Việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức được thực hiện từ năm 2003. Số lượng chứng chỉ bắt buộc hiện tại lên tới hơn 200. Không phủ nhận hệ thống này góp phần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Nhưng mặt trái, gánh nặng của nó dường như ngày càng lớn hơn.
Chứng chỉ - “giấy phép con”
Để đáp ứng quy định của ngạch công chức và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo tiêu chuẩn mới, chị Huỳnh Thị Ngọc Anh, công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM, từng phải sắp xếp công việc, rồi bỏ ra nửa tháng lương để đi học, thi chứng chỉ, trong khi công việc hàng ngày gần như không sử dụng đến.
“Khi tuyển dụng vào làm phải kiểm tra trình độ đạt yêu cầu mới nhận vào. Thứ hai, đã đi làm mà phải sắp xếp đi học các môn rất bất tiện, trong khi việc học này nặng về hình thức và không đảm bảo chất lượng", chị Ngọc Anh chia sẻ thêm.
Liên quan đến các loại văn bằng, chứng chỉ, những người công tác trong lĩnh vực báo chí cũng gặp phải khá nhiều phiền toái. Có những nhà báo thâm niên nhiều năm công tác, có tác phẩm đạt giải thưởng về báo chí vẫn phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ cho đủ thủ tục.
Một nhà báo giấu tên chia sẻ học viên có những người sở hữu hàng chục giải báo chí quốc gia nhưng vẫn phải ngồi nghe một cô phóng viên giảng về nghiệp vụ, đấy là những điều rất phi thực tế, nó không đem lại hiệu quả cho học viên. Nhưng vì yêu cầu, bắt buộc chúng tôi phải tham gia. Sau khi điểm danh, lớp sẽ vắng tanh.
Theo quy định hiện hành, để được tuyển dụng vào công chức, viên chức, người dự tuyển bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học. Muốn nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức cũng phải hoàn thiện nhiều chứng chỉ khác theo chức danh nghề nghiệp. Riêng cán bộ muốn được bổ nhiệm cũng phải có 7 văn bằng, chứng chỉ.
Rõ ràng, chứng chỉ, văn bằng đang trở thành gánh nặng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc cắt giảm những giấy tờ này là cần thiết, nhằm tiến tới loại bỏ dần “giấy phép con” trong công tác cán bộ.
Ông Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa - Giáo dục). |
Trước ý kiến của đội ngũ cán bộ công chức viên chức về những bất cập về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo tiêu chuẩn mới, cũng như chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn viên chức thuộc ngành mình. Bộ Nội vụ cũng bỏ 2 loại chứng chỉ này trong quá trình tuyển dụng cũng như thi nâng ngạch đối với đội ngũ công chức hành chính và chuyên ngành văn thư.
Trong khi đó, Bộ Thông tin Truyền thông đang lấy ý kiến sửa đổi quy định về nội dung, hình thức thi và xét thăng hạng đối với đội ngũ biên tập viên, phóng viên. Bộ Giáo dục và đào tạo cũng từng kiến nghị theo hướng chỉ yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Và mới đây nhất, Bộ Nội vụ đã chính thức đề xuất Thủ tướng Chính phủ giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chiếm 27% số chứng chỉ công chức hiện hành và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, chiếm 60% số chứng chỉ viên chức hiện tại.
“Loại bỏ chứng chỉ là phù hợp”
Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc loại bỏ các chứng chỉ này là phù hợp. Quy định thiếu tính thực tiễn sẽ phát sinh tiêu cực mua - bán chứng chỉ: “Việc quy định cho những người đang là cán bộ, công chức, viên chức thi bằng ngoại ngữ, tin học để đáp ứng cái này, đáp ứng cái kia thì đây là một quy định rất hình thức. Trong một thời gian dài đã mua được sự giả dối trong xã hội, cuối cùng chỉ là chạy bằng, chạy để lên lương, lên ngạch”.
Đồng quan điểm này, theo TS Văn Đình Ưng, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, cắt, giảm văn bằng, chứng chỉ không cần thiết đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức không chỉ giảm áp lực về học-thi mà còn góp phần giảm tiêu cực cho xã hội.
“Những văn bằng chứng chỉ mà mang tính hình thức lẽ ra chúng ta phải chấm dứt từ lâu rồi. Nhưng mà lần này chúng ta thấy, rất cảm ơn Bộ Nội vụ thực hiện cải cách văn bản, xóa bỏ những gì nhiêu khê. Trong đời sống kinh tế, các doanh nghiệp cũng cắt bao nhiêu giấy phép con, trong công tác cán bộ chắc chắn cũng phải giải phóng những cái đang cản trở, gây thị trường ngầm, biến giáo dục thành thị trường mua bán”.
Ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức viên chức, Bộ Nội vụ, cho biết cùng với chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, còn nhiều loại chứng chỉ "đặc thù nghề nghiệp" khó bị loại bỏ vì những lý do nghe rất hợp lý như "đảm bảo chất lượng công chức, viên chức".
Vì thế, đề xuất giảm các văn bằng chứng chỉ của Bộ Nội vụ nhận được sự hưởng ứng và tán đồng của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Bên cạnh đó, việc cắt giảm này còn có thể tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng:
Theo ông Long, lợi ích về kinh tế, Bộ chưa tính toán một cách chi li nhưng về tổng thể, ví dụ cứ 1 văn bằng chứng chỉ đi học 2,5-3 triệu. Đội ngũ công chức có khoảng 300.000 người, nếu khoảng 200.000 người phải đi hoàn thiện trong thời gian còn lại, nhân lên có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, chưa kể thời gian, chi phí xã hội, những cái phức tạp trong quá trình phải đi học.
Giảm chứng chỉ cũng làm triệt tiêu những tiêu cực phát sinh
Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng chi phí xã hội là con số rất lớn trong bối cảnh hiện nay. Về mặt xã hội, giảm chứng chỉ với công chức, viên chức cũng làm triệt tiêu những tiêu cực phát sinh như tội phạm làm giả bằng cấp, cơ sở đào tạo "mua bán" bằng cấp…
Về vấn đề này, PGS.TS Ngô Thành Can, giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia, cho rằng: quan trọng nhất vẫn phải căn cứ vào năng lực thực tiễn. Bởi đây là cơ sở quyết định người cán bộ công chức, viên chức đó có ở đúng vị trí của mình hay không? Và việc nâng cao trình độ phải là nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ công chức, viên chức; là yêu cầu của vị trí việc làm chứ không phải là cố gắng hoàn thiện các chứng chỉ "cứng" như cách chúng ta đang làm.
PGS.TS Ngô Thành Can, Giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia. |
Theo ông Can, chúng ta phải rà soát, xem xét tiêu chuẩn, yêu cầu này đã hợp lý chưa. Yêu cầu này phải được lấy ý kiến từ cơ quan sử dụng nhân viên và đội ngũ cán bộ. Thứ 2, chúng ta cần xem xét lại công tác tuyển dụng, đánh giá để làm sao vừa đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí nhưng phải lấy kết quả thực hiện công việc làm thước đo, lấy năng lực thực thi làm chuẩn chứ không xem nặng bằng cấp chứng chỉ. Và thứ 3 là trách nhiệm của cơ sở đào tạo, khi đào ta ra phải lưu ý chất lượng của văn bằng chứng chỉ tương đương khi đưa ra xã hội, như tin học, ngoại ngữ…
Trước băn khoăn việc không yêu cầu bắt buộc chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và một số chứng chỉ chức danh nghề nghiệp khác liệu có hạ thấp tiêu chuẩn cán bộ công chức, viên chức hay không?
LS Nguyễn Văn Chiến, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho biết bãi bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ không có nghĩa là không yêu cầu trình độ tin học, ngoại ngữ, trình độ chuyên môn. Bởi khi tham gia thi tuyển vào các cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức, viên chức đã phải trải qua một kỳ kiểm tra về trình độ, kỹ năng.
Quá trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, họ cũng đã được trang bị trình độ, kỹ năng làm việc. Vấn đề là sau tuyển dụng, các cơ quan xây dựng bộ tiêu chí đánh giá như thế nào để đánh giá được năng lực thực chất của cán bộ.
Theo luật sư Chiến, chứng chỉ ở bước đầu đưa vào hồ sơ công chức viên chức, hoặc khi nâng ngạch, đề bạt, bổ nhiệm. Nó chỉ là hình thức, còn chúng ta không kiểm soát được năng lực.
Do đó, với sự cải cách như hiện nay là bỏ chứng chỉ, chúng ta phải đồng thời nghiên cứu ngay những bộ đánh giá để chuẩn hóa tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ, công chức, viên chức, tạo ra động lực để phát triển, và tạo ra sự công bằng, thúc đẩy cho những người có năng lực thực sự mà họ mong muốn có sự đánh giá thực sự.
Ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức viên chức, Bộ Nội vụ, cho biết mỗi công chức, viên chức cũng cần có ý thức rèn luyện, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm.
Theo ông Long, việc nâng cao chất lượng đội ngũ quan trọng nhất là đáp ứng nhu cầu làm việc là tự thân của người học. Đội ngũ của chúng ta đi học nâng cao chất lượng, trình độ tay nghề rất tốt. Hiện nay, ở bộ ngành trung ương, công chức không sử dụng được tin học, vi tính, không làm được việc phải hoàn thiện.
Bản thân chứng chỉ không có lỗi. Nhưng tùy vị trí việc làm để xem chứng chỉ ấy có thực sự cần thiết hay không. Phải để việc học và cấp các chứng chỉ là nhu cầu tự thân của mỗi viên chức để rèn rũa kỹ năng, đồng thời phải đáp ứng các yêu cầu trong công việc của họ.