
Bà Nguyễn Thị Bống (bà nội), tâm sự thấy con đẻ nhiều, bà cũng góp ý nhưng do các con vỡ kế hoạch nên đành chịu.
“Chúng nó không biết có thai, có đứa gần đến ngày sinh rồi mới biết. Hoàn cảnh gia đình khó khăn sinh ra cũng phải cố nuôi. Tôi trông nom giúp chúng nó, khi nào rảnh chúng nó ở nhà trông tôi lại đi làm”, bà Bống nói.
Theo bà Bống, các cháu của bà còn nhỏ nhưng đều ngoan ngoãn, đứa lớn 12 tuổi đã biết tự nấu cơm, đưa đón các em đến trường, bế em giúp bà khi bố mẹ chúng đi làm. Đứa nhỏ 3 tuổi lớn lên không một giọt sữa mẹ cũng khỏe mạnh chẳng bao giờ thấy ốm đau.
Ông Đỗ Công Sự, Chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho hay năm 2016 thấy gia đình anh Đỗ Công Trường đông con, điều kiện kinh tế khó khăn nên xét duyệt thuộc diện hộ nghèo của xã. Vào ngày lễ tết, ngày quốc tế thiếu nhi địa phương vẫn cử cán bộ đến nhà trao quà, đấy là quyền lợi các cháu được hưởng.
“Thấy vợ chồng trẻ sinh nhiều, cộng tác viên dân số của xã đến tận nhà tuyên truyền nhưng không hiệu quả. Hoàn cảnh khó khăn nhưng hai vợ chồng trẻ lại sống rất hòa thuận, các con được đi học đầy đủ”, ông Sự nói.