Mới đây, các bác sĩ khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn - đã tiếp nhận bé sơ sinh 6 ngày tuổi được chuyển đến từ Trung tâm y tế huyện Đình Lập do bị nhiễm trùng uốn ván rốn. Đây là trường hợp sơ sinh nhiễm trùng uốn ván mới xuất hiện trở lại tại bệnh viện sau gần 20 năm.
Bé L. đang được điều trị tại bệnh viện. |
Bé Phún Văn L. (Khe Luồng, Kiên Mộc, Đình Lập) là con thứ 4 trong gia đình dân tộc Dao, nhập viện trong tình trạng sốt, co giật toàn thân, môi tím, cứng hàm. Mẹ của bé trong các lần mang thai không tiêm phòng uốn ván và đều tự sinh tại nhà, không đến cơ sở y tế. Sau khi sinh bé L., người nhà tự cắt cuống rốn bằng kéo chưa được vô khuẩn.
Bé được chẩn đoán nhiễm trùng uốn ván rốn. Bệnh nhi đã được điều trị tích cực nhưng do nhiễm trùng nặng, thể trạng yếu nên đã không qua khỏi.
Uốn ván sơ sinh (dân gian gọi là sài uốn ván) là một bệnh nguy hiểm, gây tử vong cao. Bệnh do trực khuẩn uốn ván gây ra. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là dụng cụ cắt cuống rốn không đảm bảo vô khuẩn, nhất là những trẻ được đỡ đẻ tại nhà, làm cho vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể. Một số trường hợp, việc chăm sóc cuống rốn cho trẻ sau khi sinh không đảm bảo vệ sinh, dẫn tới bị bệnh.
Ở giai đoạn đầu của bệnh, trẻ khóc nhiều, sau đó xuất hiện dấu hiệu chum môi, không bú được, co giật. Với bất cứ kích thích nhẹ nào như âm thanh, ánh sáng, bệnh nhi đều lên cơn co giật, cơn co giật mạnh liên tục sẽ kèm theo những cơn ngừng thở, có thể đe dọa đến tính mạng.
Tỷ lệ trẻ tử vong do uốn ván sơ sinh khá cao (34-50%). Một số trường hợp mặc dù được điều trị qua khỏi nhưng để lại những di chứng nặng nề như động kinh, kém phát triển tinh thần, trí tuệ, vận động…
Các bác sĩ khuyến cáo để phòng bệnh uốn ván sơ sinh, phụ nữ mang thai cần lưu ý tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng uốn ván vào 2 tháng cuối thai kỳ. Khi có dấu hiệu sinh, người mẹ cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn sinh và chăm sóc trẻ đúng cách.