Cát Phượng từng bị đuổi học vì chạy sô
Chỉ học ở trường sân khấu vỏn vẹn một năm là bị… đuổi, từng có những năm tháng bán máu mua mì tôm ăn, vậy mà mới đây, chị bỏ tiền đầu tư và tự tay dàn dựng một vở kịch diễn Tết.
Tưởng chị cao hứng làm liều, chẳng ngờ vở Chưa yêu sao hiểu được của chị lại trở thành vở “hot” trên sân khấu Kịch 5B suốt từ ngày đầu xuân đến nay. Nhân vật chính của những điều “trái khoáy” đó chính là Cát Phượng!
- Đang yên ổn và cũng khá thành công với nghiệp diễn, vì sao chị muốn “lao đầu vào đá” với công việc dàn dựng nhiều cực nhọc khi chưa từng học qua trường lớp? Phải chăng vì làm đạo diễn thì sang hơn là diễn viên?
- Không, tôi không hề nghĩ tới chuyện sang hèn. Bản tính tôi hễ thích là làm, không ai cản được. Có khi thành công và đã không ít thất bại. Nghề diễn viên, nếu làm hết mình cũng nặng nề không thua gì đạo diễn, chỉ khác một điều: vị trí của diễn viên là đứng đối diện với khán giả, còn đạo diễn thì phải “núp” ở phía sau.
- Giữa sự liều lĩnh và lòng tin, chị nghiêng về bên nào trong trường hợp này?
- Tôi không liều mà tin vào sức lực mình có. Tôi dựng vở đầu tay này vì nhiều lý do. Đầu tiên là muốn hỗ trợ cho Hữu Tiến trong việc làm bài tốt nghiệp. Sau nữa là để tạo đất diễn cho một vài diễn viên trẻ tôi quý mến. Gặp tôi, các em cứ hỏi “chị Cát có gì cho em làm với”. Và tôi đã chọn một kịch bản có đề tài về tình yêu của tác giả Vương Huyền Cơ để thử sức mình và tạo sân chơi cho các em.
- Sự phản hồi của khán giả có khiến chị bất ngờ? Và theo chị, yếu tố nào đem lại thành công cho vở diễn, phải chăng nhờ có sự hiện diện của nghệ sĩ ưu tú Ngọc Giàu?
- Không riêng mình tôi, tất cả êkíp làm vở đều bất ngờ trước những hiệu ứng tích cực từ khán giả. Có người hỏi thẳng có phải đúng là Cát Phượng dựng không? Lần đầu tiên tôi chẳng những không giận mà cảm thấy hạnh phúc trước sự nghi ngờ “khiếm nhã” như vậy.
Còn nhờ vào yếu tố gì à? Trước hết là kịch bản tốt, chỉ cần đạt 70% chất liệu là đủ, 30% còn lại, mình chỉnh sửa, thêm mắm giặm muối cho vừa khẩu vị người xem. Và hẳn nhiên, ở đây, yếu tố diễn viên nắm phần quyết định lớn, trong đó công đầu phải kể là của nghệ sĩ ưu tú Ngọc Giàu.
“Má” Giàu là một diễn viên tài năng, đã bỏ diễn một thời gian dài vì chỉ muốn được làm việc với một sân khấu tử tế, biết tôn trọng khán giả. Tôi vừa ngỏ lời là má gật đầu ngay.
- Từng bị đuổi học vì bỏ lớp chạy sô, vậy mà thấm thoắt chị cũng đã có hơn 20 năm tuổi nghề. Nhìn lại chừng ấy năm, chị thấy mình được nhiều hay mất nhiều?
- Tôi đến với nghề này chỉ vì một chữ yêu. Gia đình tôi sống ở Bạc Liêu, lúc mới lớn, chỉ một lần theo cha “đi Sài Gòn” nghe trường sân khấu có tuyển sinh, thích quá bèn thi đại, đến bây giờ tôi cũng không hiểu sao ngày đó mình lại đậu! Nhưng gia đình tôi nghèo lắm, hồi nhỏ, tôi phải vừa đi học vừa phụ mẹ buôn bán lặt vặt. Khi lên Sài Gòn học, tôi phải tự bươn chải, cũng vừa học vừa theo bạn bè trong trường đi làm, ai kêu gì làm nấy, cốt sao có tiền trang trải cuộc sống nên phải bỏ nhiều giờ học, bị nhà trường cho nghỉ. Nhưng tôi không muốn về quê hay tìm công việc gì khác, cứ đau đáu một ước mơ được theo nghề diễn mà tôi có cảm giác như yêu nó hơn chính bản thân mình.
