Cát Phượng: ''Đến giờ tôi vẫn yêu Thái Hoà...''
Mang tiếng cười đến với nhiều người nhưng khi gặp chuyện buồn, Cát Phượng lại không thể chia sẻ cùng ai. Sau những khủng hoảng nghề nghiệp và tình yêu, Cát Phượng hài lòng với cuộc sống cô đơn hiện tại.
>>Cát Phượng không còn niềm vui cho riêng mình
>>Cát Phượng: Ba lần yêu người có vợ
Chúng tôi hẹn Cát Phượng trong một buổi chiều mưa, khi cô vừa chạy từ phim trường ở Thủ Đức về trung tâm TP HCM. Hôm ấy, đoàn phim Cát Phượng đang tham gia tranh thủ quay gấp, nên đến tận đầu giờ chiều, chị mới được ăn trưa. Cát Phượng gọi mấy món mình yêu thích rồi ăn vội vàng trong một góc cà phê ồn ào.
Buổi hội ngộ bắt đầu như thế, thật hiếm khi tôi mới có dịp nghe chị kể rất nhiều về mình. Có những lúc, câu chuyện bị ngắt quãng giữa chừng, Cát Phượng lặng đi và hướng mắt về một khoảng không gian xa xăm vô định…
Diễn hài để nuôi con
- Một thời trên sân khấu chính kịch, hình ảnh Cát Phượng gắn liền với hai nhân vật Thị Nở (vở "Chí Phèo") và Tám Bính ("Bỉ vỏ"). Mãi đến gần đây, khán giả mới có dịp gặp lại chị trong vai Nương của "Cánh đồng bất tận". Cát Phượng hết thích diễn chính kịch như ngày xưa rồi sao?
- Không phải thế, vì tôi có ít cơ hội đấy thôi. Đầu năm 2006, tôi được mời đi Mỹ lưu diễn. Tôi đi sáu tháng về mới hay một đàn chị ở nhà vì giận nên cắt hết những vai diễn tâm huyết của mình.
Lúc đó tôi cũng buông luôn chính kịch và đi diễn hài thường xuyên hơn để kiếm tiền lay lắt nuôi con. Tuy nhiên, thật tâm tôi vẫn trông chờ vai diễn hay trên sân khấu chính kịch để quay về. Lúc đó, một năm tôi đi diễn ở Mỹ hai, ba lần nên cũng không dám xin về Sân khấu kịch Idecaf. Tôi diễn hài suốt ba năm. Đến 2009 đạo diễn Minh Nguyệt mời tôi đóng Cánh đồng bất tận. Đọc kịch bản, tôi nhận lời liền. Khi diễn chính kịch, tôi như cá gặp nước.
- Nhưng một thời gian dài, khán giả ruột của Cát Phượng cũng đã quen với hình ảnh chị trong các tiểu phẩm hài. Vậy tại sao chị lại quay về?
- Diễn chính kịch làm sao kiếm được nhiều tiền. Tôi nhận lời vì thứ nhất, lâu quá không được làm kịch, thứ hai là kịch bản quá hay. Tôi cũng đọc truyện Cánh đồng bất tận rồi và rất mê, nên khi tác phẩm được chuyển thể thành kịch, tôi thích vô cùng. Nhờ vậy, Cát Phượng lại có thêm một vai diễn được nhiều người nhớ đến.
Có một lần, tôi đi chùa ở Long Thành, nhiều khán giả lớn tuổi nắm tay khen: “Con diễn Cánh đồng bất tận hay quá”. Vào trong thắp hương, khán giả trẻ lại bảo: “Trời, lần đầu tiên được xem bà đóng bi kịch đó, mọi lần toàn xem bà diễn hài”. Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ mình phải thuyết phục họ bằng cách diễn của mình chứ không phải vì nhân vật trong kịch bản.
- Cát Phượng thích hóa thân vào các vai bi và luôn mong có cơ hội thể hiện những vai đẫm nước mắt, nhưng vì kế sinh nhai, chị bị cuốn trôi theo hài kịch suốt một thời gian dài. Có bao giờ chị thấy tiếc vì đã để tuột mất ước mơ, sự đam mê và dự định của thời xa xưa?
