Từ cát-xê 30 triệu đồng cho một vai chính trong phim của diễn viên Lý Hùng vào đầu những năm 1990 (thời điểm giá vàng gần 400.000 đồng/chỉ), cho đến mức cát-xê 700 triệu đồng cho ca sĩ Bằng Kiều tham gia phim Sơn đẹp trai vào thời điểm 2015 (giá vàng gần 4.000.000 đồng/chỉ) - khoảng cách gần 3 thập niên ấy đã có quá nhiều thay đổi về cát-xê của diễn viên trong thị trường điện ảnh…
Tiền tỷ của một vai diễn
Trong những lần nhìn lại quá khứ vàng son, diễn viên Lý Hùng vẫn luôn cảm thấy tự hào về mức cát-xê mà anh đã nhận được trong rất nhiều bộ phim góp mặt vào thập niên 1990. Thời điểm mà mức cát-xê được diễn viên quy đổi ra thành 15-20 cây vàng, có rất nhiều diễn viên đã chạm đến cột mốc ấy từ Lý Hùng cho đến Việt Trinh, Diễm Hương, Thu Hà, Y Phụng, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Giáng My…
Tuy nhiên, có một điều thú vị là giai đoạn đó của điện ảnh Việt, các diễn viên hầu như không có sự ganh đua, hét giá về cát-xê. Họ được “định giá” một cách rõ ràng. Và vui vẻ đi làm phim với mức giá đã được định sẵn ấy.
Bằng Kiều nhận cát-xê 700 triệu đồng cho vai diễn Sơn đẹp trai. Ảnh: ĐPCC. |
Gần 3 thập niên sau đó, khi Bằng Kiều lần đầu tiên đóng một bộ phim điện ảnh với mức cát-xê 700 triệu đồng, mọi thứ trong thị trường điện ảnh Việt đã thay đổi 360 độ từ quy mô doanh thu thị trường cho đến số lượng rạp chiếu, thị hiếu khán giả, chính sách giá vé… Nếu lấy cột mốc cát-xê 1 tỷ đồng (giá vàng hiện tại khoảng trên 3.600.000 đồng/chỉ) - tầm 27 cây vàng- để làm chuẩn thì rất nhiều diễn viên đã đạt được như Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang, Thái Hòa…
Thậm chí có rất nhiều trường hợp lấy cát-xê thấp hơn quy định nhưng đổi lại cộng thêm 5% tiền lời của bộ phim sau khi trừ đi kinh phí sản xuất (nếu phim thắng) - hoặc góp hoàn toàn cát-xê vào kinh phí sản xuất, khiến cho không ít diễn viên (và cả đạo diễn) có thể kiếm được vài tỷ đồng sau một phim không còn là chuyện lạ.
Cho đến thời điểm này, “cuộc chiến” giá cát-xê vẫn chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt, khi tốc độ phát triển của số lượng phim Việt năm sau luôn cao hơn năm trước từ ít nhất là 40-50%.
Diễn viên ít và thiếu, gương mặt nổi trội thì không nhiều nên việc “làm giá” xảy ra như một chuyện đương nhiên của thị trường. Thậm chí việc “kèn cựa” vì sao “giá của tôi thấp hơn giá của anh A/Chị B trong khi chúng tôi nổi tiếng ngang nhau” khiến cho tổng kinh phí dành cho cát-xê của diễn viên luôn là bài toán đau đầu của nhà sản xuất.
Việc bỏ vai vào phút cuối vì cát-xê không thoả thuận được khi đem ra so sánh với các đồng nghiệp khác trong đoàn phim vẫn xảy ra rất thường xuyên…
Cát-xê không quan trọng miễn là kịch bản hay
Việc các ngôi sao nổi tiếng ở các lãnh vực khác quyết định dấn thân vào điện ảnh không còn là chuyện mới với điện ảnh Việt. Nhưng nếu các ngôi sao ấy không xem giá cát-xê là tiêu chí đầu tiên để ký hợp đồng, mà trước nhất kịch bản phải hay thì đó lại là chuyện rất đáng chú ý.
Không phải ngẫu nhiên một bộ phim như Mẹ chồng (đang trong quá trình làm hậu kỳ, sẽ khởi chiếu vào đầu tháng 12/2017) của đạo diễn Lý Minh Thắng có kinh phí sản xuất dưới 9 tỷ đồng, nhưng lại có một dàn diễn viên rất hùng hậu gồm Diễm My 6X, Thanh Hằng, Lan Khuê, Midu…
Thanh Hằng và Lan Khuê cùng tham gia dự án phim Mẹ chồng. Ảnh: FBNV. |
Nói riêng một chút về trường hợp của Thanh Hằng. Giá tham dự event của Thanh Hằng luôn ở mức thấp nhất là 10.000 USD (hơn 200 triệu đồng), giá TVC thì còn cao hơn rất nhiều… trong suốt thời gian qua. Việc Thanh Hằng chấp nhận bỏ ra thời gian khoảng 3 tuần để tham gia một bộ phim sẽ ảnh hưởng đến không ít hợp đồng công việc khác.
Không thể tiết lộ con số cụ thể, nhưng mức cát-xê mà Thanh Hằng nhận được từ phim Mẹ chồng không cao. Nhưng vì sao Thanh Hằng mong muốn nhận dự án này, chính là vì kịch bản đủ sức hấp dẫn. Và điện ảnh chính là con đường dài mà Thanh Hằng muốn đi, siêu mẫu từng chia sẻ với người viết về ước mơ muốn trở thành một nhà sản xuất phim trong tương lai.
Điện ảnh sẽ là “đầu tàu” của thị trường giải trí Việt Nam trong khoảng 10 năm nữa, việc một ngôi sao đứng bên lề dòng chảy ấy là một thiệt thòi rất lớn cho sự nghiệp của họ. Thanh Hằng hay rất nhiều cái tên nghệ sĩ khác đủ thông minh để biết rằng nếu muốn có một bước tiến dài hơn trong sự nghiệp, họ phải tham gia vào thị trường điện ảnh một cách quyết liệt chứ không còn xem là một cuộc dạo chơi như suy nghĩ mặc định trong đầu từ cách đây vài năm.
Kịch bản hay vẫn còn thiếu. Và đó chính là lý do mà xu hướng làm phim remake đang bùng nổ tại Việt Nam với hàng loạt bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… được mua lại để giải quyết khâu thiếu hụt nguồn cung từ các biên kịch trong nước.
Khán giả Việt Nam đã từng xem Em là bà nội của anh, Yêu, Bạn gái tôi là sếp, Sắc đẹp ngàn cân… thì sắp tới còn có Yêu đi đừng sợ, Tháng năm rực rỡ, Cô nàng ngổ ngáo… vẫn đang đợi ra rạp trong trào lưu Việt hóa. Song khoảng cách từ một kịch bản hay đến một bộ phim hay ở Việt Nam là khoảng cách rất xa và không ai đoán trước được điều gì…
Việc trả cát-xê cao cho diễn viên, nếu diễn viên mang đến sự an tâm rằng khán giả sẽ vì tên diễn viên ấy mà đến rạp, giúp cho phim đạt doanh thu tốt là chuyện đáng ủng hộ. Chỉ là ở thị trường Việt Nam, việc một cái tên nào đó bảo chứng cho doanh thu bộ phim chỉ là suy nghĩ từ phía nhà sản xuất hay từ chính diễn viên. Còn với khán giả, chất lượng của bộ phim là yếu tố quan trọng nhất khiến họ bỏ tiền ra rạp.
Và với thị trường phim Việt lúc này, chất lượng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng!