Ở tuổi 15, Amin Hataman phát minh túi nilon có thể phân hủy, không gây hại đến môi trường. Sản phẩm đặc biệt này giúp cậu trở thành người trẻ nhất trong 30 nhân vật nổi bật dưới 30 tuổi mảng Sức khỏe - Khoa học do Forbes châu Á bình chọn vào đầu năm nay.
Cậu bé đến từ Philippines cũng giành giải cao nhất tại Olympic nhà sáng chế trẻ (IYIPO) tổ chức tại Georgia, Mỹ năm 2014.
Năm 2015, Amin tiếp tục mang về huy chương đồng cuộc thi Dự án môi trường, kỹ thuật và năng lượng bền vững quốc tế (I-SWEEP) diễn ra tại Texas, Mỹ.
Amin và sản phẩm túi nilon có thể phân hủy. Ảnh: Newsgraph. |
Biển là nguồn cảm hứng sáng tạo
Amin Hataman sinh ra, lớn lên tại tỉnh Basilan, đảo Mindanao, Philippines. Đối với cậu bé 15 tuổi, không gì tuyệt vời hơn những bãi cát mịn cùng dòng nước trong suốt của biển Basilan.
Ngày nghỉ, Amin Hataman thường về quê Basilan toàn tụ cùng gia đình. Nhưng kỳ nghỉ sẽ không trọn vẹn nếu cậu không được ra biển. Amin rất thích nô đùa hoặc lặng lẽ đi bộ trên cát.
“Lớn lên ở Mindanao, em rất yêu quý, trân trọng những giá trị môi trường tự nhiên mang lại. Sự phong phú của các kỳ quan thiên nhiên giúp em nhận ra nhiệm vụ của con người là chăm sóc và bảo vệ Trái Đất. Chúng ta không nên xem thường bất kỳ điều gì xung quanh", Amin chia sẻ.
Năm 2011, Philippines thông qua lệnh cấm túi nilon - kẻ thù thầm lặng và nguy hiểm của tự nhiên. Từ năm 2014, khoảng 15 thành phố trên đất nước nghìn đảo thi hành luật cấm sử dụng túi nilon tại cửa hàng tạp hóa, nhà hàng và các cơ sở khác.
Khi suy nghĩ về đề tài khoa học tại trường quốc tế Fountain, Amin đã nghĩ đến quê hương mình.
“Lúc còn nhỏ, em đã chú ý thói quen cho rác vào túi nilon của nhiều người. Em cũng thấy người ta vứt hoặc đốt nilon bừa bãi. Em nhận ra đây không phải việc làm đúng đắn sau khi làm nhiều nghiên cứu về tác hại của túi nilon đối với môi trường”, Amin chia sẻ.
Cuối cùng, Amin quyết định nghiên cứu loại túi có thể thay thế túi nilon cùng người bạn Thổ Nhĩ Kỳ tên Gokturk Memduh Karabulot.
Nguyên liệu chính của loại túi Amin và Gokturk nghiên cứu là thạch dừa.
“Thạch dừa là món ăn quen thuộc của người Philippines, có vị ngọt như kẹo hay các món tráng miệng. Nó cũng có tính dẻo như túi nilon thường, nhưng lại dễ dàng phân hủy sau vài tuần tiếp xúc yếu tố tự nhiên”, Amin giải thích trong bài phỏng vấn trên Philstar Global.
“Trong tương lai, nếu theo đuổi con đường kinh doanh, nhất định em sẽ phát triển dự án này”, thiếu niên 15 tuổi nói thêm.
Phát minh đã giúp Amin giành chiến thắng trong cuộc thi khoa học tại trường. Giáo viên thực sự ấn tượng với sản phẩm của học trò nên không ngần ngại đưa túi nilon làm từ thạch dừa tham dự các cuộc thi quốc tế dành cho nhà sáng chế.
Nam sinh đã giành không ít giải thưởng danh giá. Nhiều người biết về túi nilon có thể phân hủy và ca ngợi tài năng trẻ.
Amin say sưa giới thiệu về sản phẩm túi nilon làm từ thạch dừa. Ảnh: Theasianparent. |
Không muốn "dựa hơi" bố mẹ
Theo Goodnews Pilipnas, Amin Hataman sinh ra trong gia đình làm chính trị. Bố Amin là ông Mujiv Hataman - Thống đốc khu tự trị hồi giáo Mindanao (ARMM) và mẹ cậu là bà Sitti Djalia Turabin-Hataman - thành viên Quốc hội Philippines.
Bố mẹ luôn ủng hộ mọi bước đi của Amin. Trước những thành tựu của con trai, ông Hataman rất tự hào, còn bà Sitti Djalia cho biết: “Amin không bao giờ hài lòng với những giải thưởng con đạt được, vì tin rằng nhiều người khác xứng đáng hơn”.
Bà cũng chia sẻ một điều thú vị rằng, khi biết Amin giành giải thưởng, bà gọi để an ủi con trước, sau đó mới chúc mừng.
Là con trai của chính trị gia nên chính trị thường là chủ đề được Amin cùng bạn bè thảo luận, ngay cả khi chơi bóng đá.
“Thỉnh thoảng, em nói chuyện với bạn bè về tình trạng của đất nước và ảnh hưởng của chính trị với cuộc sống. Chúng em cũng nói về những cuộc bầu cử, đưa ra quan điểm và đôi khi, em cũng nhắc đến bố mẹ”, nam sinh kể.
Tuy nhiên, không phải chính trị, khoa học mới là niềm đam mê lớn nhất của thiếu niên này. Vì thông qua nghiên cứu khoa học, cậu có thể góp sức gìn giữ và bảo vệ môi trường.
Theo Rappler, nam sinh 15 tuổi muốn được nhiều người biết đến bởi những đóng góp cho môi trường, không phải là cái danh con trai thống đốc.
Ngoài khoa học và môi trường, Amin cũng yêu thể thao, âm nhạc. Cậu biết hát, chơi piano, guitar… và am hiểu lịch sử.