- Đâu riêng mình tôi gặp trường hợp như thế, có những người khác cũng mơ ước nhiều nhưng không thực hiện được. Cuộc đời tôi lao đao và nhiều nỗi buồn, như chuyến xích lô tôi đi quanh thành phố vào hôm tôi buồn nhất.
Hôm đó, tôi ra trung tâm Sài Gòn chơi, thấy một thanh niên đạp xích lô trò chuyện bằng tiếng Anh với người nước ngoài rất lưu loát. Tôi hỏi mới biết cậu ấy đã tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc nên đi đạp xích lô. Nghe chuyện, tôi tự nhủ mình không nên quá buồn và tuyệt vọng. Từng ấy người trong cuộc sống này, mỗi người một số phận, có thể tôi và cậu ấy vẫn còn may mắn hơn những người khác.
Khi được mời đóng Cánh đồng bất tận, tôi nhận ngay, không biết khán giả có đón nhận hay không nhưng tôi vẫn làm cho thỏa sức. Tôi hay nói với em út là đừng quá hy vọng vào điều gì vì sau đó mình sẽ thật vọng và càng đau đớn hơn. Nghĩ như thế không có nghĩa là buông xuôi mà để có động lực và biết quý cơ hội. Có lúc tôi tưởng như đã tuyệt vọng với nghề diễn nhưng chuyển qua hài, tôi lại thấy hợp, không phải đơn giản chỉ vì kiếm được nhiều tiền mà còn giúp tôi cảm thấy thư thái hơn. Tiếng cười làm cho con người tươi trẻ ra.
Mong các đàn chị đừng đối xử với đàn em như thế nữa
- Có khi nào chị mong thời gian qua nhanh, trời mau tối để được diễn, được đứng trên sân khấu?
- Thường xuyên. Ít ai thấy được tôi khóc, vì đêm tối, tôi mới ngồi khóc một mình. Bình thường, tôi chọn cách thả mình vào những vai diễn như Tám Bính, Thị Mầu… để vơi đi những niềm riêng, giải tỏa cảm xúc của mình. Tôi có thể khóc ngon lành trên sân khấu mà không cần vận dụng một chút thủ thuật diễn xuất nào.
Cát Phượng trên sân khấu kịch |
Diễn hài khổ hơn nhưng được khán giả ủng hộ, nghe họ cười, tôi cũng quên hết, đến khi về nhà, nỗi buồn mới thấm. Sân khấu là cuộc đời của tôi. Khi mới bỏ chính kịch đi đóng hài đêm nào tôi cũng nhận show. Bây giờ lại khác, một tuần tôi cho phép mình nghỉ một ngày để đưa con đi chơi, phải biết cân bằng mọi thứ trong cuộc sống.
- Năm 2006, sau chuyến lưu diễn về lại Việt Nam, những hình ảnh, poster của Cát Phượng ở sân khấu chị đang cộng tác đã bị gỡ bỏ hết, khi ấy chị có cảm thấy tuyệt vọng?
- Tôi cảm giác giống như cánh cửa đến sân khấu của mình bị đóng sập. Nếu không có con trai, tôi không biết mình sẽ về đâu. Đó là một sự sụp đổ đến tận cùng khiến tôi bị khủng hoảng. Có lần tôi cũng đã ngồi nói chuyện trực tiếp với chị, người quản lý sân khấu đó, chị ấy bảo có nghe nhiều người nói tôi không muốn hợp tác với chị nữa. Nghe thế, tôi giận lắm hỏi ngay: “Sao chị không hỏi trực tiếp em? Giờ, người ghét mình nhiều hơn là người thương, chị làm lãnh đạo như thế thì em không tôn trọng chị. Chị không thích làm việc với em nữa, em chấp nhận nhưng những vở kịch em bỏ xương máu dựng lên em phải diễn, không ai được thế”.
Lúc đó, tôi quả thật thấy nản vì không biết bám víu vào ai nữa. Tôi nghĩ, nuôi con bằng gì đây? Tôi mong sau này chị ấy đừng đối xử với đàn em như thế.
- Bây giờ mọi chuyện đã qua rồi, chị suy nghĩ gì về tình bạn, tình đồng nghiệp, cuộc sống?
- Tôi nghĩ sống là do ăn ở thôi và những chuyện xảy ra là cái hạn của mình. Giận chị ấy thì giận, chứ cũng do miệng lưỡi thế gian nói ra nói vào nhằm lúc vận hạn của mình. Khổ thì mình phải tự cứu, không lẽ tôi ngồi đó than thở, trách móc hoài.
Thật ra, qua “tai nạn” đó, tôi thầm cảm ơn chị. Ở sân khấu chính kịch, khán giả có nhiều nhưng chỉ dừng ở mức nhất định. Trong khi đó, sân khấu của hài kịch rộng hơn, nhờ đó tôi có thêm một lượng khán giả mới. Tất nhiên, không phải vì thế mà tôi bỏ chính kịch. Đi diễn, người ta giới thiệu tôi là danh hài, tôi không thích. Tôi luôn yêu cầu MC giới thiệu mình là nghệ sĩ Cát Phượng.
Mang tiếng cười đến với nhiều người... |
- Cát Phượng là một trong những gương mặt đầu tiên gắn bó với sân khấu đó từ lúc mới ra đời, còn khó khăn. Giờ nó ăn nên làm ra, chị có thấy tiếc không?
- Sâu khấu ngày xưa tôi cộng tác giờ phát đạt một phần cũng do người quản lý quá giỏi. Chị ấy không cần tôi nữa, tôi cũng buồn thật đấy nhưng không bao giờ tự cho mình thiểu não, thê lương. Như vậy càng già thêm, tôi không làm chỗ này thì làm chỗ khác.
Tình yêu không còn sự hy sinh
- Sau này Cát Phượng đi diễn, động lực kiếm tiền nhiều hơn là tâm huyết?
- Sau “trận” với đàn chị, tôi nghiệm ra một điều, sống không vì mình trước sẽ bị trời phạt. Ví dụ, giờ ai mời về diễn, tôi vẫn diễn hết mình trên sân khấu, nhưng sự nhiệt huyết không còn như ngày xưa. Bây giờ, với tình yêu, tôi cũng không hy sinh nữa nói gì đến nghề nghiệp.
- Sao lúc gặp nhiều khó khăn trong công việc, chị không cố giữ lấy hạnh phúc và có chỗ dựa về kinh tế, giống như chị từng nói có người vẫn chọn cách cam chịu để còn có người nuôi?
- Chuyện của tôi không phải vì tiền nhé! Tôi nghĩ chia tay là cách giải thoát tinh thần cho bản thân. Nhiều người cứ cam chịu rồi để cuộc sống của mình chết lúc nào không hay. Chuyện tôi và Thái Hòa cũng giống như kịch và tấu hài vậy, hai thế giới khác nhau, khó hòa hợp. Làm việc chung thì tốt, còn sống với nhau lại không.
Tôi tin vào duyên số lắm. Vợ chồng cũng là duyên nợ, có duyên thì gặp, có nợ thì sống lâu dài. Thậm chí, có đánh nhau cũng vẫn phải sống với nhau. Tôi và Thái Hòa có cái duyên gặp nhau nhưng cái nợ ngắn quá. Tính tôi tự lập quen rồi nên cũng chẳng có gì hụt hẫng lắm.
- Cuộc đời chị có bao nhiêu bước ngoặt?
- Cũng không nhớ rõ lắm, nhưng theo học trường sân khấu là bước ngoặt quá lớn, không giống với những gì tôi đã hình dung về sự xa hoa trong thời giới của nghệ sĩ. Nhiều lúc đói quá, tôi thường xuyên phải đi bán máu để lấy vài chục ngàn ăn mì gói. Ngay cả bây giờ, nếu không đi diễn tôi cũng chẳng biết làm gì ra tiền mà chi trả cho đủ thứ hóa đơn. Vả lại, tình yêu sân khấu lớn quá, còn chút hơi thở, tôi cũng bám lấy. Thậm chí, tôi tự lập bàn thờ Tổ ở nhà. Anh Minh Nhí giờ vẫn còn chọc là Tổ nghiệp sợ quá, thấy tôi khấn 30 tuổi mà chưa nổi tiếng thì sẽ tự tử nên vội cho tôi nổi tiếng trước 30 tuổi.
... nhưng khi gặp chuyện buồn, Cát Phượng lại không thể chia sẻ cùng ai. |
Tôi nghĩ, trong cuộc sống, quan trọng là mình phải có niềm tin. Nhiều khi có chuyện buồn phiền, tôi cũng không biết tâm sự cùng ai. Thực ra, chính xác là tôi không thích vì sợ rằng họ có hiểu mình hay không hay lại đi nói lung tung? Tôi đã gặp quá nhiều trường hợp như thế rồi.
- Lúc chia tay sân khấu chính kịch mình cộng tác trước đó cũng là lúc chị ly dị. Như vậy có nghĩa là đàn chị mà chị nhắc đến đã đứng về phía Thái Hoà?
- Ngày chúng tôi chưa chia tay, chị ấy đã từng hỏi Thái Hoà rằng: “Hoà, mày định đi tấu hài hoài vậy sao?”. Tôi nghe được và hỏi lại: “Sao chị lại nói thế?”. Chị ấy cũng thấy mình đã đi quá xa nên không nói gì thêm.
Thật ra, chị ấy không muốn Thái Hoà đi diễn hài với tôi. Vì thế, khi tôi đi Mỹ diễn, có nhiều người nói ra nói vào, đó cũng là cái cớ để chị ấy đuổi tôi ra khỏi sân khấu. Cuộc đời tôi gặp nhiều dấu ấn lắm!
Cuộc sống bây giờ đau nhưng thú vị
- Hạnh phúc của chị hiện giờ là gì?
- Tôi không tham vọng, sân si và bon chen nữa. Bạn bè được là mừng cho họ, vì số họ may mắn hơn mình. Hạnh phúc của tôi là hàng ngày nhìn thấy con trai lớn khôn, suy tính xem mình kiếm được bao nhiêu tiền cho con. Nếu để lựa chọn cuộc sống bây giờ và ngày trước, tôi chọn bây giờ. Nó đau nhưng thú vị, như vậy mới là cuộc đời. Tôi không phải là người thuộc về đám đông. Tôi thích cuộc sống đơn giản, tôi hay giải trí một mình bằng cách xem phim, đọc sách. Tôi tạm hài lòng với cuộc sống này.
- Sau những đổ vỡ chị còn hứng thú để kiếm một người đàn ông nào cho mình?
- Bây giờ, xung quanh tôi không thiếu đàn ông, lớn tuổi và kém tuổi đều có nhưng hình như tôi đã biết sợ. Tôi trở nên e dè hơn trong các mối quan hệ. Tôi không muốn thay đổi cuộc sống hiện tại. Nếu có một người nào đó yêu tôi, liệu họ có thương con tôi không?... Nếu không khéo lại ly hôn nữa thì khổ. Hôn nhân thất bại, người phụ nữ thiệt nhiều. Khi chia tay Thái Hoà, đầu óc tôi nặng nề lắm.
- Ngoài việc không muốn không gian riêng bị phá vỡ, chị có nghĩ rằng họ đến với mình vì mục đích nào đó?
- Có chứ. Không có gì là không thể xảy ra, nhưng sợ hoài thì không thể sống nổi. Khi yêu một ai đó, tôi không quan trọng nhỏ tuổi hay lớn tuổi. Muốn người ta yêu mình, trước hết mình phải yêu người ta chân thành.
Bây giờ tìm một người đàn ông yêu mình không khó, nhưng chấp nhận một người là khó lắm. Tôi chọn sống cô đơn với con thế này, mỗi tối chạy show, tôi cũng đi một mình, sáng đưa con đi học cũng một mình… Có hôm đi Thủ Đức để quay phim ban đêm, tôi vẫn một mình đi xe máy, trông giống người đàn ông. Một lần tôi bị cướp, chúng không lấy được tiền nên đạp ngã cả người lẫn xe khiến tôi phải nằm viện một thời gian.
