Thể loại: Hành động
Đạo diễn: Jung Byung Gil
Diễn viên: Joo Won, Kim Bo Min, Sung Jae Lee
Đánh giá: 6/10
(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Chuyện phim lấy bối cảnh giả tưởng khi con người đối diện hiểm họa xác sống. Đại dịch bùng phát từ khu quân sự Hàn Quốc, khiến Mỹ và Triều Tiên là hai nước bị ảnh hưởng trầm trọng nhất.
Ở những cảnh đầu tiên, nhân vật chính Carter Lee (Joo Won) tỉnh dậy trong một căn phòng xa lạ, không còn nhớ bất kỳ điều gì. Một phần phía sau đầu anh bị cạo, để lộ vết khâu chữ thập không rõ ý nghĩa.
Sau đó, Carter phát hiện trong người anh được gài một quả bom có thể phát nổ bất kỳ lúc nào. Để tồn tại, nhân vật phải vận chuyển thuốc kháng virus từ Hàn Quốc vào Triều Tiên theo yêu cầu. Nhiệm vụ gian nan, nguy hiểm nhưng đồng thời cũng giúp Carter tìm lại nguồn gốc thực sự của bản thân.
Mạnh hành động, yếu kịch bản
Carter có nội dung đơn giản, dễ hiểu. Kịch bản đi theo mô-típ người hùng “giải cứu thế giới” quen thuộc trong phim ảnh. Hình mẫu “điệp vụ bí ẩn” cũng từng được khai thác rất nhiều trong văn hóa đại chúng, từ truyện tranh XIII (1984- 2016) đến series The Bourne (2002-2016).
Trong phim, Joo Won vào vai chính Carter - một điệp vụ bị mất trí nhớ. |
Đáng tiếc, các biên kịch không có nhiều sáng tạo dựa trên nền cũ. Yếu tố chính trị giữa hai nước Bắc Hàn - Nam Hàn được tận dụng như một cách đặt vấn đề, nhưng giải quyết chưa triệt để. Nhiều tình huống còn mang tính khiên cưỡng, chỉ để ê-kíp tập trung cho phần hành động khi các nhân vật đối đầu.
Từ đầu đến cuối, kịch bản gây tò mò vì quá khứ bí ẩn của nhân vật. Tuy nhiên, đến cuối phim lại được xử lý vội vàng, khiến phim rơi vào cảnh “đầu voi đuôi chuột”. Cây viết Brett White của trang Decider nhận xét phim cần làm thêm phần hậu truyện để giải quyết kết thúc lỏng lẻo.
Tác phẩm đánh dấu sự trở lại của Jung Byung Gil sau 5 năm kể từ The Villainess (2017) – từng tạo tiếng vang khi được chiếu tại Liên hoan phim Cannes 2017. Đạo diễn sinh năm 1980 phát huy thế mạnh trong những cảnh hành động, mang đến cho khán giả những pha đánh đấm, rượt đuổi gay cấn đến nghẹt thở.
Các phân đoạn cận chiến bằng tay không hay tấn công bằng súng tạo cảm giác nhanh gọn, gợi nhớ các phim hành động Mỹ như John Wick (2014) hay Atomic Blonde (2017). Nhiều cảnh máu me, đậm chất bạo lực, cùng với những cảnh khỏa thân khiến phim dán nhãn 18+ (không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi).
Chẳng hạn ngay từ đầu phim, các nhân vật lao vào chém giết lẫn nhau trong một phòng tắm tập thể. Giữa phim, nam chính đối đầu kẻ thù trên không chẳng khác Tom Cruise trong series Mission: Impossible. Cuối phim là cảnh cháy nổ, rượt đuổi liên tục đúng chất điệp viên.
Phim gây ấn tượng với nhiều cảnh hành động gay cấn, đậm chất bạo lực. |
Bên cạnh đó, tác phẩm gây ấn tượng với phần cinematography (kỹ thuật quay phim). Nhiều cảnh quay được cắt ghép, biên tập để trở nên liền mạch như một cú máy long take (quay một lần duy nhất, không ngừng nghỉ).
