Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cashwagon cho vay qua app, tung đủ chiêu trò đòi nợ

Thủ tục cho vay khá dễ nhưng khi đòi nợ thì gây tổn thương lớn cho nạn nhân, biến tướng của tín dụng đen…

Sau khi khám xét trụ sở Công ty Cashwagon chuyên cho vay qua app trên đường Tôn Thất Tùng, quận 1, TP.HCM, Công an TP.HCM đã mời hơn 10 người đến trụ sở làm việc.

Việc khám xét diễn ra hôm 2/6 và đến ngày 4/6, công an đang tích cực mở rộng điều tra làm rõ vụ việc.

Dùng app vay đồng nghĩa bị chiếm thông tin cá nhân

Công ty Cashwagon có đăng ký kinh doanh ở nhiều nước như Nga, Singapore, Philippines… Tại trụ sở Tôn Thất Tùng, quận 1, công ty này có khoảng 80 nhân viên làm việc.

Theo thông tin từ website, công ty không hề có ngành nghề cho vay và tự nhận là nhà cung cấp các khoản vay tiêu dùng ngắn hạn dẫn đầu thị trường Việt Nam.

Ứng dụng (app) công ty này sử dụng để cho vay tiền cũng trùng với tên công ty. Khi người vay tải app này về điện thoại, mọi thông tin cá nhân, số điện thoại người thân của cá nhân đó trên điện thoại sẽ tự động bị truy cập.

Cơ cấu tổ chức của công ty chuyên nghiệp, chia thành nhiều bộ phận hoạt động như chăm sóc khách hàng, xử lý nợ xấu… Để câu khách, ở bộ phận chăm sóc khách hàng, nhân viên sẽ tư vấn người vay 500.000 đồng không lấy tiền lãi trong vòng 10 ngày.

doi no thue anh 1

Công an khám xét bên trong tòa nhà.

Trong trường hợp người vay 500.000 đồng trả đúng hạn thì bộ phận thứ hai có trách nhiệm liên lạc và tiếp tục tư vấn vay với lãi suất 66%/tháng (tức 1 triệu đồng thì 10 ngày sau sẽ trả 1.220.000 đồng).

Với việc thu hồi nợ, công ty này chia thành bốn cấp độ. Trong đó, ở hai cấp độ đầu, khi khách hàng còn cách thời điểm thanh toán nợ khoảng 2-3 ngày thì nhân viên công ty sẽ gọi điện thoại nhắc.

Tới cấp độ 3, nội dung nhắc nợ có yếu tố áp đảo tinh thần người vay. Đến cấp độ 4, nhân viên công ty không chỉ gọi điện thoại mà còn lấy thông tin khách hàng đưa lên mạng xã hội… Đặc biệt, ở giai đoạn này, công ty còn gọi điện thoại cho người thân và bạn bè của người vay để khủng bố tinh thần.

Lật lọng lời lẽ khi đòi được tiền

Khi người vay không trả nợ đúng hạn hoặc không có khả năng trả nợ, phía công ty sẽ dán thông báo khắp nơi đưa tên tuổi, quê quán, thân nhân mà họ cho là có “vai trò đồng phạm” lên mạng, chẳng hạn “anh B bao che cho nhau để chia chác tiền, phía chúng tôi đã nhắn tin, gọi điện nhắc nhở nhiều lần nhưng phía gia đình vẫn tỏ thái độ bất hợp tác và bao che, thiếu thiện chí, thậm chí lăng mạ. Kính mong mọi người chia sẻ, giúp đỡ liên hệ để phía chúng tôi lấy lại được số tiền”.

Đặc biệt, phía công ty còn áp đảo tinh thần thân nhân người vay với những tin nhắn mang tính trù ẻo, hăm dọa. Đơn cử: “Gia đình vô cùng thương tiếc báo tin bà A. đã đột ngột ra đi vì có người vay tiền nhiều người không chịu trả, hiện tại đã bỏ trốn và để lại cho bà A. khoản nợ không thể trả. Bà A không chịu được sự nhục nhã nên đã từ trần, kính mong mọi người đến viếng, mỗi người quyên góp ít tiền cho gia đình bà A. trả hết khoản nợ này để bà ra đi thanh thản”.

doi no thue anh 2
doi no thue anh 3

Các thông báo Cashwagon hạ nhục khách hàng khi thực hiện việc đòi nợ.

Những tin nhắn trên xuất hiện khiến nhiều người lo sợ, khi người vay hoặc người thân hoàn thành trả nợ thì phía công ty sẽ ra thông báo “đính chính” với nội dung: “Chúng tôi xin thông báo về sự việc của anh B. CMND… cụ thể là vào ngày… chúng tôi bị rò rỉ thông tin khách hàng. Trên MXH có đăng tải một số hình ảnh bị cáo B và một số người thân, gia đình, đồng nghiệp. Nay chúng tôi làm bài viết này đính chính lại những thông tin đây là không chính xác, hoàn toàn sai sự thật… hiện tại cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra những đối tượng này”.

Được biết, trong quá trình khám xét, công an có thu giữ được nhiều tài liệu liên quan đến việc cho vay qua ứng dụng điện thoại. Trong đó có một lá đơn của người vay thể hiện vay 5 triệu đồng, qua sáu tháng đã trả 15 triệu đồng nhưng hết khả năng trả nợ và xin phía công ty trả nợ gốc, xin không trả lãi.

Bước đầu, công an xác định giám đốc công ty này là bà H.. Bà này cho biết không tham gia quá trình cho vay mà chỉ tư vấn tài chính.

Công an TP.HCM điều tra, xử lý 5 vụ vay qua app với 68.000 nạn nhân

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM tháng 5 và năm tháng đầu năm 2020 chiều 4/6, thượng tá Nguyễn Thế Lâm, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP.HCM, đã thông tin về tình hình tín dụng đen, cho vay qua app trên địa bàn thành phố.

Theo thượng tá Lâm, Công an TP.HCM đã tiến hành điều tra và đang thu thập, xử lý năm vụ liên quan đến cho vay tiền qua ứng dụng với khoảng 68.000 nạn nhân. Trong đó, một vụ đã khởi tố và chuyển VKS truy tố, bốn vụ còn lại đang được xác minh. Riêng vụ việc đã khởi tố có tới 60.000 nạn nhân với số tiền vay khoảng 15 tỷ đồng, trong đó các đối tượng thu lời 40,5 tỷ đồng. Hiện 12 người đã bị bắt, một người đang bị truy nã. “Hầu hết họ là người Trung Quốc” - thượng tá Lâm nói.

Thượng tá Lâm cho biết thêm, thời gian gần đây nổi lên hiện tượng cho vay tín dụng đen chuyển sang viết phần mềm, ứng dụng được cài đặt trên mạng và điện thoại thông minh để người dùng vay kết nối, thủ tục vay lại rất đơn giản. Tuy số tiền mỗi lần vay không nhiều, thường ở mức 2-5 triệu đồng nhưng lãi suất cao 1%-5%/ngày. Ban đầu người vay thấy đây là con số nhỏ nhưng qua thời gian dài số tiền sẽ rất lớn.

“Trước khi vay, người vay phải đồng bộ danh bạ điện thoại với bên cho vay. Nếu người vay không trả thì nhân viên của các app cho vay sẽ gọi điện thoại nhắc nợ theo từng cấp độ, bao gồm cả số điện thoại người vay và những số điện thoại trong danh bạ điện thoại người vay” - thượng tá Lâm thông tin.

Theo Thượng tá Lâm, nguyên nhân khiến những người cho vay tín dụng đen vẫn hoạt động được là do họ luôn tìm cách biến hóa, tìm ra phương thức thủ đoạn mới. Trong khi đó, nhiều người coi thường việc vay số tiền nhỏ, thậm chí không tính đến việc trả, đến lúc bị đòi gắt gao thì số tiền đã quá lớn.

Thượng tá Lâm đề nghị người dân cần cảnh giác với thủ đoạn cho vay qua app, đồng thời ngân hàng cần cải tiến thủ tục cho vay đơn giản, gọn nhẹ để người dân tiếp cận.

https://plo.vn/an-ninh-trat-tu/cashwagon-cho-vay-qua-app-tung-du-chieu-tro-doi-no-916808.html

Theo Tự Sang/Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm