Cả nước đã bước vào vụ lúa Đông - Xuân nhưng hơn 200 ha đất nông nghiệp khu vực hạ lưu hồ thủy lợi Sông Biêu, thuộc hai xã Nhị Hà và Phước Hà (Thuận Nam, Ninh Thuận), đang bỏ hoang vì bị cắt nước.
Nông dân lượm phân bò mưu sinh
Anh Phạm Văn Tiến (ngụ tại thôn Nhị Hà 1, xã Nhị Hà) cho biết gia đình có hơn 10 ha trồng lúa tại xã Phước Hà, ngay kênh Nam của hồ Sông Biêu. Những năm trước, đây là thời gian tất bật gieo sạ vụ Đông - Xuân, vụ lúa chính trong năm, giờ đây ruộng của anh Tiến vẫn đang trơ gốc rạ khô vì không có nước.
Theo anh Tiến, khoảng 6 tháng nay, kênh Nam của hồ Sông Biêu bị cắt nước nên người dân có ruộng, rẫy tại khu vực chỉ sản xuất bằng nước mưa. Nông dân này cho hay khi bắt đầu vụ Đông - Xuân, chính quyền xã Nhị Hà có thông báo trên hệ thống loa phát thanh việc cắt nước tại khu vực, theo đó sẽ cắt nước kênh Nam để thu hồi đất đai của một số hộ dân lấn chiếm đất công.
Kênh Nam hồ Sông Biêu đã bị cắt nước từ 6 tháng trước. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
“Kênh Bắc của hồ vẫn mở nước nhưng kênh Nam lại đóng. Chúng tôi chỉ nghe thông báo là cắt nước để thu hồi đất của khoảng hơn chục hộ lấn chiếm. Nhưng vì một số hộ dân lấn chiếm mà cắt nước của hàng trăm hộ khác thì không công bằng”, anh Tiến bức xúc.
Cũng như anh Tiến, hàng chục hộ dân khác ở đây cũng đang đứng ngồi không yên vì đã vào vụ mùa mà không thể gieo sạ. Hệ thống mương thủy lợi chạy giữa những cánh đồng nhưng trong tình trạng khô cạn vì đã lâu không có nước.
Những nông dân hàng ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời đang phải lo lắng tìm công việc khác kiếm sống qua ngày. Một số người bỏ xứ đi làm thuê, số khác hàng ngày vẫn đi lang thang trên ruộng, rẫy khô trắng của mình để lượm phân bò, mỗi bao bán được 20.000 đồng mưu sinh qua ngày.
“Chúng tôi là nông dân thì chỉ biết cầm cuốc làm ruộng rẫy, bây giờ ruộng rẫy không làm được thì hoặc bỏ xứ đi làm thuê hoặc phải đi lượm phân bò kiếm sống qua ngày”, anh Tô Văn Tuấn, người dân Phước Hà, ngồi giữa 4 sào ruộng khô nứt nẻ, nói.
Anh Tô Văn Tuấn trên mảnh ruộng khô cằn chỉ cách mương thủy lợi vài mét. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Cũng theo những người dân, mặc dù cắt nước, không cho sản xuất nhưng chính quyền không có chính sách hỗ trợ gì.
Hồ Sông Biêu thiếu nước?
Bà Võ Kim Sơn, Chủ tịch xã Nhị Hà, xác nhận có việc cắt nước tại kênh Nam hồ Sông Biêu. Theo bà Sơn, huyện Thuận Nam chỉ đạo cắt nước để thu hồi đất tranh chấp, đất bỏ hoang, đất rừng bị lấn chiếm theo kết luận thanh tra toàn diện tình hình quản lý, sử dụng đất tại khu vực hồ Sông Biêu của tỉnh. Sau đó, đất thu hồi sẽ giao lại cho những hộ dân không có đất sản xuất.
Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thuận Nam, cho biết kênh Nam của hồ Sông Biêu cung cấp nước cho khoảng hơn 400 ha đất nông nghiệp. Khoảng 200 ha của người dân có giấy tờ hợp pháp, còn lại đất đang xem xét thu hồi.
Theo ông Hoàn, lãnh đạo huyện chỉ đạo miệng cắt nước trong một cuộc họp, tuy nhiên nguyên nhân chính là do hồ Sông Biêu thiếu nước, việc cắt nước để thu hồi đất chỉ là phụ.
“Hồ Sông Biêu không đủ cung cấp nước cho khu vực nên phải cắt nước khu vực trên. Đúng ra khu vực đó chưa cắt nước năm nay, nhưng do có việc thu hồi đất nên huyện ủy, ủy ban yêu cầu cắt”, ông Hoàn nói.
Hệ thống mương thủy lợi khô và đầy rác vì đã lâu không dẫn nước. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Tuy nhiên, trái với lời ông Hoàn, cán bộ trạm Thủy nông huyện Thuận Nam lại cho biết hiện hồ Sông Biêu đã tích đủ nước. Vị cán bộ này cũng cho hay khu vực bị cắt nước này không nằm trong diện cắt luân phiên do thiếu nước, mà do lãnh đạo huyện chỉ đạo mới cắt.
“Khu vực đó thuộc thượng nguồn, nên chỉ có thể cắt toàn bộ kênh chứ không thể cắt luân phiên. Chúng tôi đang chờ huyện chỉ đạo để mở nước cho dân sản xuất”, cán bộ này cho hay.
Ông Lê Huyền, Chủ tịch huyện Thuận Nam, cho biết khu vực mà người dân phản ánh không được cấp nước để thu hồi đất. Chủ tịch huyện cho hay xã Nhị Hà có phản ánh tình trạng thiếu nước của người dân, tuy nhiên xã lại không đảm bảo được việc nếu mở nước sẽ đảm bảo tiến độ thu hồi đất. Và huyện không có chương trình hỗ trợ cho người dân bị cắt nước tại khu vực trên.
“Chúng tôi sẽ cho rà soát lại diện tích đất ảnh hưởng của việc cắt nước và tiến độ thu hồi đất của xã Nhị Hà. Sau đó, chúng tôi sẽ có hướng xử lý sớm cho người dân”, Chủ tịch huyện Thuận Nam nói.
Xã Nhị Hà, nơi người dân bị cắt nước để thu hồi đất. Ảnh: Google Maps. |