Ê-kíp liên tục thay đổi nhiều góc máy để tạo cảm giác chân thực, từ máy quay cầm tay, dùng flycam theo đuôi nhân vật, quay thẳng từ trên không xuống và ngược lại,…
Song, đôi lúc kỹ thuật bị lạm dụng và tạo cảm giác lặp. Nhiều cảnh khó theo dõi, dễ khiến người xem chóng mặt.
Joo Won lạc lõng giữa dàn diễn viên ngoại
Về cơ bản, Carter vẫn tuân thủ công thức hành động “mì ăn liền”, giống nhiều tác phẩm được nhà sản xuất thực hiện như Extraction (2020), The Old Guard (2020) hay gần nhất là The Gray Man (2022). Thậm chí, dự án gắn mác Hàn Quốc còn kém xa các tác phẩm Mỹ vì không quy tụ nhiều ngôi sao, ngoại trừ nam chính.
Đảm nhận vai Carter là Joo Won – nổi tiếng với series 7th Grade Civil Servant (2013), Good Doctor (2013), Yong-pal (2015),… Lần này, nam diễn viên sinh năm 1987 hoàn toàn “lột xác” với hình ảnh gai góc trong phim hành động.
Anh phải tăng đến 7 kg, đồng thời trải qua gần 4 tháng tập luyện chuyên nghiệp để có thể tự thực hiện các pha hành động nguy hiểm, mang đến sự chân thực nhất cho phim.
Dù nỗ lực, màn trình diễn của Joo Won vẫn chưa thể tạo cảm giác mới mẻ. Các pha hành động gợi nhớ các đồng nghiệp như Bi Rain trong Ninja Assassin (2009), Won Bin trong The Man from Nowhere (2010) hay Lee Seung Gi trong series Vagabond (2019),…
Màn trình diễn của Joo Won vẫn chưa đạt đến mức xuất sắc. |
Xuyên suốt phim, gần như Joo Won trung thành với gương mặt căng thẳng, cau có để tạo kịch tính. Với một kịch bản kém và nhân vật thiếu chiều sâu, anh không có đất để bộc lộ kỹ thuật diễn tâm lý. Điều đó phần nào khiến nhân vật thiếu kết nối với khán giả, không mang lại nhiều cảm xúc.
Ngoại trừ Joo Woo, dàn diễn viên phụ hoàn toàn mờ nhạt. Việc phối hợp, thay đổi giữa các diễn viên Hàn và Mỹ chưa tốt. Đôi lúc, các nhân vật ngoại quốc xuất hiện và nói tiếng Anh khiến nhịp phim bị khựng lại, không khí thay đổi hoàn toàn.
Thậm chí, tuyến nhân vật phụ cũng là nguyên nhân gây hạn chế cho vai diễn của Joo Won. Trông anh hoàn toàn lạc lõng giữa một thế giới xa lạ, nói chuyện với những người không cùng ngôn ngữ.
Chưa kể, mặc dù đầu tư nhiều vào phần hành động, phần kỹ xảo của phim lại kém. Nhiều hiệu ứng CGI trông giả và lỗi thời so với một tác phẩm ra mắt năm 2022. Điều đó phần nào làm giảm giá trị phim.
Sau khi ra mắt, tác phẩm không được giới phê bình lẫn khán giả đón nhận, hiện đạt 5.2/10 điểm trên IMDb, nhận chứng chỉ “thối” trên Rotten Tomatoes với 36% bình chọn. Phần lớn đánh giá phim có mở màn tốt nhưng cách triển khai chưa hợp lý, dẫn đến cái kết gây thất vọng. Các cảnh hành động và kỹ thuật quay được đầu tư không thể cứu được kịch bản nhiều sạn.
Năm nay, các dự án Hàn Quốc do nhà sản xuất đầu tư đều không được đánh giá cao. Từ All of Us Are Dead đến Money Heist: Korea là hồi chuông báo động, cho thấy sự xuống dốc trong khâu khai thác kịch bản.
Ngay cả với một tác phẩm có phần hành động tốt như Carter cũng trở nên đáng quên vì câu chuyện hời hợt.