Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cắt thế thì thôi...

Ngày tết rảnh rỗi, tôi đi xem phim "50 sắc thái". Vốn óc tò mò, đã nghe đồn là bị cắt tơi tả, rồi nghe đồn cấm, rồi lại cho, lại đã đọc truyện nên tôi quyết tâm phải xem bằng được.

Tôi vừa xem phim vừa “vận hết mười thành công lực” của trí nhớ để điền vào chỗ cắt, để hiểu diễn biến phim...

Xung quanh tôi là những tiếng càm ràm, nhăn nhó, rồi nặng hơn nữa là... chửi thề vì ... “đố hiểu gì” - như lời một vị khách quá bức xúc. Có một bạn nữ vội nói: “Thôi, đừng chửi, chửi thì họ cũng không nghe, mình cứ tự điền vào chỗ trống, mấy chỗ cắt đó là mấy chỗ... ấy ấy”. Cả rạp cười rần trời! Rạp chiếu phim thành rạp diễn hài kịch.

Tôi cũng muốn đòi lại tiền mua vé, nhưng mà, tôi là người Việt Nam, mà khán giả Việt Nam thì chưa có cái thông lệ này, tôi không muốn là người tạo ra tiền lệ xấu nên... ngậm bực bội, đi về...

Phim 50 sắc thái bị cắt tơi tả khi đến VN - Ảnh: imdb.

Ai dè, khi kể với cô bạn tôi, cô liền kể lại một chuyện rất buồn cười, do chính cô chứng kiến, ở suất chiếu cô đi xem: có bốn khán giả nước ngoài, xem xong phim ra đòi tiền lại. Nhân viên rạp chiếu thì lấy đâu tiền mà trả.

Mà làm gì có lệ trả lại tiền cho phim “lỡ xem”! May mà người quản lý nhanh chóng tìm được một giải pháp chữa cháy - tặng nước ngọt và bắp rang bơ... để mong “thượng đế” cảm thông và chia sẻ. Ðúng là chuyện cười ra nước mắt.

Từ đây, với tư cách khán giả, tôi muốn đặt hai câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên với nhà kiểm duyệt: ở bản gốc, nhà sản xuất dán nhãn “phim chỉ dành cho khán giả từ 18 tuổi trở lên”, ở bản kiểm duyệt tại Việt Nam, thông thoáng hơn cả Âu Mỹ, hội đồng duyệt dán nhãn “dành cho khán giả từ 16 tuổi trở lên”.

Tại sao không giữ cùng nhãn kiểm duyệt và tại sao lại mở rộng thêm hai tuổi xem phim? Không ai biết tại sao, nhưng chắc là để tăng thêm lượng khán giả. Và khi đã mở rộng đến thế thì... phải cắt. Cắt đến mức không hiểu gì cả nếu chưa từng đọc sách và thậm chí, như tôi, đã đọc sách rồi mà quá cực khổ để hiểu bộ phim. Nếu đã cắt đến như vậy thì tôi thiết nghĩ thà cấm luôn cho rồi!

Câu hỏi thứ hai, tôi muốn dành cho nhà nhập và phát hành phim. Năm mươi sắc thái không phải là một bộ phim hay. Thậm chí theo đánh giá của tờ New York Times, đó còn là một bộ phim “tệ hại”, còn trên IMDB phim hiện chỉ được chấm 4,2/ 10 điểm.

Phim bị chê nhưng doanh thu khổng lồ vì là một bộ phim “nóng bỏng”. Sự nóng bỏng ấy kéo khán giả đến rạp. Nhưng khi phim bị cắt đến mức “tơi tả tan tành” như vậy, có nghĩa là sự nóng bỏng không còn, mà nhà phát hành vẫn phát hành, có phải là “treo đầu dê bán thịt chó” không?

Và nếu như tôi cùng hàng nghìn khán giả khác cùng đòi tiền lại như những vị khán giả nước ngoài kia thì quý vị sẽ xử lý như thế nào?

Lần sau, nếu nhà nhập phim buộc phải cắt phim như vậy, và hội đồng duyệt cắt đến như vậy thì có lẽ nên có một dòng “cảnh báo” trên poster trước rạp và trong thông cáo báo chí/quảng cáo: “Phim đã bị cắt tất cả cảnh nóng và có thể gây khó hiểu. Quý khách cần cân nhắc khi mua vé”. Tôi nghĩ rằng như vậy công bằng hơn với những người bỏ tiền mua vé xem phim, chứ không phải xem đĩa lậu - như tôi.

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150227/cat-the-thi-thoi/713946.html

Theo Trần Thị Hồng Hạnh/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm