Cuối tháng 9 vừa qua, một bé trai ở thị trấn Thai Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã bị bố cởi giày và đưa đến phần mộ của ông nội vào buổi tối.
Theo Global Times, đây là cách ông bố trừng phạt con trai vì không chịu làm bài tập về nhà. "Bố không dạy được con nên để tổ tiên lo liệu", người đàn ông quát mắng rồi bỏ đi, để lại cậu bé một mình ở nghĩa địa.
Sau khi nguôi giận và trở lại, người bố đã không thấy con trai đâu. Người này đã phải gọi điện báo cảnh sát. Sau gần một tiếng, bé trai được tìm thấy trong tình trạng hoảng sợ khi đang đi lạc trên đường núi.
Đầu tháng 6, một cậu bé 9 tuổi ở Cheonan, tỉnh Nam Chungcheong (Hàn Quốc) đã tử vong sau khi bị mẹ kế nhốt trong vali suốt 7 tiếng. Người phụ nữ 40 tuổi đã bị cảnh sát bắt giữ ngay sau đó.
Chưa đến 2 tuần sau, một người đàn ông 35 tuổi bị bắt ở Changnyeong, tỉnh Nam Gyeongsang (Hàn Quốc) vì hành hạ dã man con gái riêng 9 tuổi của vợ. Người này bị cáo buộc trói bé gái bằng xích và dùng đũa kim loại nóng để làm bỏng chân cô bé.
Trong cả hai trường hợp trên, các nghi phạm đều khai báo rằng họ trừng phạt lũ trẻ vì chúng "nghịch ngợm". Cả hai đều viện dẫn việc nuôi dạy con cái như một cái cớ cho hành vi bạo lực của mình.
Các bậc cha mẹ châu Á thường dạy con theo kiểu "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". |
Ở nhiều nước châu Á, các bậc cha mẹ vẫn thường dạy con theo kiểu "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Và đánh đòn đã là phương pháp giáo dục được chấp nhận trong một thời gian dài.
Ngày nay, nhiều phụ huynh cố gắng dạy con mà không cần sử dụng đòn roi. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa các hình phạt thể chất đối với trẻ em đã hoàn toàn biến mất.
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng hình phạt thể chất thường không giúp trẻ nhận thức và khắc phục sai lầm ở hiện tại. Không chỉ vậy, nó còn có thể phản tác dụng, gây ra những hậu quả không mong muốn vì ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ.
"Con cái là tài sản của cha mẹ"
Luật dân sự Hàn Quốc quy định các bậc phụ huynh hoặc những người có trách nhiệm pháp lý chăm sóc trẻ con "có thể bảo vệ hoặc giáo dục con cái bằng hành động kỷ luật cần thiết".
Điều này có thể bị hiểu sai là cho phép phụ huynh lạm dụng thể chất con cái. Giáo sư Yoon Jin-soo của trường ĐH Luật Seoul cho rằng sự trừng phạt đôi khi đi quá giới hạn, có thể gây đau khổ về tinh thần và thể chất cho những đứa trẻ.
Lee Yung-hyeock, giáo sư khoa học cảnh sát tại Đại học Konkuk cho biết: "Nhiều phụ huynh ở Hàn Quốc đã từng bị cha mẹ đánh đòn lúc nhỏ. Lớn lên họ lại tiếp tục giáo dục con cái theo cách tương tự. Điều này cho phép truyền thống tồn tại lâu dài".
Theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc, 132 trẻ em được phát hiện tử vong do lạm dụng từ năm 2014 đến năm 2018. Con số này có xu hướng tăng trong suốt 14 năm qua.
Giáo dục con bằng hình phạt thể chất không giúp trẻ nhận ra sai lầm của mình. |
Số vụ lạm dụng trẻ em do Bộ Phúc lợi báo cáo năm 2018 là 24.604 vụ, gấp hơn 4 lần so với 5.578 vụ được ghi nhận 10 năm trước đó.
Nhà hoạt động quyền thanh niên Kang Min-jin cho biết vì có ít cơ sở dành cho nạn nhân bị lạm dụng, nhiều bậc cha mẹ đang bị truy tố đã được giảm tội vì không có ai khác chăm sóc con cái của họ.
Đầu năm nay, một bé gái 12 tuổi trình báo việc bị cha ruột và cha dượng lạm dụng tình dục lên cảnh sát nhưng cuối cùng đã bị chính cha mẹ kế sát hại.
Còn tại Trung Quốc, một bé gái 7 tuổi ở tỉnh Sơn Đông đã bị mẹ ruột đánh chết vì ăn chậm vào tháng 8 năm ngoái. Người cha cho biết anh đã không ngăn cản vì nghĩ đó là cách vợ dạy con nhỏ.
Nhà hoạt động Kang nói: "Nhiều người châu Á vẫn coi con cái là tài sản của họ hơn là những cá thể riêng biệt, có quan điểm và nhận định riêng".
Cấm trừng phạt trẻ bằng đòn roi
Tháng 6 vừa qua, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã đề xuất luật sửa đổi cấm cha mẹ trừng phạt con cái bằng đòn roi với hy vọng chấm dứt nạn bạo hành trẻ em dưới danh nghĩa kỷ luật và dạy dỗ.
Tuy nhiên, dự luật này vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi tại xứ kim chi. Các nhóm bảo vệ quyền trẻ em rất hoan nghênh kế hoạch trên, song những người khác lại lo ngại rằng nhà nước đang can thiệp quá sâu vào cuộc sống cá nhân, gia đình.
"Người ta cần có quyền quyết định phương pháp nuôi dạy con cái của mình một cách độc lập", ông Lee Hee-bum, người lãnh đạo nhóm Liên minh Tự do bảo thủ, nói.
Bà Lee Kyung-ja, người đứng đầu một nhóm phụ huynh bảo thủ, đã kiên quyết phản đối bất kỳ sự thay đổi nào.
"Tôi vẫn sẽ đánh đòn, từ chối trả học phí nếu con cái không chịu nghe lời - đó là cách tôi sẽ thiết lập lại quyền của mình với tư cách là cha mẹ", bà Lee nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Phúc lợi Park Neung-hoo cho biết: "Nhiều người đồng ý rằng lạm dụng trẻ em là một vấn đề xã hội nghiêm trọng nhưng vẫn khoan dung với các hình phạt thể chất. Chúng ta cần thay đổi nhận thức này".
Luật cấm cha mẹ trừng phạt thể chất con cái gây tranh cãi ở Hàn Quốc. |
Theo tiến sĩ tâm lý học Laura Markham, có 3 lý do khiến phụ huynh không nên dùng đòn roi để dạy bảo con cái. Thứ nhất, hình phạt thể chất chỉ gây đau đớn, tổn thương thay vì giúp trẻ nhận ra mình sai ở đâu và sửa sai.
Thứ hai, đánh đòn khiến đứa trẻ tin chắc rằng mình "hư hỏng" và do đó "càng bị trừng phạt, chúng càng tệ hơn". Cuối cùng, những cảm xúc bị kìm nén sau mỗi trận đòn có thể dẫn đến xu hướng bạo lực tiềm ẩn trong tương lai.
Trước Hàn Quốc, gần 60 quốc gia khác đã thông qua quy định cấm cha mẹ trừng phạt thân thể con cái. Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên cấm các hình phạt thể chất đối với trẻ em vào năm 1979, kế đến là Phần Lan vào năm 1983 và Na Uy vào năm 1987.
Tại Nhật Bản, luật cấm cha mẹ trừng phạt con cái chính thức có hiệu lực từ tháng 4/2020. Theo Strait Times, cảnh sát Nhật Bản đã tiếp nhận 80.104 vụ, con số kỷ lục về lạm dụng trẻ em xảy ra trong năm 2018.
Trong số đó, 14.821 vụ có ghi nhận sử dụng bạo lực, tăng 20,1% so với năm 2017. Các vụ án nghiêm trọng khác cũng được nêu ra làm dẫn chứng cho việc cấp thiết ban hành bộ luật mới, bảo vệ trẻ em và hạn chế hành vi ngược đãi trẻ.