Jonathan Bryan sinh ra ở Wiltshire, Anh, với căn bệnh bại não nghiêm trọng khiến em không thể cử động như người bình thường và phải gắn chặt cuộc đời với chiếc xe lăn.
Trong phần lớn thời gian, bố mẹ Jonathan dùng tín hiệu phi ngôn ngữ, đặc biệt là biểu cảm gương mặt để giao tiếp với con.
Jonathan bị bại não từ bé. Ảnh: CNN. |
Khi cậu bé đến trường, thầy cô khẳng định em không thể học hành gì nên không dạy đọc, viết. Mọi chuyện thay đổi khi mẹ Jonathan, cô Chatal Bryan, quyết định dành vài tiếng mỗi ngày để dạy con điều nhà trường không làm được.
Năm 9 tuổi, Jonathan có thể đánh vần mọi điều em muốn biểu đạt. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ từ E-Tran Frame, Jonathan không chỉ giao tiếp mà còn xuất bản sách về chính nỗ lực học nói, viết của em, theo CNN.
E-Tran Frame là công cụ gồm bảng nhựa trong suốt có chữ cái cùng hệ thống màu sắc được mã hóa. Người dùng sử dụng ánh mắt để xác định muốn dùng những chữ cái nào. Người đối diện nhìn vào bảng để đọc những điều mà người kia muốn nói. Cuốn hồi ký với tựa đề Đôi mắt biết viết của Jonathan được thực hiện thông qua công cụ này.
Cậu bé hy vọng cuốn sách truyền cảm hứng để những đứa trẻ tật nguyền sống cuộc đời trọn vẹn hơn. Ảnh: CNN. |
Thông qua đó, người đọc hiểu được chặng đường cậu bé 12 tuổi đã trải qua. Đó là những ngày tháng học đánh vần, viết và nghị lực vượt qua quãng thời gian khó khăn.
Jonathan mất một năm để hoàn thành cuốn sách. Sau khi ra mắt hôm 12/7, Đôi mắt biết viết được đón nhận nhiệt tình với nhiều phản hồi tích cực.
Nó không chỉ là tự truyện của cậu bé bại não, mà còn là cảm hứng sống, học tập cho nhiều người, đặc biệt những đứa trẻ và cha mẹ có hoàn cảnh tương tự.
Bản thân Jonathan cũng hy vọng nó giúp người khác lấy lại niềm tin, nỗ lực vươn lên vì cuộc sống.
"Tôi là tiếng nói đại diện cho những người không thể nói", cậu bé tâm sự về khát khao tương lai mỗi đứa trẻ đều được đến trường học đọc, viết.
Ngoài ra, tác giả nhỏ tuổi này cũng sẽ dành lợi nhuận từ cuốn sách đầu tay để hỗ trợ giáo dục để mọi đứa trẻ khuyết tật đều được học chữ.
"Khi biết đánh vần, chúng ta được phép lên tiếng và sống cuộc đời trọn vẹn hơn", Jonathen chia sẻ.