Khi chưa được ai cho vai gì, tôi phải vay mượn tiền bạn bè, bán máu lấy tiền mua mì gói ăn đỡ, nước mắt rơi xuống chan với nước mì. Như người mê sảng, tôi cứ đi tìm, cứ lao tới, cứ chờ một ngày khởi sắc cho mình mà không biết phải bắt đầu từ đâu. Phải mất đến gần bảy năm, khi vai Út Đẹt trong vở Yêu thầy (sân khấu 5B) của tôi ra mắt, lúc đó cái tên Cát Phượng mới được người ta biết đến.
Hơn hai mươi năm làm diễn viên, với tôi, sự khổ ải nhiều hơn điều may mắn. Nhưng như là cái nghiệp, như bị bùa mê thuốc lú bởi một người tình chỉ chực làm khổ mình, như là đứa con mình phải đeo mang, không ít lần rớt nước mắt với nó nhưng không thể bỏ. Bởi trong muôn trùng cái khổ đó, còn lấp lánh những niềm vui. Nghề đã cho tôi chút ít tên tuổi, tiền bạc và hạnh phúc từng ngày qua những công việc làm được. Mỗi khi ra đường, đi đến các tỉnh xa, khán giả nhận ra mình, đến nắm tay thăm hỏi. Đó chính là động lực để mình tiếp tục đeo bám cái khổ.
- Suốt trong thời gian dài chờ “ngày khởi sắc” đó, chị dựa vào điều gì để nuôi dưỡng lòng tin?
- Chỗ dựa của tôi là lòng yêu nghề và tin vào năng lực chính mình. Tôi là người có lòng tin mạnh mẽ vào bản thân, biết mình mạnh gì, yếu gì. Tôi luôn nghĩ tại mình chưa có cơ hội để phát huy khả năng nên cứ chờ, cứ đợi mà không bỏ cuộc.
Vậy, Cát Phượng mạnh gì, yếu gì?
- Mạnh về những vai biểu lộ sự gai góc, bản lĩnh; yếu trong những vai cần sự nhu mì, mềm mỏng, ướt át.
- Dường như chị luôn đưa nhân vật nhập vào tính cách của Cát Phượng chứ không phải ngược lại như nghề đòi hỏi là diễn viên phải hoá thân vào nhân vật. Theo chị, đó là điểm mạnh hay yếu?
- Vừa mạnh vừa yếu. Yếu là sẽ không đóng được nhiều dạng vai, nhưng mạnh là phả iđược vào nhân vật tính chân thật. Dù muốn dù không thì nhân vật cũng mang hình hài và ít nhiều nét riêng của người sắm vai nó. Tôi là người ưa sống thật, từ trong cuộc đời lên tới sàn diễn. Người ta thường nói tôi diễn theo bản năng nhiều hơn kỹ thuật. Biết vậy, song tôi không thể làm khác vì mỗi lần nhập vai, tôi như lên đồng, coi nhân vật là máu thịt của mình.
- Chị tự nhận xét mình như thế nào trong vai trò đạo diễn?
- Có tính quyết đoán và tin vào cảm nhận của mình, biết lắng nghe sự góp ý của mọi người. Khi làm việc với diễn viên, tôi rất nóng tính, thường thiếu sự bình tĩnh cần thiết nhưng tất cả cũng chỉ vì tôi muốn có được cái tốt nhất cho vở, cho diễn viên.Chị không sợ sự nóng nảy đó sẽ dễ làm các cộng sự bỏ đi sao?
Tôi không sợ vì người bỏ đi trong trường hợp này là người không cầu tiến và tôi không cần những người như vậy trong tác phẩm của mình!
- Chị có bao giờ nghe khán giả chê Cát Phượng diễn thiếu duyên trong một số vai?
