Hôm 14/2, ngày bắt đầu học kỳ mới ở Trung Quốc đại lục, cậu bé Xiao Teng, 11 tuổi, rời nhà từ 5h. Lúc đó, trời còn tối mịt. Em dắt theo 2 chú chó, đi bộ 4 km để bắt xe buýt tới trường. Con đường không hề bằng phẳng khi Xiao Teng sống ở ngôi làng phía nam tỉnh Giang Tây, thuộc vùng núi giáp ranh tỉnh Quảng Đông.
Xiao Teng ngước nhìn camera trước khi rời nhà đi học lúc 5h sáng. Ảnh: South China Morning Post. |
Bố em, ông Chen Yao, 39 tuổi, rời quê hương, đến Thâm Quyến để mưu sinh. Dù cách xa 800 km, ông vẫn dậy sớm, nhìn qua màn hình để biết chắc con trai đi học đúng giờ, kịp bắt xe buýt. Hiểu rõ bố đang nhìn mình, khi đóng cửa nhà, Xiao Teng ngước nhìn camera.
"Trước đó, chúng tôi không nói chuyện, đó chỉ là sự thấu hiểu giữa 2 cha con mà không cần diễn tả bằng lời", ông Chen Yao chia sẻ với South China Morning Post.
Hành trình tới trường của Xiao Teng kéo dài 15 km. Em đi bộ 4 km, lên xe buýt, vượt qua quãng đường 11 km rồi đi tiếp một đoạn ngắn để đến lớp.
Vì việc đi lại khó khăn, cậu bé nội trú ở trường từ thứ hai đến thứ sáu. Chiều tối thứ sáu, em về nhà, sống cùng bà và chị gái. Chị em học tại trường THCS ở cùng thị trấn. Mẹ giống bố, đều rời quê, đến làm việc ở Thâm Quyến.
Ông Chen Yao cho biết 2 con phải học trường xa nhà vì ngôi trường gần đó có chất lượng giáo dục quá kém. Và dù rất muốn, vợ chồng ông không thể dẫn theo con đến Thâm Quyến.
"Các con không có hộ khẩu ở Thâm Quyến nên vẫn sẽ phải trở lại Giang Tây để thi gaokao (kỳ thi tuyển sinh đại học nổi tiếng khắt khe). Hơn nữa, con cũng quen với cuộc sống nơi làng quê hơn", ông bố 39 tuổi giải thích.
Khi đăng tải clip con trai ngước nhìn bố qua màn hình, người cha làm nghề lái thuê xe nâng không ngờ tới nó lại lan truyền rộng rãi đến vậy. Qua nhiều kênh khác nhau, hàng chục triệu người đã xem clip. Đông đảo cư dân mạng cho biết họ không cầm nổi nước mắt trước sự thấu hiểu, chu đáo của cậu bé 11 tuổi.
Họ cũng ước tất cả trẻ em trên thế giới không phải sống trong hoàn cảnh như vậy mà luôn được bố mẹ đồng hành trên bước đường trưởng thành.
Nói về 2 con, ông Chen chia sẻ bọn trẻ rất hiểu chuyện. Hai chị em thường chơi oẳn tù tì, ai thua phải làm việc nhà. Cứ 2 tháng, ông lại về thăm con một lần.
Còn lại, ông bố 39 tuổi bày tỏ tình yêu bằng cách ngắm con qua màn hình truyền hình ảnh camera lắp trước cửa nhà ghi lại. Ông cũng đăng clip con lên mạng để bù đắp phần nào khi không thể chứng kiến con trưởng thành mỗi ngày.
Câu chuyện của bố con ông Chen Yao cùng hành trình Xiao Teng đến trường làm nhiều người nhớ lại "cậu bé băng giá" - nam sinh từng trở thành hiện tượng mạng năm 2018 khi hình ảnh em tới lớp với mái tóc đóng băng và đôi má ửng hồng vì giá rét lan truyền trên các nền tảng trực tuyến.
Câu chuyện nam sinh đi học khi trời còn tối mịt khiến nhiều người nhớ đến "cậu bé băng giá". Ảnh: China Daily. |
Bức ảnh cậu bé tóc trắng xóa cùng tràng cười từ bạn học thoạt đầu khiến mọi người cảm thấy hài hước. Tuy nhiên, nó cũng là bằng chứng sinh động về cuộc sống khốn khó mà những người nghèo nhất ở Trung Quốc phải đối mặt.
Vì mưu sinh, ông Chen, cũng như hàng triệu người lao động khác, rời quê hương, sống xa nhà gần như cả năm chỉ để cải thiện đời sống cho gia đình.
Ông Chen rời Giang Tây, đến Thâm Quyến làm việc từ năm 14 tuổi, sau khi bố ông qua đời. Cuộc sống của 7 người trong gia đình ông phụ thuộc hoàn toàn vào khoản tiền vợ chồng ông kiếm được (anh trai ông bị tâm thần, không thể tự nuôi sống bản thân).