Sau khi chia tay, tài sản lớn nhất của tôi là con trai. Tài sản tiền bạc mất có thể lấy lại được, nhưng con trai là tất cả đối với tôi.
Thích ngắm những đôi yêu nhau
- Hiện nay, công việc của Cát Phượng rất nhiều. Nó có thể giúp chị bớt buồn nhưng những khi không làm gì chị có thấy lạc lõng trong cái thành phố đông đúc này?
- Có chứ, tôi sợ nhất mỗi khi về nhà, đẩy cửa vào, thấy không có ai, tôi mở tivi lớn để phá tan sự im lặng. Thời gian đó cũng qua rồi, hiện tại tôi sống với mẹ và con trai.
"Sau khi chia tay, tài sản lớn nhất của tôi là con trai" |
Lúc trước, nếu biết phải về nhà chỉ có một mình, tôi chọn phương án ra đường, đến nơi càng đông càng tốt. Tôi thích nhìn ngắm những đôi uyên ương hạnh phúc, tôi vui và mừng cho họ. Tôi mượn niềm vui của người ta làm tiếng cười cho mình.
- Như vậy Cát Phượng có khả năng vay mượn cảm xúc?
- Cuộc sống nghệ sĩ vốn đã vay mượn rồi. Thực tế, không chỉ có nghệ sĩ mới vay mượn cảm xúc đâu, có những người bình thường còn giỏi hơn nghệ sĩ đấy chứ.
Khi tôi thấy người khác vui, hạnh phúc là tôi cười, đó là cảm xúc thật chứ không phải diễn. Tôi cũng từng trải qua những khoảnh khắc như vậy, niềm vui của họ giúp những phút giây ngọt ngào của đời tôi sống lại. Hơn nữa, đời người vốn ngắn ngủi, nhiều áp lực nên phải biết tận dụng hạnh phúc từ những điều giản dị nhất.
- Bao nhiêu năm trong nghề, lẽ ra chị phải quen với thị phi, với áp lực cuộc sống của giới showbiz, thế sao chị lại để mình phải cảm thấy cay đắng thế?
- Tôi là người nổi tiếng nhưng thật ra bình dân lắm. Trong cuộc sống, tôi vẫn là một Cát Phượng như ngày nào. Rời sân khấu, tôi chẳng khác ai mấy, có những niềm vui đôi khi quá đỗi bình thường so với người khác. Tuy nhiên, đó cũng chính là điểm khác của Cát Phượng mà không phải nghệ sĩ nào cũng có.
- Con chị cũng đã năm tuổi rồi. Ít lâu nữa cháu sẽ có định hướng nghề nghiệp. Sau những gì đã trải qua, chị lo ngại cháu cũng theo nghệ thuật?
- Tôi sẽ không cấm đoán con tôi bất cứ điều gì nếu cháu thích. Thậm chí, tôi sẵn sàng truyền hết kinh nghiệm đời mình cho con. Tuy nhiên, tôi phải rằng buộc điều kiện với cháu là đã chọn thì phải theo đến cùng, không được bỏ giữa chừng.
Sau này nếu cháu lấy vợ, tôi cũng sẽ hỏi: “Con có thật sự yêu người này hay không?, Nếu không có cô ấy, con có sống được không?”. Đó là những vốn sống giúp cháu vượt qua được khó khăn mà tôi đã từng nếm trải, chứ không cấm đoán gì cả. Như chuyện đời tôi, đến giờ tôi vẫn yêu Thái Hoà nhưng sống lại với nhau là không được. Người ta nói: “Yêu nhau thì dễ, sống với nhau mới khó…”
- Cát Phượng có e ngại cháu trưởng thành trong một gia đình thiếu bóng dáng đàn ông, sẽ thiếu đi bản lĩnh, mạnh mẽ?
- Tôi luôn tạo cho con tính tự lập. Cái gì làm được phải tự làm, nếu ngã phải tự đứng lên và không được khóc. Tôi muốn con mình trở thành một người đàn ông thực sự.
Theo Thế Giới Văn Hóa