- Món ăn cũng có món ngon, món dở. Một vai diễn cũng có lúc được lúc không. Diễn viên diễn không duyên dáng có khi do kịch bản thiếu đất, có khi do sức khoẻ bữa đó không được tốt khiến vai bị “tuột”. Với tôi, thường thì dù đang bệnh, lên sân khấu vẫn rất máu lửa, nhưng đôi khi sức khoẻ trục trặc khiến mình không làm chủ được bản thân. Những lúc như thế, tôi cảm nhận được ngay. Tôi không bao giờ tự huyễn hoặc mình. Diễn xong một vai, tôi biết mình xứng đáng được mấy điểm.
“Cô giáo” trong tôi thường tự cho điểm trung bình khá nhưng bữa nào cả ngày ở trường quay, tối về diễn kịch, y như rằng sau đó là về nhà với cảm giác hối hận.
- Bị “người tình” sân khấu bỏ bùa làm cho khổ cực trăm bề, vậy có bao giờ chị thấy mình đã chọn lầm đường?
- Càng ngày tôi càng nhận ra con đường mình chọn là hoàn toàn đúng. Những khổ cực ngày trước bây giờ bỗng trở nên có ý nghĩa. Dẫu đó là nước mắt, là mồ hôi, là cả máu nữa… nhưng chính là một phần đời không thể thiếu của mình. Tôi luôn trân trọng giai đoạn khổ ải đó. Và càng đi tới trước, khi ngoái nhìn lại, càng thấy thương hơn những ngày tháng cũ.
- Ăn nói không hoa mỹ, không rào trước đón sau, đi đứng nhanh nhẹn, mạnh bạo, tính tình thẳng thắn… có người nói Cát Phượng đàn ông quá, cần chi đàn ông nữa?
- Người ta không hiểu mình nên mới nói vậy. Tính cách trời sinh và hoàn cảnh sống buộc tôi phải tỏ ra mạnh mẽ mới trụ được với đời, nhưng tôi vẫn là một phụ nữ với những tố chất và nhu cầu như những phụ nữ bình thường khác. Khi là vợ, tôi cũng lo chợ búa, cơm nước, giặt giũ cho gia đình nhỏ của mình với niềm yêu thích thực sự. Khi là mẹ, tôi hạnh phúc được tắm cho con, cho con ăn, ru con ngủ, dạy con học, nhìn con lớn lên từng ngày. Luôn tỏ ra quyết đoán, mạnh mẽ ở ngoài đường nhưng khi về nhà tôi cũng muốn được dựa đầu vào vai người đàn ông của mình, được yêu thương, chăm sóc.
Không ai hiểu mình bằng chính mình. Nhiều đêm, không có một vòng tay đàn ông để tựa đỡ, tôi thấy mình quá đơn độc, phải vác con lên vai đi tới đi lui cho đỡ cô quạnh.
- Bỗng dưng trở thành người phụ nữ đơn thân nuôi con, chị đối diện với khó khăn đó như thế nào?
- Sự buồn đau, tâm trạng nặng nề lúc gia đình tan đàn xẻ nghé cũng từ từ nguôi ngoai. Mẹ con tôi về sống chung với gia đình bên ngoại, chị em, bà cháu cùng chăm lo cho nhau nên cuộc sống khá thoải mái, không thấy có gì khó khăn. Cu Bom con tôi thỉnh thoảng được ba đưa đón, mua đồ chơi nên không mấy khi có cảm giác thiếu thốn. Vả lại, tình cảm trẻ con như cây non, ai gần gũi thương yêu nhiều hơn, nó sẽ hướng về người đó. Có khi tôi đi diễn ở Mỹ mấy tháng, ở nhà, con vẫn được chăm sóc tốt.
- Những lúc gặp chuyện buồn, chị thường làm gì để vượt qua nó?
- Chỉ biết khóc và khóc, khóc cho trôi đi hết nỗi buồn. Nước mắt khô rồi, ngày mai lấy lại tinh thần, làm việc tiếp.Với tư cách “người trong cuộc”, chị có thể tiết lộ chút ít: giới nghệ sĩ thường nghĩ gì về nhau?Bằng mặt mà không bằng lòng. Khi mình thành công thì bị ghen ghét, lúc mình thất bại lại tỏ ra thương hại nhưng hầu hết là đầu môi chót lưỡi, ít có ai thật lòng lo lắng cho đồng nghiệp. Gần như đó là căn bệnh chung của nghề. Tôi biết vậy nên riết rồi thành quen. Ai sống thật với mình, mình sống thật lại; ai giả tạo, mình tránh tiếp xúc để không làm họ mất lòng.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị